(Phapluatmoitruong.vn) – Mặc dù VLXD thông thường đang khan hiếm, nhưng Sở TN&MT Quảng Ngãi lại có văn bản ban hành tạm dừng tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng đến nay, các cơ quan, đơn vị liên quan vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay, nhiều mỏ đất, cát trên địa bàn tỉnh chưa tổ chức đấu thầu đã gây ra nhiều hệ lụy trong quản lý, khai thác khoáng sản. Nhất là thị trường giá cả vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường đã tăng đột biến, ngân sách thất thu và ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng công trình trên địa bàn…
Được biết, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã có Thông báo kết luận số 56/TB-UBND, nêu rõ: “Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẩn trương tổ chức đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách về vật liệu xây dựng phục vụ các công trình tại địa phương. Tuy nhiên, sau gần 9 tháng triển khai, công tác quản lý, cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Một số địa phương như Nghĩa Hành, Ba Tơ, Sơn Hà, Tư Nghĩa và Tp. Quảng Ngãi… đã có Tờ trình gửi cơ quan chức năng yêu cầu khẩn trương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời tránh sự độc quyền trong khai thác cát, sỏi lòng sông, cũng như ngăn chặn tình trạng tăng giá đột biến trong lĩnh vực mua, bán vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng đã ký Công văn hỏa tốc 1895/UBND-NNTN, chỉ đạo trực tiếp Sở TN&MT khẩn cấp triển khai công tác đấu thầu quyền khai thác cát trên khu vực sông Trà Khúc. Trong đó nêu rõ: “Giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông khu vực sông Trà Khúc; tổ chức hoàn thành công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ cát theo quy định trước ngày 30/6/2021…”.
Ngoài ra, tại Quyết định 444/QĐ-UBND, ngày 7/6/2021 của UBND tỉnh cũng đã giao cụ thể: “Sở TN&MT chịu trách nhiệm kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đồng thời chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức bàn giao thực địa và tất cả hồ sơ liên quan đến mỏ của đơn vị trúng thầu cho địa phương. Trên cơ sở đó, UBND cấp huyện tổ chức công khai các thông tin liên quan cho nhân dân trong khu vực biết; đồng thời chịu trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động khai thác của tổ chức, cá nhân trúng thầu theo quy định của luật pháp”.
Mới đây, theo thông báo của Sở TN&MT về việc “Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”, hạn nộp hồ sơ của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá là 17h ngày 15/9/2021. Tuy nhiên, đến ngày 6/9/2021, Sở này có thông báo số 4188/TB-STNMT về việc dừng tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cũng như giá VLXD tăng cao do “dừng đấu giá quyền khai thác khoáng sản”, Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ngãi cũng đã có công văn số 258/CV-HH ngày 14/10/2021 gửi UBND tỉnh kiến nghị giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là tình trạng bất cập trong khai thác khoáng sản. Trên thực tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh số lượng mỏ đất, mỏ cát được cấp phép rất ít, tạo ra sự “độc quyền” trong mua, bán nguyên vật liệu. Nhiều địa phương miền núi xa xôi cũng chấp nhận về các mỏ đất, cát ở đồng bằng để mua, nhưng việc vận chuyển đến công trình rất khó khăn, dẫn đến tăng đột biến về giá.
Nguồn thu lớn của một chủ mỏ cát độc quyền ở Tp. Quảng Ngãi.
Một doanh nghiệp mua cát trữ để bán với giá cao.
Trao đổi với PV, một số công ty, nhà thầu xây dựng cho rằng, việc Sở TN&MT Quảng Ngãi cho dừng tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là không hợp lý. Bởi thời gian hoàn thiện hồ sơ để được cấp quyền khai thác mỏ phải mất khoảng 6 tháng, trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh chưa kịp thời tháo gỡ “gút thắt” trong khai thác khoáng sản. Do đó, tình trạng giá cả nguyên vật liệu trên thị trường hiện nay tăng cao khoảng gấp 2 lần so với quy định. Nhiều doanh nghiệp đang lao đao trên công trình, do áp lực về tiến độ thi công và phải chấp nhận mua VLXD với giá “cắt cổ”. Cụ thể, về giá các loại vật tư, vật liệu chính đưa vào giá thành công trình như: Vật liệu đất đắp theo thông báo khoảng trên 20.000 đ/m3, thực tế trên thị trường ít nhất từ 40.000-45.000 đ/m3. Cát xây dựng theo thông báo khoảng 150.000 -165.000 đ/m3, thực tế ít nhất là 210.000 đ/m3…
Một doanh nghiệp trữ cát thường đẩy giá lên cao.
Một công ty lén lút khai thác đất ở xã Đức Phú, huyện Mộ Đức.
Rõ ràng, do chậm trễ trong việc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh và tạm dừng tổ chức đấu thầu quyền khai thác khoáng sản đã gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời ngân sách Nhà nước cũng bị thất thu.
Thiết nghĩ, tỉnh Quảng Ngãi cần nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ, góp phần ổn định giá nguyên vật liệu trên địa bàn, giúp doanh nghiệp bớt phần nào gánh nặng để yên tâm hoạt động.
Minh Trí
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Bãi cát trữ trái phép ở P. Phổ Ninh, TX. Đức Phổ.