Mặc dù đã có kinh nghiệm qua ba đợt dịch Covid-19 trước, nhưng đợt dịch thứ tư với biến thể Delta đã gây nhiều khó khăn, lúng túng. Với việc đưa ra nhiều quyết sách mới, cuộc chiến chống Covid-19 đã đạt được những kết quả, khi số ca mắc mới và số người chết đã giảm, số người khỏi bệnh nhiều… cho thấy hoạt động chống dịch đang đi đúng hướng.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng giai đoạn được cho là căng thẳng nhất của cuộc chiến chống dịch Covid-19 đợt thứ tư là từ ngày 23/8 đến 30/9. Giai đoạn này, ngành y tế đã triển khai chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm và thực hiện 48 giờ xét nghiệm một lần (nhanh hơn tốc độ lây lan của vi-rút SARS-CoV-2). Nhờ thế, số ca mắc mới được phát hiện sớm nhất, để đưa ra biện pháp quản lý, điều trị phù hợp. Đi liền với đó, ngành y tế cũng có những thay đổi trong cách tổ chức điều trị cho người nhiễm Covid-19; đưa vào sử dụng thuốc thế hệ mới… Vì vậy, số ca mắc mới, số người chết giảm và số ca được công bố khỏi nhiều lên mỗi ngày.
Thống kê của Bộ Y tế đến hết ngày 8/10 cho thấy, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm 44,7% so với hai tuần trước, giảm 47,3% so với một tuần trước. Đáng chú ý, đã có 91% số ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; so với trung bình bảy ngày trước, số ca nhập viện mới giảm 6,7%, số ca nặng nguy kịch giảm 16,4%, số ca thở máy xâm lấn giảm 17,1%… Đã có 7 trong tổng số 62 tỉnh, thành phố qua 14 ngày không có ca mắc mới, 12 tỉnh, thành phố không có ca nhiễm mới thứ phát trong 14 ngày qua.
Trên cơ sở kết quả điều trị thời gian qua và kinh nghiệm từ nhiều nước, thời gian tới, bên cạnh duy trì các hoạt động phát hiện sớm, xét nghiệm, Bộ Y tế tiếp tục có những điều chỉnh trong công tác điều trị, trong đó, đáng chú ý nhất là việc đưa vào sử dụng sớm các loại thuốc điều trị. Như với thuốc kháng vi-rút, bổ sung thuốc Molnupiravir 400 mg bên cạnh Remdesivir, Favipiravir… Molnupiravir 400 mg chỉ định dùng cho bệnh nhân nhẹ. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng vi-rút Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Nó giúp giảm tải lượng vi-rút rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau năm ngày điều trị, qua đó giảm tỷ lệ người bệnh tăng nặng phải nhập viện, giảm tử vong.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta khiến số mắc và số tử vong tăng cao. Có những lúc, tỷ lệ tử vong tại Việt Nam lên tới 2,5%, cao hơn mức trung bình của thế giới (2,1%). Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, cùng với giảm về số ca mắc, thì số người chết cũng giảm mạnh. Ở thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9, số mắc thường ở mức hơn 10 nghìn ca mỗi ngày thì sáu ngày gần đây số ca mắc từ 3.500 đến 5.000 ca/ngày. Số người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh cũng tăng cao, có những ngày số khỏi nhiều gấp hơn 5 lần số mắc. Cùng với đó, số người chết đã và đang giảm. Nếu như trước đây có những ngày số người chết lên đến hơn 300 trường hợp thì đến nay đã giảm từ 110 đến 130 ca/ngày.
Để đạt được những kết quả này là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Về phía ngành y tế, cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhất là những quyết định về chuyên môn tạo ra sự thay đổi cuộc chiến chống Covid-19. Bộ Y tế đã thành lập bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam phòng, chống dịch. Rất nhiều đoàn công tác vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang… chống dịch, đưa ra các quyết sách, giải pháp kiểm soát tử vong. Đặc biệt, có năm biện pháp được coi là trụ cột làm thay đổi “cục diện” trong cuộc chiến chống Covid-19.
Thứ nhất, là triển khai cách ly F1 tại nhà, quyết định này đã giảm áp lực rất lớn cho các cơ sở cách ly tập trung và nhất là giảm lây nhiễm chéo tại chính các cơ sở cách ly tập trung.
Thứ hai, trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, số người mắc Covid-19 trở nặng cần nhập viện điều trị kịp thời gia tăng khiến các cơ sở y tế địa phương quá tải, lúng túng trong việc tiếp nhận xử trí, Bộ Y tế quyết định phân công các bệnh viện tuyến trung ương vào trực tiếp hỗ trợ điều trị Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam; ban hành tài liệu Hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp ba tầng; thực hiện phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2… Điều này đã tác động đáng kể đến việc giảm thiểu tử vong do phân loại đối tượng nguy cơ cao, rất cao để theo dõi liên tục, theo dõi diễn tiến người bệnh trở nặng hoặc cần nhập viện kịp thời. Đồng thời giúp các bệnh viện bớt lúng túng trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, cơ sở điều trị người nhiễm Covid-19 luôn trong tình trạng quá tải.
Thứ ba, Bộ Y tế đồng ý thực hiện cách ly, theo dõi, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà ở khu vực tâm dịch như TP Hồ Chí Minh. Đây là bước ngoặt của chiến lược điều trị, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện với chiến lược đưa y tế đến gần dân, nhất là ba túi thuốc điều trị, trong đó có thuốc kháng đông, kháng viêm để bệnh nhân kịp thời sử dụng sớm nhất; xét nghiệm, tiêm chủng, oxy, trạm y tế lưu động để kịp thời đưa người bệnh trở nặng vào điều trị tại cơ sở y tế…
Thứ tư, thành lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19; trang bị thêm oxy và trang thiết bị y tế, đưa thuốc điều trị Covid-19, kháng đông, kháng viêm vào điều trị sớm…
Thứ năm, Bộ Y tế, các địa phương đã điều động khoảng 20.000 cán bộ y tế, sinh viên y khoa vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai, Long An các tỉnh Tây Nam Bộ chống dịch.
Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong vừa qua là rất lớn, thậm chí không tưởng tượng, nhất là ở TP Hồ Chí Minh. Đây chắc chắn là bài học lớn cho công tác chống dịch. Mặc dù số người mắc và chết đều giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Mặt khác, chiến lược chống dịch cũng đã chuyển từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, đòi hỏi các bệnh viện cũng phải điều chỉnh để thích ứng trong giai đoạn mới. Với các bệnh viện sẽ là “bệnh viện tách đôi”, một nửa khám, chữa bệnh thông thường và một nửa luôn sẵn sàng, chủ động chống dịch. Hiện, có một lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… trở về các địa phương sau thời gian tăng cường giãn cách xã hội, trong đó có cả những người dương tính. Chính vì vậy, các địa phương vẫn phải rất cảnh giác, nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị và cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa.
Minh Hoàng – Báo Nhân Dân
Theo Nhân Dân
Ảnh: Theo dõi, điều trị cho người nhiễm Covid-19 ở Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: PHẠM HẰNG
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/chong-dich-covid-19-dang-di-dung-huong-668871/