Nỗi lo ‘trái gió trở trời’

Lo cho sự phát triển của một dải miền Trung nghèo khó và nhiều thiên tai lâu nay vẫn là nội dung thường xuyên được các bộ – ngành quan tâm, song chỉ trên các đề án hay hội thảo là chưa đủ

Mới đây, bờ kè sông Hoài (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đầu tư hàng trăm tỉ đồng đã sụt lún nghiêm trọng, mà theo báo chí vừa đưa tin thì phải mất 5-7 tỉ đồng mới có thể khắc phục. Mọi biện bạch của đơn vị thi công đã bị phản bác kịch liệt từ các cơ quan chức năng địa phương. Cựu Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự cũng đã lên tiếng khá nặng lời trên báo chí…

Thời tiết biến đổi khắc nghiệt

Việc sạt lở bờ biển Cửa Đại ở Quảng Nam vài năm gần đây cũng tốn kém không ít tiền của ngân sách và cả giấy mực của giới truyền thông. Trong khi đó, các giải pháp khảo sát và thi công lại ít chú ý đến hiện tượng tự nhiên và sạt lở ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn kéo dài mà các nhà khoa học đã nghiên cứu trước đó hàng chục năm.

Khu vực Trung Trung Bộ đang mưa lớn và các trận bão số 5, 6, 7 liên tiếp diễn ra; nước các sông dâng cao có thể gây lũ lụt. Sẽ có những trận bão nữa đổ vào khu vực này từ nay đến cuối năm. Mưa bão đang vào mùa khiến nguy cơ lũ lụt, lũ ống, lũ quét ở miền Trung có thể gây ra nhiều thiệt hại, trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường.

Các nhà khí tượng cho rằng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và hiện tượng El Nino đã khiến thời tiết miền Trung trong 2 thập niên vừa qua có nhiều thay đổi.

Nói đến thiên tai ở miền Trung, không thể không liên tưởng đến một khu vực “đòn gánh” của đất nước, vốn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật yếu kém, mức sống người dân còn thấp và nhiều dự án đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng vào kết cấu hạ tầng – nhất là ở nông thôn – hư hại mỗi năm. Việc xây dựng thủy điện tràn lan, nạn phá rừng, khai thác cát ở các dòng chảy và đào đãi vàng ngày càng nghiêm trọng cũng khiến thời tiết nơi đây ngày càng khắc nghiệt và diễn biến khó lường hơn.

Làm mồi cho “thủy thần”

Từ năm 2004, bờ kè Đại Cường trên sông Quảng Huế, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được xây dựng trên nhánh sông Quảng Huế, nối 2 hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn nhằm điều tiết dòng chảy để bảo đảm nguồn nước tưới và sinh hoạt cho TP Đà Nẵng, hạn chế lũ nhiều ngày cho Hội An và vùng hạ lưu sông Thu Bồn vào mùa mưa.

Từ tháng 3-2004, dự án chỉnh trị sông Quảng Huế, trong đó có kè Đại Cường, thuộc chương trình hỗ trợ thủy lợi Việt Nam, với tổng nguồn kinh phí đầu tư nhiều năm sau đó lên đến hàng trăm tỉ đồng, được triển khai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng kết luận “bài toán chỉnh trị sông Quảng Huế xứng đáng được đưa vào sách kinh điển của ngành thủy lợi” chỉ vì các nhà khoa học vẫn loay hoay với các giải pháp kỹ thuật. Các trận bão năm 2007 kèm theo lũ lớn đã phá hủy bờ bên trái của tuyến kè hạ lưu và mở ra một cửa sông mới. Do thiếu nghiên cứu nên người ta không chú ý quy luật “bên lở bên bồi” cộng với việc giải ngân chậm vào mùa mưa lũ khiến tiêu phí biết bao ngân sách.

Những câu chuyện điển hình trên cho thấy việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật của miền Trung là hết sức tốn kém, đòi hỏi sự nghiên cứu dày công về quy hoạch, thiết kế các công trình hạ tầng lẫn dân cư và quy luật tự nhiên; ngoài ra còn đòi hỏi sự đầu tư tập trung dứt điểm cho từng công trình. Việc rót vốn chậm theo kiểu “rải mành mành” cho đầu tư hạ tầng ở nhiều tỉnh là khá phổ biến. Vốn ít, đến quý III, có khi quý IV mỗi năm mới giải ngân được để triển khai thi công đã tạo nên không ít công trình thủy lợi, giao thông và dân sinh khác ở miền Trung làm mồi cho “thủy thần”.

Bên cạnh đó, việc giám sát thi công hời hợt, lấy lệ cũng gây ra không ít thiệt hại. Điều đó có nghĩa là dù các công trình không phát huy tác dụng nhưng do vay từ các định chế tín dụng quốc tế nên việc trả nợ ở tương lai là không thể tránh…

Lo cho sự phát triển của một dải miền Trung nghèo khó và nhiều thiên tai lâu nay vẫn là nội dung thường xuyên được quan tâm từ Chính phủ đến các bộ – ngành liên quan, song chỉ trên các đề án hay hội thảo là cần mà chưa đủ. Các biện pháp triển khai đồng bộ, được nghiên cứu cẩn thận từ khảo sát, thiết kế đến thi công, giám sát, cân đối nguồn vốn kịp thời và có trách nhiệm để các công trình an toàn và phát huy tác dụng cũng hết sức quan trọng. Có như vậy mới hy vọng mang lại ấm no và bình yên cho người dân miền Trung mỗi khi trái gió trở trời.

Thảm họa thiên tai không dừng lại

Từ đầu năm 2008, tại hội thảo “Miền Trung – vận hội mới cho đầu tư và phát triển”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lúc đó là ông Nguyễn Bích Đạt đã nhấn mạnh mục đích “thu hút đầu tư vào xây dựng hạ tầng giao thông, vào các ngành dịch vụ chất lượng cao và các khu kinh tế, khu công nghiệp” cho miền Trung; rút ngắn dần khoảng cách phát triển giữa các vùng. Hội thảo kết luận đến năm 2010, toàn vùng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây nguyên phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10%/năm!

Bộ Xây dựng sau đó cũng đã xây dựng “Đề án chung sống an toàn với lũ, lụt” tại 11 tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Phú Yên, đề xuất các giải pháp chung sống an toàn với lũ, trong đó có việc lập quy hoạch xây dựng các khu vực ngập lụt và kiên cố hóa công trình, nhất là nhà ở dân cư. Những tiêu chuẩn xây dựng này sẽ phải khác nhiều so với tiêu chuẩn các công trình hạ tầng ở những vùng khác, trong đó chú ý tiêu chuẩn nhà ở của dân, các công trình sơ tán khi bão lũ đến. Đây sẽ là căn cứ thống nhất để triển khai các chương trình, dự án phòng chống thiên tai đang thực hiện ở miền Trung. Chính phủ đã thông qua đề án này.

Tuy có nhiều hội thảo, nhiều ý kiến chỉ đạo của các nhà khoa học và từ trung ương như vậy nhưng thảm họa thiên tai vẫn không dừng lại, như vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế), Trà Leng – Nam Trà My và Phước Sơn (Quảng Nam)…

Trương Điện Thắng – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Bờ kè sông Hoài đầu tư hàng trăm tỉ đồng đã sụt lún nghiêm trọng. Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/noi-lo-trai-gio-tro-troi-20211017203056007.htm