Cụm từ “lây lan” hay “bụi phóng xạ” đang được sử dụng rộng rãi do kích thước của quả “bom nợ” từ nhà phát triển bất động sản China Evergrande đang đe dọa phát nổ.
“Những người khốn khổ”!
Mới đây, trái phiếu đồng đô la Mỹ của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Sinic đã chịu áp lực bán tháo trong tuần này, sau khi cổ phiếu của họ bị lao dốc và hạ xếp hạng tín nhiệm do tình hình tài chính của công ty.
Theo dữ liệu của Bloomberg, cổ phiếu tập đoàn Sinic đột ngột bị bán tháo chiều ngày 20 tháng 9, với khối lượng giao dịch cao gấp 14 lần so với mức trung bình một năm gần đây, khiến cho khối tài sản 1,3 tỷ USD của Zhang Yuanlin, Chủ tịch nhà phát triển bất động sản bốc hơi chỉ còn 250,7 triệu USD.
Bên cạnh đó, S&P Global Ratings đã hạ mức tín nhiệm của Sinic từ B xuống CCC + vào thứ ba và đặt trong tình trạng tiếp tục hạ cấp, với lý do “rủi ro đáng kể” về thời gian đáo hạn của dòng tiền và “kế hoạch trả nợ cụ thể” có thể không được thực hiện.
Trên thực tế, tập đoàn Sinic đã có những khoản đầu tư tại hơn 50 thành phố ở Trung Quốc, tập trung vào các khu vực như Vịnh Đại Tây Dương và khu vực đồng bằng sông Dương Tử. Nhưng, thời điểm này họ lại bị “vạ lây” khi là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nguy cơ sụp đổ của Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc. China Evergrande hiện gánh khoản nợ hơn 305 tỷ USD và nhiều khả năng đánh mất thanh khoản.
Có thể nói, lo ngại lây lan phát sinh từ cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đã khiến các khoản nợ thậm chí đang nằm trong mức an toàn ở châu Á cũng lao dốc.
Không chỉ với Sinic, cổ phiếu các “gã khổng lồ” bất động sản Hồng Kông cũng hứng chịu đợt bán tháo lớn nhất trong hơn một năm. Chỉ số bất động sản của Hang Seng giảm 6,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 năm 2020. Cổ phiếu Henderson Land giảm 13%, Sun Hung Kai Properties giảm 10%, lớn nhất kể từ năm 2012.
Bất động sản được coi là tài sản chiếm đến 40% tài sản thuộc sở hữu của các hộ gia đình Trung Quốc, điều đó có nghĩa là một vụ sập giàn giáo của Evergrande có thể sẽ lây lan ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và đối tượng, từ các hộ gia đình, các nhà đầu tư cho đến các nhà cung cấp và thậm chí là cả công nhân xây dựng.
“Bụi phóng xạ” của “bom nợ” Evergrande
Cổ phiếu của China Evergrande đã giảm 85%, xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua, trong phiên giao dịch hôm thứ hai tại Hồng Kông.
Tuy nhiên, ngoài việc cổ phiếu lao dốc, còn có một loạt các rủi ro lây nhiễm tiềm ẩn khiến các nhà đầu tư ở mọi lĩnh vực, từ các ngân hàng châu Âu đến các công ty thép của Mỹ cũng đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Bắc Kinh. Hai khoản thanh toán trái phiếu quan trọng vào ngày 23 tháng 9 được coi là dấu hiệu xác tín số phận của một trong những công ty có ảnh hưởng nhất Trung Quốc.
Rủi ro lớn nhất ở đây chính là việc China Evergrande sẽ vỡ nợ nếu họ bỏ lỡ một trong hai khoản thanh toán đến hạn vào ngày 23 tháng 9 trong vòng 30 ngày. Một động thái như vậy sẽ gây ra một sự sụp đổ domino, vỡ nợ kỹ thuật với vô số chủ nợ của họ, ước tính khoảng 130 tổ chức tài chính khác nhau cùng với các khoản nợ chưa thanh toán lên đến 305 tỷ USD.
Tiếp theo đó, “bụi phóng xạ” sẽ tác động lan tỏa đến nguồn tài chính của các chính quyền địa phương, vốn dựa vào việc bán đất cho các nhà phát triển bất động sản như Evergrande để huy động tiền mặt đáp ứng nhu cầu hoạt động hàng ngày.
Xa hơn nữa, các ngân hàng tiếp xúc trực tiếp với Evergrande, thông qua công ty mẹ, nhóm dịch vụ bất động sản hoặc mảng kinh doanh năng lượng mới, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi những tác động đáng kể đến tăng trưởng cho vay, trong một nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị trì trệ.
Trên hết, thử thách lớn nhất mà Bắc Kinh có thể phải đối mặt trong sự sụp đổ của Evergrande là khí phách về tham vọng “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình và nỗ lực không ngừng của ông trong một số lĩnh vực kinh doanh lớn nhất của đất nước, bao gồm cả bất động sản.
“Hậu sự” cho Evergrande?
Tuần trước, tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc đã cho rằng, Evergrande không nên coi mình là “quá lớn để thất bại”, và điều này cho thấy Bắc Kinh có thể đã sẵn sàng để công ty này chết, thay vì dồn hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính.
Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ năm, các cơ quan chính quyền cấp địa phương và các doanh nghiệp nhà nước đã được hướng dẫn sẽ chỉ vào cuộc vào phút cuối nếu Evergrande không quản lý được công việc của mình.
Các chính quyền địa phương đã được giao nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng bất ổn và giảm thiểu hiệu ứng gợn sóng đối với người mua nhà và tác động đến nền kinh tế rộng lớn hơn của Trung Quốc.
Cuối cùng, một số chuyên gia phân tích cho rằng, sự sụp đổ của Evergrande có thể sẽ có những tác động gây ra một số bất ổn của thị trường toàn cầu. Ngay cả khi đây là công ty đầu tiên trong số nhiều nhà phát triển bất động sản phá sản ở Trung Quốc, cũng có thể khiến nền kinh tế nước này giảm tốc mạnh. Cũng giống như “cái chết” của Lehman Brothers hơn một thập kỷ trước, những hệ lụy kéo theo đã bóp nghẹt sự tăng trưởng của nền kinh tế tiêu dùng nước Mỹ trong nhiều năm.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp