Giải Nobel Y Sinh 2021 vừa được trao cho 2 nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian vì những phát hiện đột phá về cơ chế thụ cảm nhiệt độ và xúc giác của con người.
Chiều 4/10, Nobel Y sinh đã mở màn mùa giải Nobel năm 2021. Theo Ủy ban Nobel, 2 nhà khoa học tại Mỹ nhận được giải thưởng Nobel Y sinh năm nay vì đã nghiên cứu cơ học về cách con người cảm nhận nhiệt độ và áp suất thông qua các xung thần kinh.Những phát hiện mang tính đột phá của 2 nhà khoa học đã mở ra tương lai cho các hoạt động nghiên cứu, tạo nên sự hiểu biết nhanh chóng của con người về cách hệ thần kinh cảm nhận các kích thích nóng, lạnh và cơ học.
Theo Ủy ban Nobel 2021, David Julius đã sử dụng capsaicin, một hợp chất cay từ ớt gây ra cảm giác nóng, để xác định cảm biến trong các đầu dây thần kinh của da phản ứng với nhiệt. Trong khi đó, Ardem Patapoutian đã sử dụng các tế bào nhạy cảm với áp suất để khám phá một loại cảm biến mới phản ứng với các kích thích cơ học trên da và các cơ quan nội tạng.
Tại lễ Công bố giải Nobel Y sinh, đại diện Hội đồng trao giải cho biết: “Khả năng cảm nhận nóng, lạnh và xúc giác của chúng ta là điều cần thiết cho sự tồn tại và làm nền tảng cho sự tương tác của chúng ta với thế giới xung quanh”.
Một trong những bí ẩn lớn của nhân loại là làm thế nào để chúng ta cảm nhận được môi trường sống xung quanh. Chẳng hạn, cách mắt phát hiện ánh sáng, cách sóng âm ảnh hưởng đến tai trong và cách các hợp chất hóa học khác nhau tương tác với các thụ thể trong mũi và miệng tạo ra mùi và vị.
Từ cuối những năm 1990, GS David Julius đã nhìn thấy khả năng đạt được những tiến bộ lớn bằng cách phân tích cách hợp chất hóa học capsaicin gây ra cảm giác nóng, rát. Julius và các đồng nghiệp sau đó đã tạo ra một thư viện gồm hàng triệu đoạn DNA tương ứng với các gen được biểu hiện trong các tế bào thần kinh cảm giác có thể phản ứng với đau, nóng và tiếp xúc. Sau một thời gian nghiên cứu, họ đã xác định được một gen có thể cảm nhận capsaicin. Trong khi đó, GS Patapoutian và các cộng sự lại tập trung xác định và mô tả các kênh ion và cảm biến khác giúp chuyển hóa kích thích cơ học sang tín hiệu hóa học của cơ thể.
Những kết quả nghiên cứu mang tính đột phá của 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel Y Sinh năm nay đã làm rõ cách thức hoạt động của xung thần kinh cảm nhận nóng, lạnh và tác động cơ học, từ đó giúp chúng ta nhận thức và thích ứng với thế giới xung quanh. Các nghiên cứu chuyên sâu bắt nguồn từ những khám phá được trao Giải Nobel năm nay đã làm sáng tỏ chức năng của hệ thần kinh trong nhiều quá trình sinh lý khác nhau, giúp phát triển các phương pháp điều trị bệnh, bao gồm cả đau mãn tính và cấp tính.
Các giải Nobel do Alfred Nobel, một doanh nhân và nhà phát minh người Thụy Điển, sáng lập. Giải Nobel được trao tặng lần đầu vào năm 1901, năm năm sau khi ông Nobel qua đời. Ban đầu giải thưởng chỉ có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đã đưa thêm vào một giải về lĩnh vực Kinh tế.
Hiện tại, mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD). Giải Nobel Y Sinh 2020 đã thuộc về các nhà khoa học Harvey J. Alter (Mỹ), Charles M. Rice (Mỹ) và Michael Houghton (Anh) với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.
Ngọc Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Hội đồng trao giải Nobel 2021 công bố Giải Nobel Y sinh cho 2 nhà khoa học Mỹ