Các chuyên gia cho rằng nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ở TP.HCM từ người lao động ngoại tỉnh là có nhưng không quá lớn. Vì vậy, thành phố cần nhanh chóng tiêm vaccine cho họ.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 28/10, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở thông tin và Truyền thông, cho biết trong những ngày gần đây, người lao động có xu hướng quay trở lại TP.HCM với số lượng tăng dần đều. Những người này chủ yếu là công nhân và người lao động tự do.
Nguy cơ dịch chuyển hướng về TP.HCM
Nguy cơ Covid-19 dịch chuyển về TP.HCM và các tỉnh lân cận đã được bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cảnh báo trong cuộc trả lời phỏng vấn với Zing vào đầu tháng 10.
Thời điểm này, bác sĩ Khanh nói thời gian tới, khi tình hình dịch ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai ổn định hơn, rất có thể hàng chục nghìn người vừa trở về này sẽ tiếp tục di chuyển lên để làm việc.
Thực tế đến ngày 18/10, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM thống kê khoảng hơn 134.000 lao động đã quay lại làm việc các khu chế xuất và khu công nghiệp. Số lao động quay lại làm việc ở các quận, huyện, TP Thủ Đức khoảng trên dưới 5.000 người.
Hàng trăm người lao động và gia đình đi xe máy về quê sau ngày 1/10. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trao đổi với Zing ngày 29/10, bác sĩ Khanh cho rằng nếu người dân ngoại tỉnh chưa tiêm đủ liều vaccine và là F0, họ có thể lây lan virus khi đến thành phố. Tuy nhiên, nguy cơ này không quá lớn nếu chính quyền địa phương tích cực kiểm soát và người dân tuân thủ 5K.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng với số lượng người dân trở về TP.HCM khá cao, rất có thể có F0 trong đó.
“Nguy cơ lây nhiễm từ người dân ở các tỉnh trở lại TP.HCM là có nhưng không tăng cao đến mức sợ hãi phải đóng cửa trở lại thành phố”, PGS Dũng nói.
Theo ông, trong khoảng một triệu người từ các tỉnh đổ về TP.HCM, tỷ lệ xuất hiện F0 có thể trong khoảng tối thiểu là 1.000-2.000 người. Do đó, thành phố cũng nên chuẩn bị dần các vấn đề về điều trị, cách ly.
“TP.HCM có tỷ lệ tiêm vaccine cao, tôi cho rằng nguy cơ bùng dịch không lớn. Do đó, thành phố sẽ chào đón người lao động trở lại chứ không phải đóng cửa”, chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM nói.
Chuyến xe đưa người dân về miền Tây khi họ đi xe máy đến chốt Long An. Ảnh: Chí Hùng.
Một lãnh đạo bệnh viện dã chiến ở TP.HCM cũng chia sẻ khi TP.HCM quyết định mở cửa và thích ứng an toàn với Covid-19, việc xuất hiện F0 là không tránh khỏi, ngay cả thời điểm mở cửa thì số lượng ca nhiễm vẫn còn rất cao.
“Về nguy cơ về đợt bùng phát mới, tôi cho rằng là không vì với tỷ lệ phủ vaccine rất cao, thành phố có thể thích nghi với tình hình mới. Tuy nhiên, về vấn đề điều trị, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng, ngay khi bệnh viện dã chiến giải thể theo lộ trình, vẫn có bác sĩ, điều dưỡng túc trực để nhận nhiệm vụ nếu có”, bác sĩ này nói.
Nhanh chóng tiêm vaccine cho người ngoại tỉnh
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, người dân từ các địa phương khác trở lại TP.HCM cần tuân thủ quy định phòng, chống dịch, thông điệp 5K, khai báo y tế, xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ Covid-19 và điều trị. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, người dân cần nhận được sự hỗ trợ của chính quyền.
Thứ nhất, địa phương cần có biện pháp quản lý phù hợp đối với người mới đến. Tổ Covid-19 cộng đồng hướng dẫn người dân đến địa phương nên tự hạn chế tiếp xúc, xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.
Thứ 2, cần có thái độ thận thiện, cởi mở với người từ tỉnh khác trở lại thành phố. Thái độ phân biệt hay kỳ thị có thể vô tình khiến người dân e ngại khi có triệu chứng, từ đó dễ có tâm lý giấu bệnh, không đi xét nghiệm. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn.
Một công ty ở Bình Dương bố trí “phòng ở” theo mô hình “3 tại chỗ” cho công nhân ở lại làm việc. Ảnh: Phạm Ngôn.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, giải pháp ngăn nguy cơ bùng phát dịch trở lại ở TP.HCM là nhanh chóng tiêm vaccine cho người lao động ngoại tỉnh trở về thành phố. Ông nhấn mạnh các doanh nghiệp và địa phương cần sớm rà soát toàn bộ trường hợp này để có kế hoạch tiêm vaccine sớm nhất.
“Điều quan trọng nhất là người dân từ nơi khác đến thành phố cần tuân thủ khai báo với chính quyền địa phương. Nếu bỏ qua khai báo y tế, gây lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ cao như người có bệnh nền, cao tuổi mà chưa tiêm đủ liều vaccine rất nguy hiểm”, bác sĩ Khanh lưu ý.
BSCKII Lưu Ngọc Đông, Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết vaccine đã góp phần quan trọng giúp cải thiện tình hình dịch Covid-19 ở thành phố.
“Tại Bệnh viện dã chiến số 12 nơi Bệnh viện Da liễu TP.HCM phụ trách, mỗi tuần, chúng tôi chỉ tiếp nhận thêm vài chục F0 mới, trong khi trước đây là hàng trăm ca. Số ca mắc mới và chuyển nặng giảm rõ rệt cho thấy hiệu quả của việc phủ vaccine Covid-19 ở thành phố”, bác sĩ Đông chia sẻ.
Tại buổi họp báo thông tin tình hình dịch trên địa bàn, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết bên cạnh người lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp, còn có người thân của họ. Vì vậy, vị lãnh đạo này lưu ý Sở Y tế cần lên kế hoạch tiêm vaccine hợp lý.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết thành phố sẽ tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ người dân trở lại làm việc.
Trước đó, Sở Y tế có văn bản gửi UBND các quận, huyện, đề nghị người dân đến từ các địa phương đăng ký tiêm vaccine Covid-19. Các địa phương nắm bắt số lượng người để tổ chức tiêm mũi 1 hoặc mũi 2.
Các doanh nghiệp có người lao động chưa tiêm phòng đầy đủ cần lập danh sách gửi về Sở Y tế hoặc UBND địa phương, để được phân bổ vaccine.
Bích Huệ – Tạp chí Zing News
Theo Zing News
Xem bài viết gốc tại đây:
https://zingnews.vn/can-som-tiem-vaccine-cho-nguoi-lao-dong-quay-tro-lai-tphcm-post1273908.html