Giả thuyết vi-rút gây bệnh Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm rất khó xảy ra song không thể loại trừ một sự cố trong phòng thí nghiệm cho đến khi có đầy đủ bằng chứng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố thành lập Nhóm cố vấn khoa học về Nguồn gốc của mầm bệnh mới (SAGO) để điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19, và sẽ tiếp tục điều tra giả thuyết vi-rút rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
SAGO hiện nay bao gồm 26 nhà nghiên cứu từ 26 quốc gia được tuyển chọn từ hơn 700 ứng viên. 11 trong số đó là phụ nữ, 6 trong số đó từng tham gia nhóm nghiên cứu quốc tế của WHO đã đến Trung Quốc vào đầu năm nay để nghiên cứu nguồn gốc của đại dịch. Mặc dù Trung Quốc không ủng hộ lời kêu gọi của WHO về việc nghiên cứu giả thuyết vi-rút rò rỉ phòng từ thí nghiệm, SAGO vẫn có một thành viên người Trung Quốc – Yungui Yang, Phó giám đốc Viện Di truyền học Bắc Kinh thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc và là một trong những lãnh đạo nhóm nghiên cứu phía Trung Quốc trong nhiệm vụ truy tìm nguồn gốc virus đầu tiên.
Với việc thành lập một hội đồng thường trực như SAGO, thay vì nhóm nghiên cứu thực hiện một nhiệm vụ, WHO hy vọng sẽ giảm bớt phần nào sức nóng của cuộc tranh luận về nguồn gốc Covid-19 hiện tại, và làm cho các cuộc điều tra trong tương lai về các mầm bệnh mới trở nên chuẩn mực hơn, tách khoa học ra khỏi cuộc tranh luận chính trị.
Mục tiêu trước mắt của SAGO bao gồm “đánh giá độc lập” các bằng chứng sẵn có về nguồn gốc của đại dịch Covid-19; tư vấn cho WHO về “loạt nghiên cứu cần tiến hành tiếp theo”. SAGO sẽ khẩn trương tiến hành điều tra về các ca nghi nhiễm và các ca nhiễm được biết sớm nhất ở Trung Quốc hồi trước tháng 12/2019.
Trước đó, Bắc Kinh bị cáo buộc đã trì hoãn cung cấp dữ liệu thô về những ca mắc Covid-19 ban đầu khi đội ngũ của WHO đến nước này vào tháng 2/2021. Trung Quốc nhiều lần đặt câu hỏi về việc liệu virus có thực sự bắt nguồn từ nước này hay không, đồng thời kêu gọi điều tra phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ song không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào.
Tùng Lâm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Vũ Hán được cho là địa điểm đầu tiên bùng dịch Covid-19. Ảnh: REUTERS