Quá trình thực hiện Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó mức tiền phạt áp dụng còn thấp, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hiện nay.
Bộ Tư pháp đang chuẩn bị thẩm định Tờ trình dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thay thế cho Nghị định số 132/2015/NĐ-CP, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/1/2022.
Dự thảo gồm 5 chương, 59 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa…
Theo đánh giá của Bộ GTVT, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 132/2015/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định số 132/2015/NĐ-CP đã phát sinh những bất cập, vướng mắc. Cụ thể, nhiều mức xử phạt rất thấp, không đủ sức răn đe như xử phạt từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng với việc kẻ, gắn số đăng ký của phương tiện không đúng quy định; số đăng ký kẻ, gắn trên phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất; biển ghi số người được phép chở trên phương tiện bị mờ hoặc bị che khuất; kẻ không đúng quy định hoặc để mờ, che khuất vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện…
Bên cạnh đó, việc quy định về mức xử phạt đối với hành vi sử dụng một số loại giấy tờ đã hết hiệu lực còn chưa phù hợp và không được chia ra theo mức độ vi phạm (theo thời gian hết hạn) dẫn đến một số trường hợp lợi dụng quy định này để cố tình hoạt động trái quy định; mức tiền phạt được áp dụng trong Nghị định còn thấp, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hiện nay; chưa có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm như không ghi hoặc ghi chép không đầy đủ sổ nhật ký hành trình, sổ nhật ký máy…
Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT đã đề xuất dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển vận tải thủy, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức triển khai các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giao thông đường thủy nội địa, bảo đảm an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa.
Đặc biệt, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trao đổi về vấn đề này với Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhận định: Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa nhằm bổ sung một số hành vi vi phạm mới phát sinh và chế tài xử lý theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Cùng với đó, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, bảo đảm sự răn đe đối với hành vi vi phạm, khắc phục các khó khăn, bất cập, vướng mắc đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn và các quy định mới của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. |
Thùy Linh (T/h) – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Quá trình thực hiện Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đã phát sinh những bất cập, vướng mắc. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây: