Bất ngờ Phán quyết Trọng tài bị “vô hiệu”, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn điều gì?
Theo Phán quyết số 29/12 ngày 25/04/2013 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (gọi tắt “Phán quyết Trọng tài”), Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) và Công ty China Policy Limited (CPL) phải thành lập “Công ty liên doanh”. Trong khi theo Luật Đầu tư 2020, hiệu lực thi hành ngày 01-01-2021 thì không có quy định hình thức đầu tư “liên doanh”. Dẫn đến, Phán quyết Trọng tài không thể thi hành. Có lẽ vì thế, nên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An vừa đưa ra văn bản hướng dẫn Hồng Phát và CPL nghiên cứu, chọn lựa hai hình thức đầu tư. Tuy nhiên, cả hai hình thức này đều trái với Phán quyết Trọng tài…
Từ “tạm ứng” đến thắng kiện bằng Phán quyết Trọng tài “vi hiến”
Như Môi trường và Đô thị điện tử đã phản ánh, vụ tranh chấp “Thỏa thuận khung”, giữa Công ty Hồng Phát với Công ty CPL, ký ngày 01/06/2007, hướng đến hợp tác trong tương lai, hai bên sẽ ký hợp đồng hợp tác chính thức thành lập Công ty Liên Doanh để triển khai thực hiện Dự án “Khu đô thị và trường đua ngựa” tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An (gọi tắt Dự án) do Công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư.
Theo Thỏa thuận khung, tổng vốn đầu tư ban đầu của Dự án giai đoạn I (với 273 ha), với giá trị đầu tư là 140 triệu USD và hai bên sẽ ký kết một Hợp đồng hợp tác chính thức để “thành lập Công ty liên doanh”, trong đó, Hồng Phát góp 30% bằng giá trị Quyền sử dụng đất; CPL góp 70% bằng tiền mặt. Tại thời điểm ký Thoả thuận khung, CPL chưa thành lập pháp nhân đăng ký kinh doanh tại Việt Nam cũng không thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, nên đã thông qua Pháp nhân tại Nước ngoài chuyển 15,6 triệu USD cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Long An, để chi trả các khoản bồi thường về đất. Toàn bộ số ngoại tệ này được CPL xác định là khoản “tạm ứng” và sẽ được tính vào tiền góp vốn của CPL khi Công ty liên doanh được thành lập.
Sau khi hai bên ký thoả thuận khung, Công ty Hồng Phát đã nhận ra CPL làm ăn kiểu “3 không”: Không mở Văn phòng đại diện; không lập thủ tục đăng ký đầu tư dự án; và không đăng ký mở tài khoản ngoại tệ để chuyển vào Việt Nam. Nên số tiền 15,6 triệu USD của CPL rất khả nghi có dấu hiệu “chuyển tiền lậu, đầu tư chui”, sau đó, CPL cùng với công ty mẹ Chuang’s đưa Dự án lên sàn giao dịch của thị trường chứng khoán Hongkong ngày 21/6/2007, quảng cáo “nổ” CPL sở hữu 70% Dự án “khủng” ở Việt Nam mang tên “Saigon Beverly Hills”. Hành vi mang tính cố ý của CPL đã đánh lừa được các cổ đông và nhà đầu tư và thu lợi đến 80 triệu USD. Chính vì thế nên chủ đầu tư không tiếp tục hợp tác với CPL và đề xuất hoàn trả lại 15,6 triệu USD “tạm ứng” nhưng CPL không chấp thuận.
Từ đối tác, CPL quay lưng tấn công Hồng Phát, bằng việc tố cáo vu khống Chủ đầu tư. Việc tố cáo thất bại, CPL chuyển qua khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và được tuyên thắng kiện. Phán quyết Trọng tài buộc hai bên thực hiện tiếp tục “Thỏa thuận khung” ngày 01/06/2007, đàm pháp ký kết Hợp đồng, “thành lập Công ty liên doanh”. Ngay từ đầu, Hồng Phát đã phản ứng Phán quyết Trọng tài của VIAC vì hàng loạt vi phạm nghiêm trọng và trái pháp luật. Cụ thể:
Thứ nhất, CPL đến từ “thiên đường thuế”, muốn làm ăn “chui” nên không lập thủ tục đăng ký đầu tư Dự án. Do CPL không có tư cách pháp nhân đối với Dự án nên không đủ điều kiện đứng tên trong Công ty liên doanh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005.
Thứ hai, khoản tiền tạm ứng 15,6 triệu USD có dấu hiệu CPL chuyển “lậu”. Hội đồng VIAC chẳng những không làm rõ mà còn “hợp thức hóa” bằng việc công nhận số ngoại tệ này rồi lấy làm căn cứ tính “phí trọng tài”. Chưa hết, VIAC buộc các bên đương sự nộp “phí trọng tài” bằng đô-la Mỹ cũng trái với Pháp lệnh ngoại hối năm 2005.
Thứ ba, giữa Công ty Hồng Phát với CPL xảy ra mâu thuẫn gay gắt, đỉnh điểm là việc CPL dùng thủ đoạn thâm hiểm, tố cáo Hồng Phát đến Bộ Công an, vu khống nhằm đẩy Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát vào vòng lao lý, nhằm chiếm đoạt Dự án nhưng bất thành. CPL đã tự biến mình thành đối nghịch với Công ty Hồng Phát, nên hai bên không thể nào hàn gắn. Vậy mà Hội đồng VIAC lại thúc ép hai bên “sánh đôi” theo kiểu “cưỡng bức”, vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do kinh doanh. Việc thành lập Công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, không ai được làm thay.
Đầu khởi kiện đòi “liên doanh”, đuôi muốn “chia đất” (!)
Căn cứ Phán quyết Trọng tài, ngày 01/10/2014, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An lúc này là ông Nguyễn Văn Gấu, ký Quyết định thi hành án số 01/QĐ-CTHA, với hai nội dung: thành lập Công ty liên doanh và nộp “phí trọng tài”. Công ty Hồng Phát cho biết: Dù Phán quyết Trọng tài vi hiến nhưng đã có hiệu lực nên Hồng Phát phải tuân thủ và đã thi hành xong phần “án phí trọng tài”. Liên quan đến lập Công ty liên doanh, từ đầu năm 2015, Công ty Hồng Phát đã lập dự thảo, nhiều lần gửi cho CPL để thỏa thuận nhưng CPL phớt lờ. Tại các cuộc họp thi hành án, Hồng Phát luôn thiện chí thi hành theo Phán quyết Trọng tài, được ghi rõ trong nhiều biên bản.
Công ty Hồng Phát cũng đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng để được hỗ trợ, hướng dẫn thực thi Phán quyết Trọng tài. Quan tâm doanh nghiệp, nhiều cơ quan đã phản hồi, đáng chú ý là Văn bản số 2463/BKHĐT-PC ngày 17/04/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); Văn bản số 3359/SKHĐT-KTĐN ngày 27/08/2019 của Sở KH&ĐT tỉnh Long An…
Theo Luật Đầu tư 2005 thì hình thức đầu tư thành lập “Công ty liên doanh” được quy định cụ thể, nhưng CPL cố tình trì hoãn, phớt lờ. Đến nay, Luật Đầu tư 2005 đã được thay đổi, bổ sung 02 lần (2014 và 2020). Theo đó, cả hai Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2015) và Luật Đầu tư 2020 (hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2021) đều không quy định hình thức đầu tư thành lập “Công ty liên doanh”.
Với vai trò lãnh đạo, đáng lẽ Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Nguyễn Văn Gấu phải nhận ra việc này để ký văn bản đề nghị VIAC có ý kiến về Phán quyết Trọng tài bị “vô hiệu”, không thể thi hành bởi Luật Đầu tư năm 2014. Đằng này, Cục THADS tỉnh Long An lại nhất nhất làm theo yêu cầu của CPL, chống phá Dự án với mưu đồ riêng. Cụ thể: ra lệnh Phong toả toàn bộ 13 Quyền sử dụng đất với 232,66 ha của Hồng Phát bằng Công văn 525/CTHADS ngày 18/9/2017, sau thay thành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018, kéo dài đến nay.
Không chỉ ngăn chặn 13 Quyền sử dụng đất, CPL còn yêu cầu tỉnh Long An buộc Công ty Hồng Phát chấm dứt triển khai thực hiện Dự án. Yêu cầu hết sức vô lý này lại được Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh là ông Trần Văn Cần chấp thuận bằng việc ký Văn bản số 82/BB-UBND ngày 13/11/2019, buộc Công ty Hồng Phát tạm ngưng triển khai dự án trong phạm vi 13 Quyền sử dụng đất với 232,66ha cũng như buộc dừng các hợp đồng đã ký với các đối tác trong 2 tháng nhưng “ngâm” đến nay đã gần 2 năm.
Là chủ đầu tư Dự án, Công ty Hồng Phát phải gánh chịu “một cổ, hai tròng” vô cùng khắc nghiệt, khiến cho Dự án bị “cấm vận” toàn diện, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ riêng tài chính, Công ty Hồng Phát gánh chịu thiệt hại hơn 900 tỷ đồng, và con số này tăng lên từng ngày.
Rõ ràng, Quyết định số 07/QĐ-CTHADS và Văn bản số 82/BB-UBND được ban hành là trái quy định pháp luật mang tính cố ý, xâm hại nghiêm trọng đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, quyền phát triển Dự án của Công ty Hồng Phát. Bởi Phán quyết Trọng tài hoàn toàn không có nội dung nào yêu cầu kê biên tài sản hay buộc Hồng Phát phải có nghĩa vụ tài chính với CPL.
Đích cuối cùng mà CPL muốn nhắm tới là “khai tử” Dự án và đòi chia 130 ha đất, cắt ra từ phần diện tích 232,66ha. Việc đòi chia đất được CPL nêu rõ trong hàng loạt văn bản gửi khắp nơi từ Trung ương đến tỉnh Long An suốt hơn 2 năm qua.
“Cầu cứu” Sở KH&ĐT để thoát “sa lầy” ?
Cục THADS tỉnh Long An sau nhiều năm thực hiện yêu cầu của CPL, dồn Công ty Hồng Phát vào đường cùng nhưng bất thành. Việc thi hành Phán quyết Trọng tài ngày càng bị sa lầy, đi vào ngõ cụt, chẳng những đã và đang gây thiệt hại chồng chất cho chủ đầu tư mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh cùng hàng loạt hệ luỵ khác.
Trước tình hình trên, ngày 02/07/2020, Cục THADS tỉnh Long An ký Văn bản số 273/CTHADS ngày 02/7/2020 gửi Sở KH&ĐT về việc “hướng dẫn hình thức, trình tự thủ tục, hồ sơ, cơ sở pháp lý để CPL và Hồng Phát thành lập Công ty liên doanh”
Ngày 08/07/2020, Sở KH&ĐT tỉnh Long An có Văn bản số 2397/SKHĐT-KTĐN gửi Cục THADS tỉnh Long An, nêu rõ: Tại thời điểm ký Thỏa thuận khung ngày 01/06/2007, hoạt động đầu tư của nhà đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam tuân theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2006) và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Pháp luật về đầu tư tại thời điểm này có quy định về hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế “liên doanh” giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2015) không quy định hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế “liên doanh” giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Căn cứ Luật Đầu tư năm 2014, Sở KH&ĐT hướng dẫn 02 hình thức đầu tư, bao gồm: Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
Tiếp đến, ngày 11/06/2021, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Long An, ký Văn bản số 2215/SKHĐT-KTĐN, hướng dẫn theo Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021). Văn bản xác định: Luật Đầu tư 2020 không quy định hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế “liên doanh” giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Căn cứ Luật Đầu tư năm 2020, Sở KH&ĐT hướng dẫn để CPL và Hồng Phát nghiên cứu lựa chọn 1 trong 2 hình thức như sau:
Hình thức 1: CPL góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào Công ty Hồng Phát.
Hình thức 2: Công ty Hồng Phát và CPL thông qua việc điều chỉnh Dự án đầu tư (điều chỉnh bổ sung nhà đầu tư) thành lập tổ chức kinh tế thực hiện Dự án. Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ trì sẽ thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đồng ý điều chỉnh Dự án, trong đó có nội dung điều chỉnh nhà đầu tư từ Hồng Phát sang Hồng Phát và CPL. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, Sở KH&ĐT sẽ cấp đổi, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư Dự án theo Luật Đầu tư 2020, trong đó có nội dung điều chỉnh nhà đầu tư là Hồng Phát và CPL. Sau đó, Hồng Phát và CPL thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế “Công ty TNHH hai thành viên trở lên” thực hiện dự án.
Ngoài hai hình thức nêu trên, Giám đốc Sở KH&ĐT còn hướng dẫn hình thức đầu tư “BCC” (hợp đồng hợp tác kinh doanh). Nếu đầu tư theo hình thức này Hồng Phát và CPL phải thống nhất, điều chỉnh nội dung về Thỏa thuận khung…
Đại diện Công ty Hồng Phát nêu quan điểm: Doanh nghiệp rất phấn khởi trước văn bản hướng dẫn của Sở KH&ĐT. Tuy nhiên, sau khi xem xét tận tường, Công ty Hồng Phát nhận thấy không thể chọn lựa hình thức đầu tư mới nào, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, Phán quyết Trọng tài buộc thành lập “Công ty liên doanh”. Trong khi đó, Luật Đầu tư 2014 và 2020 đều không còn hình thức lập “Công ty liên doanh”, khiến cho Phán quyết Trọng tài bị “nghẽn”, không thi hành được. Sở KH&ĐT đã hướng dẫn các hình thức đầu tư mới, tuân thủ Luật Đầu tư 2020, tuy nhiên, các hình thức này nếu chọn lựa để thực hiện thì trái với Phán quyết Trọng tài.
Thứ hai, tất cả các hình thức đầu tư mà Sở KH&ĐT đã hướng dẫn đều có một điểm chung là CPL và Công ty Hồng Phát phải có “thỏa thuận” mới. Điều này là không tưởng! Rõ ràng, chính CPL đã khởi kiện và thắng kiện bằng Phán quyết Trọng tài nhưng không thực thi. Ngược lại, CPL lấy Phán quyết Trọng tài làm công cụ để chống phá, “khai tử” Dự án, để đòi chia 130 ha đất. Có Phán quyết Trọng tài “như ý”, CPL còn muốn “trảm”, thì làm sao chấp nhận “thỏa thuận” mới?
Thứ ba, suốt nhiều năm qua, CPL đã tự biến mình thành đối nghịch với chủ đầu tư, xem Công ty Hồng Phát như kẻ thù “không đội trời chung”, luôn tìm mọi cách để hãm hại, thậm chí muốn “nuốt chửng”130ha đất. Dự án đã và đang bị “cấm vận” toàn diện, đẩy chủ đầu tư vào đường cùng, cũng do CPL mà ra…Khi đã tung nhiều chiêu đòn “hiểm ác”, thì CPL không thể nào quay đầu để “thỏa thuận” với Hồng Phát.
Đại diện chủ đầu tư lên tiếng: Không chỉ Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Nguyễn Văn Gấu mà cả Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh Trần Văn Cần (đều đã nghỉ hưu) cũng biết rõ Phán quyết Trọng tài đã bị “tắc nghẽn” từ ngày 01/07/2015, bởi Luật Đầu tư 2014. Thế nhưng, cả hai vị lãnh đạo này đều “thương” và hết mực “chiều” theo CPL để Công ty Hồng Phát phải chịu “một cổ hai tròng” suốt một thời gian dài và đang tiếp diễn chịu cảnh khó khăn chồng chất.
Công ty Hồng Phát liên tục kiến nghị, kêu cứu, khiếu nại, tố cáo…nhưng vụ việc không được xem xét, giải quyết. Những vị lãnh đạo mới thay cho hai ông Nguyễn Văn Gấu và Trần Văn Cần cũng “im lặng” trước sự kêu cứu đến tuyệt vọng của chủ đầu tư…
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh cho bạn đọc khi có diễn biến mới.
Tường Minh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)