Viết bài tuyên truyền về đề tài cơ chế, chính sách trong quản lý rác thải nhựa cần nắm chắc văn bản pháp luật, xác định được “tông” của bài viết sao cho bám sát chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của bộ, ngành, kể cả các bài phản biện.
Đó là một trong những chia sẻ về kinh nghiệm viết bài tuyên truyền về đề tài cơ chế, chính sách trong quản lý rác thải nhựa của Thạc sĩ, nhà báo Hà Hồng – Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, phụ trách Chuyên trang Quản lý môi trường tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông báo chí về quản lý rác thải nhựa”. Buổi tập huấn do Ban Quản lý Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp Báo VTCNews và WWF tổ chức ngày 9/10/2021 thông qua hình thức trực tuyến.
Ban biên tập Tạp chí trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết “Kinh nghiệm viết bài về đề tài cơ chế, chính sách trong quản lý rác thải nhựa” của Nhà báo Hà Hồng.
Như các bạn đồng nghiệp đã biết, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33 CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa. Chỉ thị nêu rõ: Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni – lông khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa nhất là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thật sự đáng báo động đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.
Theo số liệu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần rồi sau đó thải bỏ. Trong tổng lượng chất thải nhựa thải bỏ chỉ có một phần được thu hồi, tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp. Như vậy một lượng lớn chất thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch, trôi ra biển.
Rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đang là một vấn đề nóng được nhiều quốc gia quan tâm, và đề ra các công cụ nhằm kiểm soát chất thải nói trên như: pháp luật, kinh tế thị trường, kỹ thuật, công cụ giáo dục và truyền thông…Trong đó công cụ truyền thông chính sách trong quản lý rác thải nhựa đóng vai trò quan trọng.
Trong khuôn khổ của cuộc tọa đàm này khi đối tượng nghe là các phóng viên đã từng làm nghề nhiều năm, tôi xin tập trung được nói một vấn đề đó là chọn đề tài cho bài viết về cơ chế, chính sách quản lý rác thải nhựa.
Tôi có 15 năm tham gia chấm chung khảo Giải báo chí Khoa học và công nghệ (Giải báo chí của Bộ Khoa học và Công nghệ). Hội đồng Chung khảo rất chú ý các bài viết về cơ chế chính sách vì đây là đề tài khó, chúng tôi thường đùa với nhau là lĩnh vực: khó, khô, khổ. Bài viết lĩnh vực cơ chế chính sách quản lý rác thải nhựa thuộc lĩnh vực nói trên. Muốn viết được bài hay phóng viên cần phải am hiểu hoạt động, nhất là cơ chế chính sách của ngành, có thể trao đổi ý kiến “ngang ngửa” với các chuyên gia quản lý. Mất nhiều công sức. Những bài viết lĩnh vực này thường được cộng điểm so với các đề tài khác. Anh Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chấm Chung khảo cũng thống nhất quan điểm này với chúng tôi.
Như chúng ta đã biết đề tài trong lĩnh vực báo chí là phạm vi đời sống hiện thực được phản ánh vào các tác phẩm báo chí. Đề tài có thể được hiểu theo nghĩa rộng và hẹp. Với nghĩa rộng, đề tài tương ứng với các lĩnh vực hoạt động trong đời sống như đề tài quốc tế, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế, thể thao… Với nghĩa hẹp, có thể hiểu đề tài là sự kiện, vấn đề mà nhà báo hướng tới, nhận thức và phản ánh vào tác phẩm.
Xác định đúng, trúng đề tài đã hoàn thành được khoảng 30% việc sáng tạo một tác phẩm báo chí. Theo tôi nhà báo khác với người bình thường đó là nhìn thấy sự kiện bất bình thường trong một chuỗi sự kiện bình thường, gọi tên được sự kiện đó, “dừng hình” sự kiện để mổ xẻ, phân tích, hình thành đề tài từ đó làm cơ sở để sáng tạo tác phẩm báo chí. Gần như ngày nào tôi cũng đi bộ chung quanh Hồ Gươm, lần nào tôi cũng chụp lại được vài bức ảnh về sự kiện nào đó, rồi cất vào kho tư liệu của mình, và dùng làm tư liệu viết bài về vùng đất văn hóa Hồ Gươm. Trong khi có người bảo, tôi đị bộ chung quanh hồ thường xuyên mà chẳng thấy gì. Thấy Rùa Hồ Gươm nổi và chui qua chui lại hai đường ống thoát nước nối giữa bờ và đền Ngọc Sơn, tôi chụp ảnh về phân tích mối quan hệ giữa vết trầy xước trên mai rùa và hai đường ống nước rồi viết bài nêu giả thuyết của mình về nguyên nhân gây ra vết trầy xước trên mai Rùa Hồ Gươm chính là do mai Rùa cọ sát với đường ống đó. Sau khi ý kiến đó của tôi được nêu lên báo, thành phố đã cho người chuyển đường ống đi theo hướng bám theo cầu Thê Húc.
Làm thế nào để có một đề tài tốt viết về lĩnh vực chính sách quản lý chất thải nhựa? Theo tôi người viết cần thực hiện bốn bước sau: Thứ nhất, thu thập thông tin. Thứ hai, nắm vững cơ chế chính sách, pháp luật, nghị định liên quan chất thải nhựa. Thứ ba, xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Thứ tư, xây dựng kho tư liệu của riêng mình. Dưới đây chúng ta cùng phân tích từng bước:
Thứ nhất, thu thập thông tin. Chúng tôi thường nói vui với nhau, mỗi sợi tóc của người phóng viên là một sợ ăng – ten, nó luôn chĩa theo nhiều hướng để thu nhận thông tin. Từ bạn bè, đồng nghiệp, các nhà khoa học, nhất là qua các hội thảo khoa học. Dự một cuộc hội thảo khoa học về chất thải nhựa nếu chỉ cần đưa thông tin giới thiệu về hội thảo thì ta chỉ cần thông cáo báo chí, rồi biên tập đưa ngay lên mạng. Nhưng nếu dự cả buổi ta sẽ tìm được nhiều đề tài cho bài viết sau khi chu ý theo dõi ý kiến phát biểu của báo cáo viên, nhất là các nội dung nói ngoài văn bản. Tôi theo dõi lĩnh vực Khoa học, công nghệ và Môi trường nhiều năm nhưng mỗi lần dự một cuộc hội thảo mình lại cảm thấy như học được nhiều kiến thức mới, “ngộ” ra được nhiều điều. Dự cả buổi hội thảo khoa học là bí quyết để nhà báo nâng cao nhận thức và “đẻ” ra được nhiều đề tài hay cho tác phẩm báo chí sau này.
Thứ hai, nắm vững cơ chế chính sách, pháp luật, nghị định liên quan chất thải nhựa. Theo dõi lĩnh vực này mà chưa từng đọc các văn bản thì viết không chắc tay, thí dụ:
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, có các quy định mới về quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa.
Nghị định 38/2005-NĐ/CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.
Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa…
Khi nắm chắc văn bản pháp luật ta sẽ xác định được “tông” của bài viết sao cho bám sát chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của bộ, ngành, kể cả các bài phản biện. Nắm chắc văn bản ta cũng học được cách hành văn với câu chữ ngắn gọn, rõ ý, không thể hiểu sang nghĩa khác. Văn bản nói chung, văn bản lĩnh vực rác thải nhựa nói riêng kết tinh trí tuệ của rất nhiều người, trong đó có các nhà khoa học, cán bộ quản lý, do đó nhà báo cần nghiên cứu kỹ để vận dụng, trích dẫn. Ngược lại không phải văn bản nào về cơ chế chính sách khi ban hành cũng đúng, được dư luận xã hội đồng tình, và đi vào được cuộc sống. Khi có kiến thức nhất định cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia quản lý, nhà khoa hoc, luật sư… nhà báo có thể phát hiện những điều chưa hợp lý trong văn bản đang gây bức xúc trong xã hội. Từ đó có thể viết bài phản biện về một văn bản mới ban hành.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cộng tác viên. Viết về lĩnh vực Khoa học, Công nghệ và Môi trường, mỗi nhà báo phải xây dựng đội ngũ cộng tác viên của riêng mình. Một tài sản quý của mỗi phóng viên bởi vì chúng ta không thể biết, không thể giỏi tất cả các lĩnh vực. Mỗi phóng viên cần có sổ ghi địa chỉ, Email, điện thoại của công tác viên, để khi cần có thể hỏi, phỏng vấn.
Người Pháp nói nghề nhà báo là nghề làm thầy thiên hạ. Muốn làm được việc đó chúng ta phải đứng được trên vai của người khổng lồ về tri thức và trí tuệ, có như vậy mới nhìn xa trông rộng được. Người khổng lồ có bờ vai rộng để các nhà báo viết về lĩnh vực Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đứng được trên đó chính là các nhà khoa học, cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Trong bài viết về Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói chung, lĩnh vực rác thải nhựa nói riêng khi trích dẫn ý kiến nhà khoa học, cán bộ quản lý với liều lượng hợp lý đúng chỗ sẽ nâng tầm bài viết, có sức thuyết phục với bạn đọc. Tránh trường hợp nhà báo tự đáng giá, tự “buông” những lời kết luận liên quan học thuật. Chúng ta chỉ là nhà báo viết về lĩnh vực Khoa học, Công nghệ và Môi trường chứ chúng ta không phải nhà khoa học. Khi viết xong những vấn đề phức tạp liên quan cơ chế chính sách tôi đều nhờ một vài nhà khoa học, cán bộ quản lý xem lại, phản biện hộ trước khi đăng báo. Nhờ động tác này mà tôi tránh được nhiều sai sót, kịp thời sửa chữa bản thảo trước khi trình cấp trên duyệt bài.
Thứ tư, xây dựng kho tư liệu cho riêng mình. Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta thường nói cái gì không biết thì tra Google. Do đó không cần làm kho tư liệu riêng cho mình như các nhà báo thế hệ trước. Điều đó đúng một phần vì kho tư liệu của Google ngày càng rộng thêm, trữ được ngày càng nhiều thông tin, kiến thức của nhân loại. Tuy vậy nhiều thông tin ở “tầng sâu” chưa thể tìm thấy trong Google. Điều đó cho thấy việc xây dựng kho tư liệu riêng cho mình hết sức cần thiết. Đầu tháng năm vừa rồi tôi chủ trì một cuộc toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” do Tạp chí Môi trường và Đô thị phối hợp Công ty Informa Market tổ chức. “Sản phẩm” của tọa đàm không chỉ là bài tổng thuật đăng trên trang điện tử mà còn là tập tài liệu với báo cáo hết sức có chất lượng về quản lý rác thải nhựa. Những tài liệu này có tìm trên Google cả ngày cũng không ra. “Sản phẩm” thu được tại tọa đàm còn là địa chỉ và thiết lập mối quan hệ mới với diễn giả. Cuộc toạ đàm được VTV News tổ chức ngày hôm nay đối với tôi rất bổ ích vì tôi sẽ có được tập tài liệu do các diễn giả có uy tín và kinh nghiệm trình bầy.
Tôi tin rằng người phóng viên thực hiện tốt bốn bước nói trên sẽ luôn có một “ngân hàng” đề tài viết về lĩnh vực khoa học công nghệ và môi trường nói chung quản lý chất thải nhựa nói riêng.
Sau khi thực hiện bốn bước nói trên tôi đã xây dựng được một ngân hàng đề tài liên quan chính sách quản lý rác nhựa. Dưới đây tôi xin thí dụ một số vấn đề có thể xây dựng thành các đề tài cho bài báo liên quan chính sách quản lý môi trường rác thải nhựa tại Việt Nam để các đồng nghiệp tham khảo.
Vấn đề thứ nhất: Chất thải nhựa là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, và có tác động nguy hại tới môi trường, tuy nhiên chưa có các quy định cụ thể để quản lý chất thải nhựa này, nhất là loại nhựa sử dụng một lần. Vậy ai là người phải ban hành các quy định đó? Việc xây dựng các văn bản đó như thế nào và sau bao lâu thì có?
Vấn đề thứ hai: Việc tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách ưu đãi của phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế rác thải nhựa còn khó khăn do việc vay vốn đòi hỏi tài sản thế chấp trong khi doanh nghiệp đó đang gặp nhiều khó khăn về tài sản dùng thế chấp, hơn nữa, số tiền được vay quá nhỏ so với nhu cầu đầu tư rất lớn về công nghệ tái chế thân thiện môi trường. Ngược lại, nếu cho doanh nghiệp vay vốn mà họ làm ăn thua lỗ, ngân hàng làm thế nào để thu lại được tiền đầu tư? Ai sẽ giải bài toán cơ chế này?
Vấn đề thứ ba: Cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi ni-lông thân thiện môi trường rất thiếu. Thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy còn thấp chưa tạo ra cơ chế cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất túi ni-lông thân thiện môi trường. Ai cũng đồng ý là phải bảo vệ môi trường, nhưng thu thuế theo kiểu “tận thu” thì doanh nghiệp nào làm môi trường?
Trên đây là một số kinh nghiệm của tôi trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí lĩnh vực Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói chung, chất thải nhựa nói riêng. Có điều gì không đúng xin các đồng nghiệp bỏ qua./.
Ngọc Hà
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)