Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nếu những nội dung kiểm toán kết luận không có trong hợp đồng EPC thì khó có thể yêu cầu tổng thầu thực hiện.
Báo cáo Thủ tướng Dự thảo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Bộ GTVT cho biết, dự kiến Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công trình xây dựng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kiểm tra cuối cùng trong tháng 10/2021,
Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng, Bộ GTVT sẽ bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.
Trong dự thảo này, Bộ GTVT cho biết vướng mắc chủ yếu của dự án hiện nay là việc thanh toán và thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), gây ảnh hưởng đến tiến độ nghiệm thu, bàn giao để vận hành khai thác.
Cụ thể, năm 2018, dự án được KTNN thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Trên cơ sở kết luận của kiểm toán, Bộ GTVT đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến việc quản lý tài chính, kế toán…
Tuy nhiên, do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện theo hình thức EPC, việc thực hiện một số nội dung theo kết luận của KTNN gặp khó.
Cụ thể, tổng thầu EPC là nhà thầu nước ngoài (được chỉ định trong hiệp định vay) cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của KTNN. Tổng thầu cũng thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của KTNN…
Trao đổi với Đất Việt về tình huống này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng trọn gói, một chủ thể thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế đến cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng công trình, và chính quyền chỉ cần giám sát chủ thể đó.
“Cái lợi của hợp đồng EPC là khi nhà đầu tư cho vay vốn, họ sẽ làm tất cả mọi thứ rồi chuyển giao cho phía Việt Nam, Việt Nam không phải lo gì ngoài việc vay vốn, thế nhưng khi ấy giá thành sẽ rất cao.
Vấn đề ở chỗ chúng ta không chủ động được. Chúng ta vay vốn trên giấy và khó được quyết định mọi thứ”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói.
Đối với vướng mắc liên quan đến tổng thầu EPC mà dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang gặp phải, ông Thám cho hay, thường thì KTNN kiểm toán việc thực hiện chính sách của Nhà nước về chi tiêu tài chính, thủ tục hành chính chứ không kiểm toán về mặt kỹ thuật. Nếu dự án thực hiện không đúng chính sách Nhà nước thì KTNN yêu cầu Ban Quản lý dự án phải thực hiện. Còn Ban Quản lý dự án lại căn cứ vào hợp đồng với Tổng thầu EPC, vấn đề nào nằm trong phạm vi hợp đồng thì Ban Quản lý yêu cầu Tổng thầu EPC phải thực hiện, vấn đề nào nằm ngoài phạm vi hợp đồng thì Tổng thầu EPC không có nghĩa vụ thực hiện.
“Cần xem lại hợp đồng với Tổng thầu EPC xem các điều khoản có trùng với nội dung mà KTNN tiến hành kiểm toán hay không. Nếu trùng thì đương nhiên Tổng thầu EPC phải thực hiện, nhưng nếu nằm ngoài hợp đồng thì như đã nói, họ không có nghĩa vụ thực hiện”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói và cho rằng, tình huống lần một lần nữa cho thấy hợp đồng với Tổng thầu EPC bộc lộ sơ hở, thiếu chặt chẽ, thiếu ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu.
Cũng theo vị chuyên gia, dự án bao giờ cũng có kiểm tra, kiểm định. Khi cơ quan thẩm định vào cuộc, phát hiện ra những nội dung mà nhà thầu không thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đã thỏa thuận trong hợp đồng thì phải yêu cầu họ làm ngay từ đó. Còn khi nhà thầu làm giữa chừng, rồi mới bảo không phù hợp thì người thẩm định phải chịu trách nhiệm. Đây là một chuỗi công việc liên quan đến nhau, phải theo luật để xử, nhất là khi có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Ông Thám nhắc lại việc Liên danh tư vấn ACT của Pháp đưa ra 16 khuyến cáo dẫn tới nguy cơ mất an toàn hệ thống khi vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Điều đáng nói ở chỗ, Việt Nam ký hợp đồng thiết kế, thi công đường sắt Cát Linh-Hà Đông với phía Trung Quốc theo công nghệ của Trung Quốc, nhưng Tư vấn ACT (mãi đến năm 2017 mới vào giám sát an toàn chất lượng dự án – PV) lại đánh giá dự án dựa trên tiêu chuẩn công nghệ của châu Âu. Bởi làm một đằng, thước đo một nẻo, tiêu chuẩn về đường sắt đô thị của các nước thường không khớp nhau nên xảy ra khập khiễng là điều có thể hiểu được.
Về thông tin Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công trình xây dựng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kiểm tra cuối cùng đối với dự án Cát Linh-Hà Đông trong tháng 10 này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải dám quyết.
“Phải có người chịu trách nhiệm tổng thể và những cái gì chưa hoàn chỉnh thì phải bổ sung ngay. Nếu cứ theo kiểu “đẽo cày giữa đường”, mỗi lần lại thêm một chi tiết thì chưa biết bao giờ xong được.
Vì thế, phải đưa lên bàn họp tổng thể, quy trách nhiệm và giải quyết trách nhiệm luôn. Trước sau gì cũng phải làm, không thể để một công trình cứ mãi không vận hành. Điều tệ hơn là dự án càng kéo dài thì chi phí càng đội lên và sau cùng là ngân sách nhà nước – tiền thuế của người dân, phải gánh”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám kết luận.
Thành Luân/Đất Việt
Theo Đất Việt
Ảnh: Dự kiến trong tháng 10 này, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công trình xây dựng sẽ họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Xem bài viết gốc tại đây: