Các nhà khoa học đã sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) tìm ra tổ hợp thuốc mới điều trị một dạng ung thư não hiếm gặp ở trẻ em
Tạp chí Cancer Discovery vừa công bố một kết quả nghiên cứu đáng mừng, các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Ung thư (ICR), London đã sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) tìm ra tổ hợp thuốc mới điều trị một dạng ung thư não hiếm gặp ở trẻ em gần như vô phương cứu chữa và tỷ lệ sống sót chưa hề được cải thiện trong suốt 50 năm qua.
Ý tưởng ban đầu dẫn đến nghiên cứu này xuất phát từ BenevolentAI – một công ty đã xây dựng nền tảng khám phá thuốc dựa trên AI. Các nhà nghiên cứu tại ICR đã sử dụng nền tảng của BenevolentAIđể xác định các loại thuốc có thể sử dụng trong điều trị DIPG. Theo Giáo sư Peter Richardson, phó chủ tịch dược học tại BenevolentAI, các kết quả ban đầu của nghiên cứu là “đầy hứa hẹn”, và có thể giúp khám phá các phương pháp điều trị mới hoặc thay thế các phương pháp hiện có, không chỉ với DIPG mà còn các bệnh khác trong tương lai.
Bằng cách sử dụng AI, các nhà khoa học máy tính và chuyên gia ung thư đã phát hiện, việc kết hợp thuốc everolimus với vandetanib có thể điều trị u thần kinh đệm nội tại lan tỏa (DIPG), một loại u não hiếm gặp và phát triển nhanh ở trẻ em. Hiện tại, DIPG và các loại khối u tương tự khác cực kỳ khó loại bỏ bằng phẫu thuật ở trẻ em vì chúng có tính lan tỏa, có nghĩa là không có ranh giới rõ ràng với các mô khỏe mạnh để thực hiện phẫu thuật. Bệnh này hầu hết gặp ở trẻ em, chủ yếu ở độ tuổi 4 – 11 và hơn 90% nạn nhân tử vong trong 18 tháng sau chẩn đoán.
Everolimus được sử dụng như một chất ức chế miễn dịch để ngăn chặn việc đào thải các cơ quan cấy ghép và trong điều trị ung thư tế bào thận và các khối u khác. Còn Vandetanib là thuốc chống ung thư được sử dụng để điều trị một số khối u tuyến giáp.
Sau khi thu thập dữ liệu về các loại thuốc hiện có, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Ung thư (ICR), London nhận thấy everolimus có thể nâng cao hiệu quả của vandetanib, giúp vandetanib “lách” qua hàng rào máu não – một lớp tế bào bao phủ các mạch máu trong não và điều chỉnh sự xâm nhập của các phân tử từ máu vào não, và điều trị ung thư. Tổ hợp thuốc này đã chứng minh hiệu quả trên chuột và hiện đã được thử nghiệm ở trẻ em. Kết quả thử nghiệm cho thấy tổ hợp hai loại thuốc đã kéo dài thời gian sống sót ở chuột lên 14% so với những con được điều trị bằng các loại thuốc thông thường.
Chris Jones, Giáo sư sinh học khối u não trẻ em tại ICR cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh hiệu quả AI trong việc khám phá thuốc chữa các bệnh ung thư như DIPG, đề xuất các phương pháp điều trị và tổ hợp mới mà con người không nghĩ đến… Vẫn cần một thử nghiệm lâm sàng quy mô đầy đủ để đánh giá liệu phương pháp điều trị có mang lại lợi ích cho trẻ em hay không, nhưng việc phát hiện thuốc đang nhanh hơn bao giờ hết nhờ AI”.
Chúng ta cùng hy vọng tổ hợp thuốc mới được phát triển nhờ công nghệ AI sớm ra đời và được đưa vào sử dụng trong điều trị để có thêm nhiều trẻ em mắc căn bệnh ung thư não hiếm gặp được cứu sống.
Ngọc Anh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh hoạ