Qua hơn 3 năm đi vào hoạt động, hệ thống giao thông thông minh đã giúp ích hữu hiệu cho công tác quản lý vận tải, bảo trì đường bộ, bảo đảm và nâng cao an toàn giao thông.
Với mục tiêu cung cấp một công cụ quản lý giao thông số hóa, tức thời, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu quản lý của ngành giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống đường bộ với mạng lưới hơn 20,000 km cao tốc và quốc lộ trải dài từ Bắc tới Nam, cùng số lượng phương tiện lưu thông lên đến hàng triệu xe kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa, Công ty CP Hanel đã xây dựng thành công Hệ thống giao thông thông minh trên nền bản đồ số (Hệ thống GTTM), được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ 1/1/2017.
Qua hơn 3 năm đi vào hoạt động, hệ thống GTTM đã giúp ích hữu hiệu cho công tác quản lý vận tải, bảo trì đường bộ, bảo đảm và nâng cao an toàn giao thông. Đặc biệt thời gian cả nước căng mình phòng chống dịch covid-19 vừa qua, hệ thống còn là một công cụ hỗ trợ công tác phòng chống dịch hiệu quả.
Hãy cùng nhìn lại những con số “biết nói” về kết quả hệ thống GTTM mang lại.
Hơn 1 triệu phương tiện vận tải và hơn 4 triệu biển báo giao thông cập nhật vào hệ thống
Hệ thống GTTM đã giúp quản lý và cập nhật dữ liệu của hơn 1 triệu phương tiện kinh doanh vận tải đã cấp phù hiệu, biển hiệu thuộc quyền quản lý và dữ liệu của tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải đã cấp giấy phép.
Hệ thống cũng cập nhật hơn 4 triệu biển báo các loại (biển báo tốc độ, biển báo khu vực đông dân cư, biển báo hết khu vực đông dân cư) vào hệ thống theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ để giám sát tốc độ phương tiện theo cung đường trên hệ thống đường cao tốc và đường quốc lộ trong toàn quốc.
Tỷ lệ vi phạm tốc độ lái xe giảm gần 40 lần và số vụ TNGT giảm gần 2 lần
Việc cập nhật hệ thống biển báo tốc độ trên hệ thống GTTM giúp các Sở GTVT giám sát chặt chẽ tốc độ phương tiện theo các cung đường, đảm bảo an toàn giao thông.
Kết quả tổng hợp vi phạm tốc độ xe chạy: năm 2020, cả nước có tổng số 5.453.875 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,32 lần/1.000km.
Kết quả tổng hợp vi phạm thời gian lái xe liên tục: Năm 2020, cả nước có tổng số 5.453.875 lần vi phạm được ghi nhận từ hệ thống.
Kết quả xử lý vi phạm thông qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống: năm 2020, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 3.529 phương tiện; ra văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 10.016 phương tiện.
Theo tính toán từ hệ thống thì tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km giảm mạnh (năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1000 km, năm 2020 tỷ lệ này là 0,32 lần/1000 km, giảm khoảng 36 lần so với năm 2015), mặc dù số lượng phương tiện hiện nay tăng gấp 5 lần so với năm 2015.
Hệ thống cũng cung cấp dữ liệu để phục vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Trong năm 2020, riêng Tổng cục ĐBVN đã thực hiện truy xuất dữ liệu để phục vụ công tác điều tra, giải quyết 134 vụ tai nạn giao thông, chưa tính số liệu của các Sở GTVT trích xuất dữ liệu để cung cấp cho cơ quan điều tra, giải quyết tai nạn tại địa phương.
Phát hiện hơn 14 ngàn xe vi phạm tải trọng chỉ trong năm 2020
Hệ thống GTTM cung cấp tài khoản truy cập cho lực lượng Thanh tra các Sở GTVT, các Cục QLĐB, Vụ ATGT để khai thác thông tin phục vụ công tác kiểm soát tải trọng phương tiện xác định, kiểm tra một cách nhanh nhất đối với phương tiện vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm về tải trọng nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn giao thông.
Kết quả công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) năm 2020, các Cục QLĐB, Sở GTVT đã chỉ đạo kiểm tra 134.588 xe, trong đó có 14.392 xe vi phạm, tước 5.452 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 162,47 tỷ đồng.
Hỗ trợ 23 tỉnh thành phòng chống dịch Covid-19
Hệ thống GTTM đã tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch covid -19 trực tiếp tại 19 tỉnh ĐBSCL, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.
Hệ thống hỗ trợ chiến dịch khoanh vùng, kiểm soát, điều phối luồng phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch covid – 19 bằng việc cung cấp dữ liệu của phương tiện (biển số xe, thời gian di chuyển, địa điểm di chuyển, vận tốc của phương tiện) khi biết chính xác thông tin phương tiện cho các đơn vị điều tra.
Đối với các đối tượng điều tra covid-19 mà không có thông tin chính xác biển số xe thì hệ thống giúp khoanh vùng điều tra (thống kê các phương tiện đi qua điểm truy vết trong khoảng thời gian cần tìm) giúp giảm thời gian, công sức điều tra.
Như vậy, hệ thống GTTM đã giúp các cơ quan quản lý có thêm một công cụ hữu hiệu để giảm sát chặt chẽ các phương tiện kinh doanh vận tải trong thời gian giãn cách xã hội do dịch covid-19 thời gian qua.
Qua hơn 3 năm được đưa vào sử dụng trên toàn quốc, những con số “biết nói” của hệ thống GTTM trên đây đã khẳng định tính hiệu quả và sự cần thiết của hệ thống trong việc nâng cao chất lượng quản lý và bảo trì đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông và quản lý tài sản đường bộ của Việt Nam.
Được biết, sản phẩm đáng tự hào này của Hanel đã được Hội Truyền thông số Việt Nam (VCDA) trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 cho hạng mục “Sản phẩm dịch vụ số tiêu biểu” và được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trao giải thưởng Thành phố thông minh 2021 cho hạng mục “ Giải pháp giao thông thông minh”.
Khánh Dung
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Công ty CP Hanel đã xây dựng thành công Hệ thống giao thông thông minh trên nền bản đồ số (Hệ thống GTTM), được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ 1/1/2017.