Quảng trường đi bộ và không gian ngầm hiện đại

Khi tuyến metro số 1 đi vào vận hành, khu trung tâm TPHCM sẽ mang vóc dáng rất mới mẻ. Trên mặt đất dự kiến sẽ là khu phố đi bộ, trung tâm thương mại, giải trí… được quy hoạch đồng bộ, hiện đại. Bên dưới là thành phố ngầm mà cơ sở hình thành ban đầu sẽ là các nhà ga metro ngầm. Khu trung tâm ở đây là trục đô thị tính theo tuyến metro số 1, từ Công viên 23-9 qua chợ Bến Thành tới đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nhà hát Thành phố và đến Ba Son.

Mở rộng phố đi bộ

Theo Sở QH-KT TPHCM, đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và Quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm hiện hữu đã được phê duyệt, đường Lê Lợi sẽ trở thành trục thương mại với mật độ cao, dành nhiều không gian cho người đi bộ. Trục đường này sẽ tiếp nối phố đi bộ Nguyễn Huệ, kết hợp với vòng xoay trước chợ Bến Thành hình thành quảng trường đi bộ, mở rộng sang hướng Đông phía sau Nhà hát Thành phố.

Trên cơ sở định hướng không gian và hiện trạng sử dụng, vị trí giao giữa 2 tuyến đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ là khu vực hết sức đặc thù với nhiều công trình công cộng tập trung mang tính chính trị như UBND Thành phố, công viên Tượng đài Bác Hồ, có giá trị văn hóa lịch sử như Nhà hát Thành phố, có tính thương mại dịch vụ cao cấp như nhà ga metro, không gian thương mại ngầm dưới đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Vì vậy, sở sẽ tiếp tục nghiên cứu phân tích một cách tổng thể, đề xuất hướng xử lý hài hòa vừa tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan, phân tách không gian sử dụng, vừa đảm bảo về mặt giao thông, tuân thủ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy TPHCM là đảm bảo tầm nhìn thông thoáng từ phía tượng đài Bác về hướng sông Sài Gòn.

Hiện nay ở khu vực này, thành phố đã thực hiện các hạng mục: hoàn chỉnh không gian công viên phía trước, phía sau Nhà hát Thành phố và không gian khu vực giao lộ đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, kết hợp các yếu tố cảnh quan nước, mảng xanh và không gian tượng đài Bác, tạo điểm nhấn tại vị trí giao của 2 con đường, đảm bảo tính trang nghiêm trước tượng đài Bác.

9,28ha trung tâm thương mại ngầm

Cũng theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TPHCM nêu trên, thành phố sẽ phát triển không gian công cộng và ngầm cho khu trung tâm thành phố.

Hiện tại, công tác lập thiết kế quy hoạch tại khu vực nhà ga Bến Thành (bao gồm khu trung tâm thương mại ngầm dưới chợ Bến Thành) là nhiệm vụ cấp bách mà Sở QH-KT đang thực hiện. Theo đó, sở đang hướng tới thiết kế mang tính kết nối đồng bộ không gian ngầm tại khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành (gồm phần nhà ga trung tâm, không gian thương mại ngầm dưới quảng trường Quách Thị Trang, dưới chợ Bến Thành) với phần ngầm Công viên 23-9, các hành lang kết nối tầng hầm của những công trình cao tầng lân cận…

Cụ thể, việc nghiên cứu sẽ lấy chợ Bến Thành là trung tâm, phạm vi ranh quy hoạch bao gồm khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành (quảng trường Quách Thị Trang), tiếp nối đường Lê Lợi (đoạn giữa nhà ga Bến Thành và ga Nhà hát Thành phố), khu vực chợ Bến Thành (bên dưới chợ Bến Thành, nghiên cứu mở rộng thêm không gian ngầm 2 tuyến đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bên hông chợ Bến Thành). Quy mô nghiên cứu khoảng 9,28ha.

Về quy hoạch chi tiết không gian ngầm, công trình ngầm bên dưới quảng trường Quách Thị Trang cũ gồm 4 tầng, trong đó tầng ngầm 1 (kết nối tầng ngầm bên dưới đường Lê Lợi) có chức năng là quảng trường ga trung tâm và khu trung tâm thương mại; tầng ngầm 2, 3 và 4 là các khu đón tàu, chuyển tàu và bộ phận kỹ thuật của nhà ga. Công trình ngầm (1 tầng) bên dưới đường Lê Lợi đoạn tiếp nối từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố (phần không gian bên trên tuyến đường sắt đô thị số 1) có chức năng là trung tâm thương mại ngầm. Ngoài các công trình ngầm theo đồ án quy hoạch được duyệt, sở đề xuất công trình ngầm bên dưới chợ Bến Thành (mở rộng bên dưới các tuyến đường xung quanh chợ Bến Thành: đường Phan Bội Châu và đường Phan Chu Trinh) với chức năng thương mại…

Trước đó, thành phố đã công nhận kết quả cuộc thi tuyển chọn “Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm nhà ga Bến Thành”, nhằm lựa chọn ý tưởng thiết kế đô thị về không gian cảnh quan công cộng cho khu vực trước chợ Bến Thành, trục đường Lê Lợi.

Điều chỉnh quy hoạch xung quanh nhà ga tuyến metro số 1

Ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, cho biết, sở đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM giao cho UBND TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 theo ranh giới các khu vực cần tập trung phát triển xung quanh nhà ga của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Việc lập các đồ án thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 một số khu vực xung quanh các nhà ga của tuyến metro số 1 sẽ xem xét thực hiện sau khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt. Đồng thời sở sẽ chuyển ý tưởng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh nhà ga metro Phước Long để UBND TP Thủ Đức xem xét, sử dụng trong công tác xây dựng các đề án khai thác quỹ đất phát triển đô thị trên địa bàn.

Lương Thiện – Báo SGGP

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Ảnh: Công nhân đang thi công hệ thống Metro tại trạm Ba Son. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.sggp.org.vn/quang-truong-di-bo-va-khong-gian-ngam-hien-dai-760098.html