Với lợi thế về lao động và tài nguyên, những năm gần đây, sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, sự phát triển cũng kéo theo những thách thức về môi trường như các vấn đề chất thải rắn, ô nhiễm nước, đất, không khí. Để tăng cường công tác BVMT trong thời gian qua, Sở TN&MT Hải Dương đã tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường trên địa bàn tỉnh, từ đó đề ra các giải pháp cải thiện, xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả.
Hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường
Chất lượng môi trường nước
Trong những năm qua, mặc dù tỉnh Hải Dương đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát chất lượng nước (CLN) các nguồn thải, tuy nhiên CLN sông tự nhiên và sông nội đồng trên địa bàn tỉnh năm 2020 đã bị tác động bởi nước ô nhiễm từ phía thượng nguồn chảy vào. CLN sông bị ô nhiễm đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp nước cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước cấp cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân sinh sống 2 bên bờ sông. Theo Kết quả quan trắc hiện trạng môi trường chất lượng nước năm 2020 cho thấy, các sông thuộc hệ thống sông tự nhiên, sông Thái Bình có thông số NO2 vượt quy chuẩn cho phép (QCCP) từ 1,24 – 6,02 lần tại các điểm quan trắc nước sông thượng nguồn trước khi chảy vào tỉnh Hải Dương trong đó nồng độ cao nhất tại sông Lục Nam. Nước sông thượng nguồn trên địa bàn phường Phả Lại thuộc thành phố Chí Linh năm 2020 đã tiếp nhận 3 đợt (tháng 3, 6, 12) nước ô nhiễm từ sông Cầu chảy vào tỉnh Hải Dương với dòng chảy có màu đen, mùi hôi. Nguyên nhân là do sông Cầu tiếp nhận chất lượng nước thải đã bị ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, kết quả quan trắc nước trên sông Luộc cũng cho thấy, thông số NO–2 – N cũng vượt QCCP từ 1,24 – 2,5 lần, tuy nhiên không xảy thường xuyên.
Đối với hệ thống sông nội đồng, chất lượng nước sông Hương năm 2020 có nhiều thông số vượt QCCP hơn so với năm 2019, cụ thể: NH4+ – N (vượt QCCP từ 1,1 – 1,17 lần); NO–2 – N (2,5 lần), COD (1,1 – 1,63 lần), tuy nhiên nồng độ các thông số vượt QCCP không thường xuyên trong các đợt quan trắc.
Đặc biệt, hệ thống sông Bắc Hưng Hải, bao gồm các sông: Cẩm Giàng, Sặt, Cửu An, Đình Đào, Cầu Xe, Tứ Kỳ có các thông số NH4+ – N (vượt QCCP từ 1,06 – 9,72 lần); COD (1,13 – 2,43 lần); NO–2 – N (vượt từ 1,04 – 21,5 lần diễn ra thường xuyên trong các đợt quan trắc). Trong đó, tại thời điểm quan trắc đợt 4 trên sông Sặt tại thông Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang thời điểm tiếp nhận nước từ phía thượng nguồn (tỉnh Hưng Yên) chảy về, nồng độ NO2 tăng cao (vượt QCCP 12,28 lần); NH4 (vượt 1,5 lần); COD (vượt 1,03 lần) và thông số DO không đạt QCCP. So với năm 2019, trong năm 2020, số đợt tiếp nhận nước có màu đen, mùi hôi từ phía thượng nguồn chảy vào sông Sặt tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang giảm, song tình trạng chất lượng nước ô nhiễm trong các đợt từ phía thượng nguồn chảy về chưa được cải thiện.
Chất lượng môi trường không khí (MTKK)
Chất lượng MTKK khu vực đô thị năm 2020 tốt hơn CLMTKK khu vực nông thôn so với năm 2019. Tuy nhiên, kết quả 4 đợt quan trắc trong năm 2020 ở một số khu dân cư (KDC) tập trung cho thấy, các thông số tiếng ồn, bụi đều vượt QCCP, cụ thể: KDC thị trấn Gia Lộc các đợt 1,2,3,4 có thông số bụi TSP vượt QCCP (1,83-2,97 lần), bụi PM10 (1,19 – 1,7 lần), tiếng ồn (1,06 lần); KDC phường Phú Thứ thị xã Kinh Môn đợt 2 có thông số TSP (vượt 2,03 lần), bụi PM10 (1,41 lần); KDC xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang đợt 3, 4 có thông số bụi TSP (vượt 1,2 – 2,37 lần), bụi PM10 (vượt 1,51 lần); KDC xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc đợt 1, 2 có thông số bụi TSP (vượt 1,83-2,2 lần), bụi PM10 (vượt 1,26-1,63 lần).
Đối với MTKK khu vực làng nghề, chất lượng MTKK tại 12/13 làng nghề khá tốt, chỉ có 1 làng nghề gỗ Đông Giao huyện Cẩm Giàng có nồng độ bụi TSP vượt QCCP từ 1,6-3,4 lần và nồng độ bụi PM10 vượt 1,44 lần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm bụi kéo dài tại làng nghề là do dân cư đông, hầu hết các hộ trong làng đều sản xuất nghề bằng phương pháp thủ công, cơ sở chật hẹp; các hộ nằm dọc trục đường có các công đoạn như đục, đánh bóng sát lề đường, đường đi có nhiều phương tiện qua lại.
Tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tập trung, chất lượng MTKK tại các KCN tốt hơn các CCN. Các thông số phân tích tại các KCN đều đạt QCCP. Trong khi đó, kết quả quan trắc tại các CCN trong năm 2020 cho thấy, nồng độ bụi TSP (vượt QCCP từ 1,02 – 5,7 lần), PM10 (vượt từ 1,24 – 3,01 lần). Các CCN có nồng độ bụi vượt QCCP thường xuyên như CCN Phú Thứ, Duy Tân (Kinh Môn), Kỳ Sơn (Tứ Kỳ), Cộng Hòa (Chí Linh). Nguyên nhân chủ yếu là do hạ tầng đường giao thông của các CCN trên chưa được đầu tư đồng bộ, các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu chưa che chắn đảm bảo, công tác vệ sinh giảm thiểu bụ đường khong được thực hiện thường xuyên.
Một số nguồn ô nhiễm gây tác động xấu lên môi trường địa phương
Áp lực môi trường nước tại khu vực thành thị và nông thôn: Nước thải khu vực TP. Hải Dương mới chỉ thực hiện thu gom ở trung tâm TP, với lưu lượng khoảng 7.000 m3/ngày, đêm về hệ thống xử lý nước thải trung có công suất thiết kế 13.000 m3/ngày. Tuy nhiên, công nghệ của Nhà máy chỉ là lọc cơ học, do vậy nước thải sau xử lý vẫn chưa đảm bảo đối với các quy chuẩn hiện hành. Toàn bộ lượng nước thải còn lại chưa được thu gom về hệ thống xử lý mà thoát trực tiếp xuống các hệ thống kênh, hồ, hào thành và được bơm cưỡng bức ra hệ thống bao quanh TP. Hải Dương qua 19 trạm bơm tiêu thoát nên một số kênh, hào thành trong khu vực nội thành đang bị ô nhiễm. Để giảm thiểu tình trạng ô 13 nhiễm trên kênh T2, năm 2020 TP. Hải Dương xử lý bằng hóa chất oxy hóa kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh vật Sagi Bio 2 và thả bè thủy sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, chưa xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn. Nước thải sinh hoạt của khu dân cư các huyện, thị xã, nhất là khu vực nông thôn chưa được thu gom xử lý tập trung dẫn đến kênh, mương thoát nước thải trong khu dân cư đang bị ô nhiễm đặc biệt là các kênh, mương tiếp nhận nước thải của hoạt động làng nghề sản xuất chế biến thực phẩm.
Tại khu vực nông thôn, nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình chưa được xử lý triệt để thải ra các ao hồ, kênh mương trong khu vực. Trong khi đó, diện tích ao hồ ngày càng có xu hướng giảm, vì vậy càng làm giảm khả năng tự làm sạch của nguồn nước. Ngoài ra, nước thải của các hộ sản xuất chăn nuôi phát sinh nhiều chất thải, nước thải đã góp phần làm cho áp lực ô nhiễm cục bộ trong các làng xã ngày càng gia tăng.
Chất thải từ sản xuất nông nghiệp: Lượng rơm rạ sau thu hoạch phát sinh hàng năm trên địa bàn tỉnh rất lớn trên 500 nghìn tấn/năm. Để xử lý rơm rạ, người dân áp dụng nhiều phương pháp như trồng nấm, che phủ hoa màu…, tuy nhiên, một số nơi tình trạng đốt rơm, rạ vẫn diễn ra đã tác động lớn đến chất lượng MTKK.
Ngoài ra, trung bình mỗi năm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 345 tấn, lượng bao gói thuốc BVTV chiếm khoảng 15%. Các biện pháp xử lý bao gói thuốc BVTV hiện nay chủ yếu là chôn lấp cùng với rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp rác sinh hoạt tập trung của thôn hoặc xã mà chưa được thu gom, chuyển giao xử lý trong lò đốt chuyên dụng.
Chất thải rắn sinh hoạt: Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 1.273 tấn/ngày, trong đó: Khu vực đô thị khoảng 519 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 745 tấn/ngày. Lượng rác thải sinh hoạt của TP. Hải Dương và 34 xã, thị trấn thuộc địa bàn huyện Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Bình Giang được thu gom và xử lý bằng phương pháp đốt trong lò đốt 2 cấp tại 3 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt. Các khu vực đô thị còn lại (thị trấn của các huyện, các phường của TP. Chí Linh và Thị xã Kinh Môn) và rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Hiện, đa số các bãi chôn lấp trên địa bàn các huyện, thị xã, TP chưa đáp ứng yêu cầu về BVMT, một số bãi rác được UBND tỉnh hỗ trợ sau một thời gian sử dụng đến nay đã đầy. Xử lý rác thải sinh hoạt bằng biện pháp chôn lấp mới chỉ là giải pháp xử lý tạm thời để đáp ứng cho điều kiện thực tế hiện nay, chưa xử lý triệt để lượng chất thải phát sinh, tốn nhiều diện tích và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nước rỉ rác phát sinh từ các ô chôn lấp.
Nguồn thải phát sinh từ các CCN: Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 CCN đi vào hoạt động đã thu hút được trên 300 dự án đầu tư với tỷ lệ lấp đầy đạt 70%. Trong đó, có 10 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng (CCN Ba Hàng, CCN Lương Điền, CCN DVTM Lương Điền, CCN Đoàn Tùng 2, CCN Nam Hồng – Hồng Phong, CCN CADI Yên Viên, CCN An Phụ, CCN Thăng Long, CCN Hồng Phúc – Hưng Long, CCN Kim Lương). Tuy nhiên, chỉ có CCN Lương Điền xây dựng xong hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, đã vận hành Modul xử lý nước thải công suất 250m3/ngày đêm và hiện đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 1.000m3/ngày, đêm. Còn lại các CCN khác do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trưng nên các nguồn thải do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong CCN tự xử lý và thải ra nguồn tiếp nhận chung của địa phương.
Chất thải tại các làng nghề: Trên địa bàn tỉnh hiện có 65 làng nghề được cấp giấy chứng nhận, trong đó 36 làng nghề đã được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường trên địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện, Kim Thành, Nam Sách, Gia Lộc. Phần lớn nước thải và chất thải rắn phát sinh trong các làng nghề đều chưa được thu gom, xử lý theo đúng quy định; nước thải phát sinh từ hoạt động làng nghề và nước thải chăn nuôi tại các làng nghề được xử lý qua bể biogas tuy nhiên hầu hết các bể biogas đều quá tải nên chất lượng nước sau xử lý đều chưa đảm bảo.
Đề xuất một số giải pháp BVMT trong thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục triển khai Kế hoạch số 1139/KH-UBND ngày 26/6/2014 của UBND tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT và các quy định về BVMT trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho BVMT, đặc biệt là tăng tỷ lệ chi cho công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải tập trung.
Thứ ba, nâng cao năng lực quan trắc môi trường, giám sát chặt chẽ các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ các KCN, CCN, cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; khi phát hiện DN có thông số vượt quy chuẩn môi trường, đôn đốc ngay các DN kiểm tra công trình xử lý chất thải, quy trình hoạt động sản xuất để xác định nguyên nhân, khắc phục kịp thời, không xảy ra sự cố môi trường.
Thứ tư, đối với các làng nghề, cần công bố danh sách các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển; kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Thống kê lượng nước thải, khí thải, chất thải rắn (CTR) thông thường, CTR nguy hại phát sinh từ các cơ sở trong làng nghề; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn.
Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và một số tỉnh lân cận trong công tác BVMT và công tác phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tập trung trong KCN, CCN đảm bảo theo quy định; lựa chọn, thu hút đầu tư các dự án thân thiện với môi trường; khuyến khích các dự án sản xuất sạch hơn
Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về BVMT, từ đó tự giác chấp hành nghiêm chỉnh về giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn trong sản xuất…Vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức BVMT, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, hài hòa, thân thiện với môi trường.
Tài liệu tham khảo
- Báo cáo công tác BVMT tỉnh Hải Dương năm 2020 – Sở TN&MT tỉnh Hải Dương.
- Tình hình quản lý nguồn thải và hiện trạng cơ sở dữ liệu về nguồn thải trên địa bàn tỉnh Hải Dương và góp ý về đối tượng quản lý, chức năng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn thải – UBND tỉnh Hải Dương.
- Danh sách các cơ sở lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc trên địa bàn tỉnh – Sở TN&MT Hải Dương
- Các chỉ tiêu về môi trường tỉnh Hải dương năm 2020
Theo TC Môi trường
Ảnh: Nước thải của công ty hoạt động tái chế nhựa ở CCN Tân Hồng (huyện Bình Giang, Hải Dương) gây ô nhiễm nước sông nghiêm trọng