Một loại pin năng lượng mặt trời mới được chế tạo từ vật liệu mới, giá rẻ nhưng lại có hiệu suất cao hơn các loại pin truyền thống.
Nhóm các chuyên gia tại Trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh vừa chế tạo thành công loại pin năng lượng mặt trời từ vật liệu nanocomposite mới trên cơ sở graphene. Đặc biệt, pin có khả năng cải thiện hiệu suất hơn 20% so với pin dùng vật liệu Pt và TiO2 truyền thống.
TS Phạm Trọng Liêm Châu, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết xu hướng hiện nay là ứng dụng pin mặt trời chất màu nhạy quang (pin DSSC) bởi giá thành sản xuất rẻ, có thể sử dụng đa dạng nguyên vật liệu.
Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng loại pin này từ vật liệu mới và ghi nhận chi phí tiết kiệm hơn, khả năng dẫn điện và dẫn nhiệt cao hơn, hiệu suất pin giảm không quá 2% sau khi chiếu sáng 1.000 giờ.
Đức Lượng
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Pin năng lượng mặt trời từ vật liệu mới. Ảnh: Nhóm nghiên cứu cung cấp