Sau cả chục lần lỗi hẹn, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tiếp tục bí lối ra do chưa được cơ quan thẩm quyền nghiệm thu, cho phép vận hành
Trong văn bản trả lời Bộ Tài chính mới đây về việc sửa đổi khoản 1.7 điều 1 Hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT, chủ đầu tư dự án) cho biết do hợp đồng EPC của dự án này không hoàn thành đúng tiến độ đã làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát, cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD.
10 lần lỡ hẹn, đội vốn gần 10.000 tỉ đồng
Theo Bộ GTVT, nguồn vốn đối ứng của dự án còn lại rất ít, trong khi hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD. Vì vậy, cuối tháng 4-2021, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sửa đổi khoản 1.7 điều 1 hiệp định vay bổ sung; đồng thời xem xét, chấp thuận bổ sung hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của hiệp định vay bổ sung.
Đến ngày 20-8-2021, Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư) báo cáo Bộ GTVT là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thông báo 2 nội dung đề nghị của Bộ GTVT nói trên đã được ngân hàng này trả lời tại thư ngày 16-3-2021. Theo đó, “Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận và không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của hiệp định vay” và “Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay”.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga trên lộ trình: Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng – Đại học Quốc gia – Vành đai 3 – Thanh Xuân – Bến xe Hà Đông – trung tâm Hà Đông – La Khê – Văn Khê – Bến xe Hà Đông mới và khu đề-pô tại Ba La (Hà Đông). Tuyến có 13 đoàn tàu (mỗi đoàn 4 toa), tuần suất hoạt động 4-6 phút/lượt, tốc độ vận chuyển tối đa 80 km/giờ.
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng (552,86 triệu USD); tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD). Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Dự án khởi công từ ngày 10-10-2011, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2014. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ đó đến nay, dự án 10 lần lỡ hẹn, đội vốn gần 10.000 tỉ đồng. Lần lỡ hẹn gần đây nhất, Bộ GTVT “hứa” đưa vào khai thác vào ngày 1-5-2021.
Vẫn chờ nghiệm thu
Đến nay, dự án đã có một số lần chạy tàu thử nghiệm nhưng vẫn chưa thể chạy chính thức với nhiều lý do. Đến thời điểm này, Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (gọi tắt là Hội đồng Kiểm tra nhà nước) chưa chấp thuận nghiệm thu và cho phép dự án đi vào hoạt động.
Theo Bộ GTVT, hiện tuyến Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị. Từ đầu tháng 4-2021, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) và Công ty Đường sắt Hà Nội đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ tài liệu, hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường. Bộ GTVT cũng đã phối hợp với UBND TP Hà Nội trong việc tiếp nhận dự án và hoàn thiện các giải pháp xử lý đối với những khuyến cáo của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (ACT – Pháp).
Theo quy trình của công tác cấp chứng chỉ an toàn hệ thống châu Âu, ACT phải báo cáo với Ủy ban ISA (Ủy ban Các tư vấn đánh giá an toàn độc lập mà ACT là thành viên) xem xét ra quyết định cuối cùng. Trên cơ sở đó, ngày 5-5, ACT đã ban hành chứng nhận an toàn hệ thống số EC_9082_0022_rev 02 do CERTIFER SA cấp (thay thế chứng nhận đã cấp ngày 29-4-2021).
Ngay sau khi dự án có chứng nhận này, Bộ GTVT đã khẩn trương bổ sung vào báo cáo “nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng”, gửi Hội đồng Kiểm tra nhà nước để xem xét, đánh giá cuối cùng trước khi ra thông báo về kết quả nghiệm thu, cho phép khai thác thương mại. “Thông báo của Hội đồng Kiểm tra nhà nước là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc tiến hành hoàn tất thủ tục bàn giao dự án để đưa vào vận hành, khai thác thương mại” – văn bản của Bộ GTVT nêu.
Trách nhiệm của ai? Bộ GTVT cho rằng nguyên nhân chính khiến dự án trễ tiến độ, đội vốn là do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư. Cụ thể là khâu tư vấn lập dự án, tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu. Quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án dài, bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thể chế, biến động về giá nguyên nhiên vật liệu, chính sách tiền lương và tỉ giá ngoại tệ… làm ảnh hưởng không nhỏ đến tổng mức đầu tư dự án. Để xảy ra việc này, trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu Trung Quốc. Về trách nhiệm liên quan, Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án. |