Theo dự kiến, trong quý 4/2021, Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ triển khai dự án cải tạo kè hồ Trúc Bạch nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, VSMT quanh hồ. Song, theo các chuyên gia, biện pháp này chưa đủ ‘sức nặng’ để hồ Trúc Bạch trở thành ‘lá phổi xanh’ đúng nghĩa.
Mòn mỏi đợi chờ
Hồ Trúc Bạch nằm trên địa giới hành chính của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, song khi nhắc đến hai chữ “Trúc Bạch”, điều đầu tiên người ta nhớ đến đó là tên của một cái hồ nằm cạnh Hồ Tây được ngăn cách bởi đường Thanh Niên thơ mộng, rồi mới đến tên của một đơn vị hành chính thuộc địa bàn quận Ba Đình, TP Hà Nội. Song, cùng với thời gian, ngoài hai chủ thể được nhắc đến kể trên, điều để lại “ấn tượng” nhiều nhất cho người dân có dịp đến với hồ Trúc Bạch trong khoảng thời gian này đó là sự xuống cấp của hệ thống kè hồ và tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại đây.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế&Đô thị tại hồ Trúc Bạch trong những ngày đầu tháng 10, nhiều đoạn kè hồ, đặc biệt là đoạn phố Trấn Vũ, Trúc Bạch đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện hố sụp, đất và gạch lát quanh hồ bị sạt lở rồi bị nước cuốn xuống lòng hồ… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, hành lang an toàn giao thông, nguồn nước, mỹ quan đô thị, VSMT xung quanh hồ.
Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Văn Hoàng, phố Trúc Bạch cho biết, tình trạng trên đã diễn ra gần chục năm nay nhưng chưa được xử lý, khắc phục kịp thời khiến người dân nơi đây không khỏi hoang mang lo lắng, đặc biệt là những ngày mưa bão. “Sau mỗi đợt mưa lớn, phần kè hồ lại mất đi một ít, khiến người dân lo lắng cho sự an toàn của những người thường xuyên đến hồ tập thể dục, câu cá… bởi tình trạng sụt lún có thể diễn ra bất cứ lúc nào” – anh Phạm Văn Hoàng bày tỏ.
Phần kè bờ hồ Trúc Bạch xuống cấp nghiêm trọng, nước tại khu vực miệng cống chảy ra đen xì.
Hiện, hồ Trúc Bạch không chỉ phải đối mặt với tình trạng xuống cấp của hệ thống kè mà còn phải chịu tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Đơn cử, tại khu vực cầu Ngũ Xã 1, đoạn giáp với UBND phường Trúc Bạch, theo ghi nhận của phóng viên, hàng ngày một lượng lớn nước thải sinh hoạt của người dân chưa qua xử lý vẫn âm thầm chảy xuống mương Ngũ Xã rồi theo dòng chảy vào hồ Trúc Bạch.
Nhiều khu vực phần kè hồ xuống cấp ảnh hưởng đến phần vỉa hè xung quanh hồ.
Theo chia sẻ của bà Phùng Thị Nga, phường Trúc Bạch – người thường xuyên tập thể dục quanh hồ Trúc Bạch, so với các khu vực khác quanh hồ, khu vực này là ô nhiễm nhất. “Ở khu vực này, nước cũng đen xì, đặc quánh, bốc mùi hôi thối rất khó chịu… không khác gì sông Tô Lịch, đặc biệt là những ngày nắng nóng” – bà Phùng Thị Nga nói.
Không để nước thải chưa xử lý chảy vào hồ
Theo tìm hiểu, hiện xung quanh khu vực hồ Trúc Bạch có 3 nhánh nước thải sinh hoạt gồm: khu vực Phạm Hồng Thái – Phó Đức Chính – Thanh Niên; Châu Long, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Than; Phan Đình Phùng – Thụy Khuê. Trong đó, khu vực Châu Long, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Than… sẽ được chuyển về nhà máy xử lý nước thải Trúc Bạch công suất 2.300m3/ngày đêm do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vận hành xử lý theo quy định. Tuy nhiên, 2 nhánh còn lại nước thải vẫn chưa được xử lý do dự án nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Tại khu vực cầu Ngũ Xã 1, nước nước dưới mương đen đặc, bốc mùi khó chịu.
Đại diện lãnh đạo Nhà máy xử lý nước thải Trúc Bạch cho biết, theo thống kê lượng nước phát sinh trong khu vực dao động khoảng 7.000m3/ ngày đêm. Hiện nay, nhà máy đã và đang tiếp nhận và xử lý khoảng 2.300m3 nước thải/ngày đêm, tương đương khoảng 1/3 lượng nước thải phát sinh. Đáng nói, lượng nước còn lại đang tiếp tục chảy theo các hệ thống cống ngầm đến các khu vực khác, nhưng vẫn có một phần chảy vào hồ Trúc Bạch, điển hình là khu vực mương Ngũ Xã – đây là một trong những nguyên nhân khiến khu vực này thường xuyên xuất hiện tình trạng nước đen đặc, bốc mùi khó chịu.
Liên quan đến công tác đảm bảo mỹ quan, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước tại hồ Trúc Bạch, GS. TS Trần Đức Hạ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cho rằng, sau nhiều năm xuống cấp, ô nhiễm, việc TP Hà Nội tiến hành cải tạo hệ thống kè hồ Trúc Bạch là điều hết sức cần thiết nhằm tạo cảnh quan môi trường, phát huy các giá trị lịch sử vốn có của hồ. Song, chỉ riêng biện pháp này là chưa đủ để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại hồ Trúc Bạch.
Theo các chuyên gia, nếu chỉ kè hồ thì không đủ sức nặng để tạo cảnh quan, cải thiện môi trường nước hồ Trúc Bạch.
Theo GS.TS Trần Đức Hạ, để tạo cảnh quan đồng thời giải quyết tình trạng ô nhiễm tại hồ Trúc Bạch, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo kè hồ các đơn vị chức năng cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp như: Ngăn nước thải chưa qua xử lý chảy vào hồ, tổ chức nạo vét, bố trí thêm các bè thủy sinh để cải thiện chất lượng nước trong hồ.
Lý giải về việc này, GS.TS Trần Đức Hạ nhấn mạnh, hệ thống ao hồ tại Hà Nội có ngoài chức năng điều hòa không khí còn có chức năng nữa là thoát nước, chống ngập cho Thủ đô. Tuy nhiên, do hệ thống thoát nước ở Thủ đô còn hạn chế nên tình trạng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, lẫn với nước mưa chảy vào hồ vẫn diễn ra. Vì vậy, để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở các ao hồ, điều quan trọng nhất là phải tách được nguồn nước thải chưa qua xử lý chảy trực tiếp vào hồ như cách mà TP Hà Nội đang thực hiện với sông Tô Lịch.
Thực tế cho thấy, tình trạng ao hồ tại Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm do nước thải chưa qua xử lý chảy trực tiếp xuống hồ không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại từ nhiều năm nay. Do đó, để hệ thống ao hồ tại Hà Nội phát huy hết được giá trị thì các đơn vị chức năng cần nghiên cứu, xem xét triển khai các dự án xử lý nước thải. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp nhà hàng, cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm các quy định về xử lý nước thải trước khi đổ ra môi trường.
Bờ kè của hồ Trúc Bạch được xây dựng từ rất lâu rồi nhưng hiện nay đã xuống cấp. Sở Xây dựng cũng đã giao cho các đơn vị để khảo sát, lên phương án, cải tạo, sửa chữa mái kè. Tuy nhiên năm 2021có thay đổi định mức và đơn giá, đặc biệt là giá thép nên công trình phải điều chỉnh về tổng mức đầu tư. Dự kiến, hồ sẽ được cải tạo vào quý IV năm 2021 với kinh phí đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng. Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Thị Mai Hương |
Vân Nhi – Báo KTĐT
Theo Kinh tế & Đô thị
Ảnh: Kè hồ Trúc Bạch nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtedothi.vn/tao-canh-quan-cho-ho-truc-bach-can-nhung-bien-phap-dai-hoi-437134.html