Bê tông canxi cacbonat, được phát triển bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tokyo, có khả năng giảm đáng kể lượng khí thải ra môi trường từ ngành xây dựng.
Theo đó, loại bê tông mới này được tạo ra bằng cách kết hợp chất thải bê tông và khí CO2 với công nghệ thu giữ carbon.
Vào năm 2018, tổ chức nghiên cứu Chatham House cho biết xi măng, thành phần chính trong bê tông là nguyên nhân gây ra khoảng 8% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Phần lớn việc sử dụng canxi trong sản xuất xi măng thường được tạo ra bằng cách đốt đá vôi.
Trong một bài báo mới được xuất bản trên Tạp chí Công nghệ Bê tông Tiên tiến, các nhà nghiên cứu của Đại học Tokyo đã trình bày chi tiết phương pháp mới của họ để lấy bê tông thải và thu giữ carbon dioxide và kết hợp chúng bằng một phương pháp mới được phát minh.
Giáo sư Ippei Maruyama, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: “Phương pháp mới của chúng tôi là thu nhận canxi từ bê tông bỏ đi, nếu không sẽ lãng phí. Chúng tôi kết hợp vật liệu này với carbon dioxide từ khí thải công nghiệp hoặc thậm chí từ không khí, trong điều kiện nhiệt độ thấp hơn nhiều so với nhiệt độ được sử dụng để chiết xuất canxi từ đá vôi hiện nay”.
Bê tông canxi cacbonat sớm trở thành xu hướng phổ biến
Bê tông canxi cacbonat được nghiên cứu rất ổn định, có tiềm năng lớn như một vật liệu xây dựng. Theo đó, loại bê tông mới này sẽ bền vững hơn bê tông truyền thống vì nó sử dụng bê tông tái chế và khí CO2 có nguồn gốc từ không khí bằng cách sử dụng công nghệ thu giữ carbon.
Ý tưởng về vật liệu mới lấy được cảm hứng từ cách một số dạng sinh vật sống dưới nước đông cứng thành hóa thạch trong thời gian dài. Các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu quá trình hóa thạch, hình thành nên các cặn canxi cacbonat cứng, có thể được khai thác để tạo ra bê tông hay không?
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của Đại học Tokyo đặt mục tiêu phát triển vật liệu của mình và hy vọng trong thời gian tới, bê tông canxi cacbonat có thể được sản xuất hàng loạt để sử dụng trên quy mô lớn.
Giáo sư Takafumi Noguchi, một trong những tác giả của nghiên cứu cho hay, cùng với việc tăng cường độ và giới hạn kích thước của bê tông canxi cacbonat, sẽ tốt hơn nếu con người có thể tiếp tục giảm thiểu việc sử dụng năng lượng của quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hy vọng rằng trong những thập kỉ tới, bê tông canxi cacbonat trung hòa carbon sẽ trở thành một loại bê tông được sử dụng phổ biến và sẽ là một trong những giải pháp chống biến đổi khí hậu.
Thực tế, trên thế giới đã nghiên cứu nhiều phương pháp xây dựng mới cũng có tiềm năng khi giảm thiểu được lượng khí thải ra môi trường. Vào tháng 8, các nhà nghiên cứu từ Đại học Kỹ thuật Dresden cho biết rằng, họ đang phát triển tòa nhà bê tông carbon đầu tiên trên thế giới. Điều đặc biệt trong quy trình nghiên cứu mà họ đang sử dụng sẽ cắt giảm tới 50% lượng khí thải carbon.
Cùng với đó, Vương quốc Anh vừa thông báo rằng họ đang xây dựng một phần của mạng lưới đường sắt cao tốc mới bằng phương pháp bê tông in 3D cũng sẽ cắt giảm 50% lượng khí thải. Do đó, phương pháp mới của nhóm nghiên cứu Đại học Tokyo có tiềm năng thúc đẩy các nỗ lực hiện có nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu trong bối cảnh nhiệt độ Trái Đất tăng lên.
Lan Anh (T/h) – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Bê tông canxi cacbonatsẽ là một trong những giải pháp hiệu quả chống biến đổi khí hậu. (Ảnh: Maksim Safaniuk/iStock)
Xem bài viết gốc tại đây: