Nhà máy nước Cửa Lò thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Cửa Lò đã hoàn thành thi công cả 2 giai đoạn và đưa vào vận hành từ cuối năm 2020 với công nghệ xử lý nước tiên tiến của Mỹ và đã được áp dụng tại một số nhà máy sản xuất nước sạch tại Việt Nam.
Tổng quan về Nhà máy nước Cửa Lò
Nhà máy nước Cửa Lò được xây dựng tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nhà máy thuộc dự án “Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước thị xã Cửa Lò”, có diện tích xây dựng với quy mô 8,1 ha, sử dụng nguồn nước từ sông Phương Tích. Nhà máy sử dụng công nghệ dây chuyền xử lý nước hiện đại để sản xuất nước sạch đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế QCVN 01-1:2018/BYT.
Nhà máy được thi công qua hai giai đoạn. Giai đoạn I có công suất vận hành của là 10.000 m3/ngđ hoàn thành vào năm 2019. Giai đoạn II chủ đầu tư đã nâng tổng công suất nhà máy lên 20.000 m3/ngđ từ nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Thông qua đấu thầu quốc tế, dự án đã lựa chọn được liên danh nhà thầu tổng, Công ty cổ phần Máy xây dựng và Thủy nông Đông Dương đã được lựa chọn là nhà thầu phụ cung cấp giải pháp công nghệ và thi công toàn bộ hệ thống thiết bị cho nhà máy.
Công nghệ xử lý nước trong giai đoạn I của nhà máy
Sau khi hoàn thành giai đoạn I, Nhà máy nước Cửa Lò được đưa vào vận hành, cung cấp nước cho người dân của 7 phường và các nhà máy sản xuất thuộc thị xã Cửa Lò với số lượng dân cư sử dụng nước là hơn 55.000 người. Mặc dù công suất và chất lượng nước của giai đoạn I đạt theo yêu cầu của thiết kế, tuy nhiên do chất lượng nước nguồn kém ổn định, đặc biệt vào mùa hè và mùa mưa (hàm lượng COD, BOD, pH biến động mạnh), các thiết bị xử lý nước chưa được tối ưu, do đó quá trình vận hành phức tạp, lượng hoá chất sử dụng tăng cao và điện năng tiêu thụ lớn.
Dây chuyền công nghệ của giai đoạn I cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của dự án, tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế sau:
– Hóa chất: Sử dụng nhiều hóa chất PAC và Clo sử dụng để xử lý nước.
– Bể trộn: Máy khuấy thiết kế chưa hợp lý, hiệu quả trộn hóa chưa tốt dẫn đến hao phí hóa chất.
– Bể phản ứng: Máy khuấy thiết kế chưa hợp lý, hiệu quả tạo bông chưa tốt, bông cặn sang khi phản ứng vẫn còn nhỏ.
– Bể lắng lamella: Hoạt động thiếu ổn định vào thời điểm nước thô có chất lượng kém, bông bùn nổi lên trên lamella và tràn vào máng thu nước. Bông bùn đọng lại trên bề mặt lamella làm giảm hiệu quả vận hành và gây thiếu thẩm mỹ.
Cải tiến công nghệ xử lý nước cho giai đoạn II
Với tính cấp thiết và quan trọng của dự án, Công ty Đông Dương đã tham gia vào việc khảo sát, nghiên cứu, kết hợp cùng đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase) đề xuất công nghệ xử lý nước cho giai đoạn II của nhà máy. Đó là công nghệ xử lý nước tiên tiến của Mỹ và đã được áp dụng cho một số nhà máy xử lý nước sạch tại Việt Nam.
Dây chuyền xử lý nước giai đoạn II do Công ty Đông Dương đề xuất và thực hiện:
– Bể trộn: Chuyển hướng của nước thô đầu vào để tránh ảnh hưởng đến cánh khuấy. Giảm thể tích của bể trộn, thiết kế lại cánh khuấy và tốc động quay của động cơ để tăng hiệu quả của trộn PAC lên đến 90-95%.
– Bể phản ứng: Thiết kế máy khuấy dạng cánh lồng để tăng hiệu quả tạo bông, bông cặn hình thành có kích thước lớn, làm tăng hiệu quả lắng cặn. Đồng thời sử dụng loại động cơ có vận tốc chậm, giúp tăng tuổi thọ động cơ, giảm hao mòn các chi tiết cơ khí.
– Bể lắng Lamella: Thiết kế và sử dụng khung tấm lắng inox tải trọng cao dạng module, có tải trọng bề mặt lên đến 18 (m3/m2.h). Khung tấm lắng inox tải trọng cao không chỉ giúp tăng hiệu quả lắng cặn mà còn dễ dàng vệ sinh bề mặt, tăng tính thẩm mỹ của nhà máy. Với công nghệ khung tấm lắng inox, có thể giúp nhà máy tăng công suất vận hành lên đến 15.000 (m3/ngđ) mà ống lắng nhựa PVC không làm được.
– Bể lọc: Sử dụng đan lọc inox giúp tăng tuổi thọ cho bể lọc so với đan lọc HDPE, tăng diện tích thu nước của đan lọc, rút ngắn thời gian thi công, dễ dàng bảo trì.
Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị
Công ty Đông Dương đã kết hợp cùng nhà thầu chính để thi công xây dựng giai đoạn II bao gồm: Nâng cấp trạm bơm cấp I và cấp II, xây dựng cụm xử lý lắng – lọc và bể chứa có công suất 10,000 (m3/ngđ). Quá trình thi công xây dựng được triển khai từ tháng 6-2020 đến hết tháng 12-2020, đạt yêu cầu tiến độ xây dựng và thiết kế của dự án.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường, Công ty Đông Dương đã hoàn toàn chủ động trong công tác nhập khẩu và sản xuất 100% các loại thiết bị, vật tư phụ sử dụng cho dự án này. Điều này không những đảm bảo được tiến độ của dự án mà còn đảm bảo được chất lượng lắp đặt, vận hành và bảo trì của công trình. Các thiết bị sử dụng cho nhà máy nước Cửa Lò nói riêng cũng như các dự án khác luôn được Công ty Đông Dương chú trọng hướng đến sự đồng bộ, tích hợp, mở rộng phạm vi ứng dụng, tối ưu hóa giải pháp tổng thể cho dự án.
Các thiết bị mà Công ty Đông Dương đã cung cấp và lắp đặt cho dự án nhà máy nước Cửa Lò bao gồm: Thiết bị xử lý hãng DDM/Việt Nam, bơm hãng Wilo (Đức), van Tecofi (Pháp), đồng hồ lưu lượng hãng Euromag (Italy), ống thép Zhitong (Trung Quốc), thiết bị đo quan trắc chất lượng nước Go Sys (Đức)… Công tác thi công lắp đặt thiết bị xử lý nước và điện tự động hóa đã được tiến hành song song với công tác xây dựng và đã hoàn thành vào tháng 12 – 2020.
Hiệu quả đạt được
Sau khi hoàn thành công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị, Nhà máy nước Cửa Lò đã chính thức hoạt động vào tháng 12-2020. Với sự nỗ lực của Công ty Đông Dương và các nhà thầu, giai đoạn II của dự án đã đi vào vận hành với kết quả ngoài mong đợi:
• Công suất xử lý đạt 10,000 (m3/ngđ) và có thể vận hành đến 15,000 (m3/ngđ);
• Chất lượng nước cấp ra mạng đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế QCVN 01-1:2018/BYT;
• Chất lượng nước sau lắng có độ đục <1 NTU.
• Chất lượng nước sau lọc có độ đục <0.5 NTU.
• Tăng chu kỳ rửa lọc lên đến 72 – 96 giờ;
• Giảm lượng hóa chất sử dụng từ 10-20% so với giai đoạn I.
• Giảm điện năng tiêu thụ từ 5-10% so với giai đoạn I.
Đặc biệt, việc thay đổi công nghệ đã khắc phục được những hạn chế trong giai đoạn I của dự án, đó là giảm lượng hoá chất PAC và Clo trong xử lý nước, ổn định và tối ưu hoá hiệu quả của bể trộn, bể phản ứng, lắng lamella trong quá trình sản xuất nước sạch, ngay cả trong những thời điểm nguồn nước thô trên sông Phương Tích có chất lượng kém.
Kết quả đạt được trên không chỉ góp phần vào việc tăng hiệu quả đầu tư vào giai đoạn II mà nó còn là yếu tố để làm tăng hiệu quả đầu tư chung của toàn bộ dự án. Quan trọng hơn cả, về mặt xã hội, đó là cung cấp cho người dân thị xã Cửa Lò nguồn nước sạch đảm bảo chất lượng cũng như đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước cấp thiết của dân cư trên địa bàn.
Được biết, Công ty Đông Đương được đánh giá là một nhà thầu uy tín trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, thi công các công trình nước sạch. Các giải pháp được phát triển bởi Công ty Đông Dương được các chủ đầu tư và các chuyên gia nhận định là tiên tiến và bền vững, kinh tế, phù hợp với các nhà máy cấp nước tại Việt Nam.
Với phương châm xem mỗi dự án là cơ hội để tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ về hiệu quả chuyên môn và chất lượng dịch vụ cho khách hàng và người sử dụng dịch vụ, chỉnh chu về chất lượng dịch vụ, ưu tiên lợi ích tổng thể của dự án, chú trọng tìm kiếm giải pháp phù hợp, liên tục đánh giá kết quả thực hiện cải tiến các giải pháp. Qua thành công của dự án nhà máy nước Cửa Lò cùng nhiều công trình khác, Công ty Đông Dương đã và đang khẳng định được uy tín, thương hiệu cũng như chỗ đứng của mình trong ngành nước.
Hoàng Anh Tuấn – Hồ Đình Liên
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)