Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới

Theo một thống kê của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về trữ lượng đất hiếm.

Trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới ước tính là 120 triệu tấn, trong đó Trung Quốc 44 triệu tấn, thứ 2 là Việt Nam khoảng 22 triệu tấn, xếp sau là Brazil với 21 triệu tấn. Tiếp theo là Nga (17 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn); Úc (3,4 triệu tấn), Greenland (1,5 triệu tấn); Mỹ (1,4 triệu tấn); Nam Phi (860.000 tấn)…

Trữ lượng đất hiếm tại nước ta chủ yếu phân bố ở vùng Tây Bắc. Các mỏ đất hiếm gốc tập chung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Mỏ lớn nhất nằm ở Bắc Nậm Xe (Lai Châu). Ngoài ra, một số quặng đất (sa khoáng) hiếm nhỏ nằm rải rác khu vực ven biển từ Quảng Ninh – Vũng Tàu.

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản: trữ lượng đất hiếm của Việt Nam là không hề nhỏ, có nhiều cơ hội và tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên có nhiều chuyên gia cho rằng hàm lượng các kim loại hiếm trong mỏ đất hiếm của Việt Nam không dồi dào như Trung Quốc. Mặt khác việc khai thác, chế biến và ứng dụng đất hiếm tại Việt Nam còn sơ khai và còn rất nhiều hạn chế do hệ thống trang thiết bị, vấn đề môi trường và cả các vấn đề về bảo hộ lao động. 

Vào năm 2017, Nhật Bản thông báo rằng họ đã phát hiện một trữ lượng lớn đất hiếm nằm cách hòn đảo Minamitori khoảng 1.850km. Khu vực này chứa tới gần 16 triệu tấn đất hiếm, gấp gần 5 lần lượng khoáng chất được khai thác từ đầu thế kỷ 20. Việc phát hiện ra trữ lượng “kho báu” khổng lồ tại Nhật Bản là một tin tốt cho hiện tại và cả các thế hệ tương lai bởi chúng ta đều phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khi phải tìm cách khai thác đất hiếm từ mỏ quặng nằm sâu nhiều kilomet dưới biển.

Đất hiếm là một nhóm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Chúng bao gồm các chất như gadolinium, lanthanum, cerium và promethium, có vai trò thiết yếu trong sản xuất thuốc điều trị ung thư, điện thoại thông minh và các công nghệ năng lượng tái tạo, vì vậy đất hiếm mang tầm chiến lược của mỗi quốc gia. Các loại vật chất này đã được Hiệp hội Thăm dò địa chất Mỹ xếp hạng “cực kỳ quan trọng” cho các ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành sản xuất vũ khí.

Với trữ lượng đất hiếm chiếm 37% thế giới, Trung Quốc hiện là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất, chiếm 70% sản lượng toàn cầu. Việc sử dụng đất hiếm trên Thế giới rất phổ biến, từ ngành hàng tiêu dùng tới công nghiệp, quốc phòng.

Đất hiếm được sử dụng trong y tế, bao gồm việc sản xuất các thiết bị phẫu thuật, thuốc trị ung thư, máy tạo nhịp tim, thuốc viêm khớp. Chúng cũng có thể được tìm thấy trong ống nhòm, động cơ máy bay, hoặc chất phụ gia trong hệ thống khí thải xe hơi nhằm giảm phát thải.

Một trong những loại đất hiếm là neodymium được sử dụng để chế tạo thiết bị laser hồng ngoại cho mục đích quân sự. Các hãng sản xuất thiết bị quân sự như BAE của Anh sử dụng đất hiếm để chế tạo cảm biến cho hệ thống tên lửa. Đất hiếm còn được tìm thấy trong các đồ gia dụng. Chúng giúp máy tính và điện thoại thông minh nhẹ hơn, nhỏ hơn và hiệu quả hơn. Đất hiếm còn là vật liệu cần thiết để sản xuất pin nạp cho ô tô điện, sản xuất tivi.

Tú Anh

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về trữ lượng đất hiếm. Ảnh: ITN