Chuyển dịch năng lượng là xu thế của tất cả các quốc gia hiện nay nhưng cần phải có lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.
Theo các chuyên gia về năng lượng, chuyển đổi năng lượng là xu hướng nhưng cần nghiên cứu cẩn thận lộ trình phát triển để hài hòa và đảm bảo yếu tố kinh tế. Trong điều kiện Việt Nam cần cung cấp điện để phát triển kinh tế thì ưu tiên nguồn điện ổn định và chi phí chấp nhận được là một yếu tố quan trọng bên cạnh vấn đề môi trường. Việc chuyển đổi ở thời điểm này đối với nước ta sẽ gặp khó khăn khi đa số là các nhà máy nhiệt điện than mới hoạt động từ 10 – 15 năm.
Chuyển đổi là xu hướng nhưng lộ trình phát triển như thế nào thì cần nghiên cứu cẩn thận để hài hòa và đảm bảo yếu tố kinh tế. Trong điều kiện Việt Nam cần cung cấp điện để phát triển kinh tế thì ưu tiên nguồn điện ổn định và chi phí chấp nhận được là một yếu tố quan trọng bên cạnh vấn đề môi trường
Ở Việt Nam, chuyển dịch năng lượng gắn liền với 3 mục gồm an ninh năng lượng (cung cấp đủ điện và đạt chất lượng yêu cầu), chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường. Do vậy, trên thực tế cần tích hợp một cách hài hòa và có lộ trình việc phát triển công nghệ năng lượng tái tạo.
Ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, để chuyển dịch năng lượng thành công, Việt Nam cần khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức chấp nhận được (khoảng 20% công suất hệ thống) kết hợp với việc phát triển các nguồn linh hoạt như thuỷ điện tích năng, nguồn động cơ đốt trong… Ưu tiên hơn phát triển điện mặt trời mái nhà với quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ chiếm phần lớn (có thể là khoảng 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra hoặc một tỷ lệ hợp lý khác.
Đối với điện gió, cần kiểm soát được để tỷ lệ điện gió trên bờ và điện mặt trời ở mức hợp lý dựa trên khả năng hấp thụ và điều khiển của hệ thống điện quốc gia từng thời điểm. Với các dự án điện gió ngoài khơi, cần chú trọng phát triển khi điều kiện kinh tế như chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng và chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng lưới giải toả công suất.
Xu thế chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1996 theo xu hướng tận dụng tối đa tiềm năng thủy điện. Bắt đầu phát triển nhiệt điện khí, phát triển nhiệt điện than khi tận dụng sản lượng than nội địa, giá rẻ và năm 2019 xuất hiện năng lượng tái tạo nhờ sự thành công của cơ chế giá FIT (cơ chế giá khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo).
Theo lãnh đạo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, (Bộ Công Thương), kết quả năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo năm 2019 đạt 5,242 tỷ kWh và 2020 đạt 10,994 tỷ kWh, góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến những hệ luỵ không nhỏ cho an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải 500kV. Nguyên nhân do năng lượng tái tạo hầu hết phát triển ở khu vực miền Nam và miền Trung nên ảnh hưởng đến việc huy động công suất và số lần tăng/giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí, làm tăng chi phí, giá thành ngành điện, nhất là trong điều kiện hiện nay năng lượng tái tạo vẫn đang có giá thành cao.
Tú Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Nhiệt điện Vũng Áng. Ảnh: ITN