Cơn mưa chiều 24-10 chỉ kéo dài khoảng 30 phút đã khiến nhiều nơi ở khu vực trung tâm TP HCM ngập lênh láng. Cần nhìn nhận thực tế, xác định đúng nguyên nhân để có giải pháp căn cơ.
Nhiều năm tham gia xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, tôi nhận thấy hệ thống thoát nước khu vực trung tâm hiện không còn bảo đảm khả năng chống ngập, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và phát triển dân số.
TP HCM hiện có khoảng 13 triệu người đang sinh sống và làm việc, gia tăng dân số trung bình 1 triệu người sau mỗi 5 năm. Phần lớn dân số tập trung ở khu vực nội thành, xuất hiện dày đặc chung cư và nhà cao tầng với các dự án bất động sản đấu nối thoát nước sinh hoạt vào hệ thống thoát nước cũ.
Theo thống kê, hệ thống thoát nước cho thành phố lạc hậu so với nhu cầu thực tế, chỉ phục vụ cho dân số 1,5 triệu người từ năm 1975. Đến năm 1980, phát triển thêm về hướng Nam, khu vực quận 7, huyện Nhà Bè. Nơi này trước đây dành làm nơi tiêu thoát nước có nhiều kênh, rạch, ao đầm tự nhiên.
Cống thoát nước với thực trạng dài khoảng 4.000 km, phần lớn được lắp đặt từ thời Pháp, nhiều cống hơn 50 năm. Theo hồ sơ lưu giữ cho thấy thành phố còn đến 113 km đường cống thoát nước được xây dựng từ năm 1870 – 1954 và trên 777 km đường cống xây dựng từ năm 1975. Hiện tuyến cống vòm xây dựng từ thời Pháp chủ yếu tập trung trên các trục đường chính ở khu vực trung tâm, trong đó tuyến cống vòm dài nhất nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là gần 2 km, Nguyễn Du hơn 1,8 km, Hai Bà Trưng khoảng 1,5 km, Cách Mạng Tháng Tám gần 1,3 km…
Hệ thống thoát nước này không còn phù hợp với quy mô đô thị và dân số hiện hữu. Chưa kể, hệ thống thoát nước này đã xuống cấp trầm trọng. Giải pháp chống ngập những năm qua phần lớn theo kiểu đối phó, chắp vá. Công tác đấu nối, kéo dài cống thoát nước một cách tùy tiện là một sai lầm, không tuân thủ nguyên tắc thoát nước theo độ dốc từ cao xuống thấp, dẫn dòng tự chảy. Mất cân bằng giữa lượng nước đến và đi trong một không gian, đô thị hóa càng cao thì lượng nước tràn ra càng lớn, nếu hệ thống thoát nước không đáp ứng sẽ gây ngập.
Còn nhiều dự án giao thông, chống ngập nước sẽ triển khai. Những bất ổn thời gian qua phải được xem xét thấu đáo để tránh lặp lại tình trạng tương tự.
Cần rà soát quy hoạch tổng thể mặt bằng lưu vực, đánh giá lại toàn bộ công tác chống ngập để có cái nhìn toàn diện hơn. Thoát nước tính theo diện tích tối thiểu cũng vài chục km2, phù hợp độ dốc và mặt bằng tự nhiên, kể cả trường hợp tăng dân số.
Ngoài sửa chữa, khắc phục hệ thống cấp nước cũ, cần đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mới đồng bộ và hiện đại để kết nối sao cho đủ khả năng giải quyết thoát nước nhanh với mọi cơn mưa lớn nhỏ. Bên cạnh đó, nghiên cứu tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi thoát nước mưa ra sông, kênh, mương, rạch…
Phát triển dân số, đô thị hóa nên thận trọng hạn chế ở các khu vực Đông Nam. Phân bố dân số phù hợp, giãn dân ra khu vực ngoại thành nơi vùng đất cao hơn, dễ thoát nước như huyện Củ Chi có diện tích gần 500 km2, bằng 1/4 tổng diện tích toàn thành phố nhưng dân số chỉ chừng 400.000 người.
Trần Văn Tường – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Camera từ hệ thống của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM đã ghi nhận tại đường Calmette (quận 1) chìm trong nước
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/ban-doc/can-he-thong-thoat-nuoc-dong-bo-va-hien-dai-20211025210656439.htm