Lùm xùm việc đề xuất sắp xếp lại tổ chức bộ máy tại Bộ Tài nguyên và môi trường (Bài 3)

Phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy của một số Bộ, ngành đang thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều Bộ, ngành Trung ương cần phải xem xét lại phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Qua nghiên cứu về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành Trung ương cho thấy, phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở một số Bộ, ngành đang thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều Bộ, ngành cần phải nghiêm túc xem xét lại phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tiếp tục đề cập đến trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về đề xuất phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bô, chưa đúng với chỉ đạo của Trung ương Đảng (Nghị quyết số 18 năm 2017) và Thủ tướng Chính phủ (tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, số 83/TB-VPCP ngày 30/4/2021). Cụ thể, theo Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ thì ngay tại Điều 1 : Bộ TNMT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.”

tm-img-alt
tm-img-alt
Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04/04/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Như vậy, căn cứ vào quy định tại Nghị định nêu trên và chiếu theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nêu tại Nghị quyết số 18 và các văn bản liên quan nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực thi Nghị quyết này, mà gần đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TNMT tại thông báo số 83/TB-VPCP ngày 30/4/2021 : “Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp cần tập trung tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế- xã hội “. 

tm-img-alt
tm-img-alt
Thông báo số 83/TB-VPCP ngày 30/4/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo mục “II- Các nhiệm vụ, công việc trong thời gian tới” Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất rõ ràng tại điểm 3 và điểm 4 là :

“3. Rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bộ, tổ chức bộ máy, các cơ quan thuộc Bộ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.”

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ TNMT:

“4. Công tác tổ chức, cán bộ cần quán triệt nguyên tắc: (1) Một việc chỉ có một đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính, một người có thể làm nhiều việc; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, đối ngoại); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số tiến tới Chính phủ số; phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm soát quyền lực, kiểm tra giám sát; (2) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương để bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhưng mở ra môi trường đổi mới, sáng tạo, bảo vệ và khuyến khích những người dám nghĩ dám làm, biết làm, dám chịu trách nhiệm; (3) Tập trung cho nghiên cứu khoa học, đào tạo con người, nhất là nghiên cứu các vấn đề có ý nghĩa chiến lược, tổng kết thực tiễn, bổ sung cho công tác lý luận.”

Theo chuyên gia trong ngành TNMT: “Từ các chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ thì chỉ cần lãnh đạo của Bộ TNMT; các đơn vị trực thuộc, nhất là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ; lãnh đạo các Tổng cục, Cục thuộc Bộ TNMT chịu khó đọc, nghiên cứu, thực hiện nguyên văn các văn bản chỉ đạo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ thì cũng đã tốt lắm rồi, sẽ không có chuyện “lùm xùm” đề xuất phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy trực thuộc Bộ TNMT chưa đúng với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.

Không thể đẻ ra 1 lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, tham mưu thực hiện 1 luật về đất đai mà ngay trong Bộ chủ quản đã có 4 cơ quan đầu mối tham mưu, gây phiền phức, 4 người 4 ý ngay từ cơ quan thượng tầng của bộ máy nhà nước, kìm hãm phát triển kinh tế xã hội ngay từ bộ máy cơ quan tham mưu ,ra quyết sách và giám sát thực thi về đất đai ở Trung ương. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc hướng dẫn thực thi pháp luật về đất đai chồng chéo và gây khó khăn cho các địa phương cũng như gây nhiều phát sinh mâu thuẫn trong quản lý đất đai ở cơ sở.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cũng vậy, lĩnh vực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; địa chất và khoáng sản; tài nguyên và môi trường biển và hải đảo ; kể cả lĩnh vực biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn mà Bộ TNMT không nêu ra trong khi, việc này lẽ ra phải cân đối chung lại toàn bộ bộ máy ở các bộ phận, đơn vị trực thuộc Bộ, để sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ mà Nghị định số 36 của Chính phủ đã giao cho Bộ TNMT.

Theo đó, không được để trùng lắp nhiệm vụ hoặc một nhiệm vụ, nhưng thực tiễn hiện nay về chức năng, nhiệm vụ của các Cục, Tổng cục liên quan thuộc Bộ TNMT thì kể cả hiện trạng và phương án mới đề xuất lại giao cho mỗi bộ phận, mỗi Cục, mỗi đơn vị làm một chút…, ví dụ như chức năng, nhiệm vụ về quy hoạch, chức năng, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, chất lượng môi trường không khí (cả bên các Cục về môi trường cũng làm, Cục Biến đổi khí hậu cũng làm, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng làm); nước (cả bên các Cục về môi trường cũng làm, Cục Quản lý Tài nguyên nước cũng làm); đất (cả bên các Cục về môi trường cũng làm, Cục Quản lý đất đai cũng làm…”.

Phải nói rằng, tổ chức bộ máy các cơ quan trực thuộc Bộ TNMT hiện nay đã không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy mà vừa qua Bộ TNMTđề xuất (đã phản ánh ở 2 bài báo trước) lại càng không phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra theo đúng tinh thần chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, hoàn toàn không đúng với kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 30/4/2021.

Do đó, thiết nghĩ Bộ trưởng Bộ TNMT cũng như các cơ quan liên quan trong quá trình tham mưu Chính phủ thẩm định đề án, phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các Bộ ngành nói chung, Bộ TNMT nói riêng, cần có rà soát kỹ, yêu cầu sửa chữa hoặc làm lại các đề án, phương án cho đảm bảo, hiệu quả, tránh để lại hậu quả lâu dài do việc sắp xếp tổ chức bộ máy gây ra. Đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành cần bố trí cán bộ có đủ năng lực, đặc biệt là phải có ý thức trách nhiệm thực thi nhiệm vụ tham mưu, đề xuất phương án sắp xếp lại tổ chức máy cho thực sự hiệu lực, hiệu quả theo đúng yêu cầu đặt ra, đúng chỉ đạo của Trung ương Đảng, đúng quy định của Nhà nước.

Không nhất thiết phải giữ khư khư lấy cho mình hoặc bó gọn trong việc sắp xếp mấy Tổng cục, để rồi chỉ nghĩ ra cách tách ra làm nhiều Cục trực thuộc Bộ TNMT.

Hoàn toàn có thể đề xuất chuyển một số chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy nhằm giúp Chính phủ điều hành được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Cũng theo chuyên gia trong ngành TNMT: “Để bảo vệ môi trường và việc tham gia chống biến đổi khí hậu ở nước ta được hiệu quả thực chất, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thực sự có tiếng nói khách quan, thì tổ chức bộ máy của nó phải được đặt ở 1 cơ quan, không phụ thuộc vào cơ quan quản lý cấp phép khai thác tài nguyên thiên nhiên ,cũng như cơ quan tham mưu, cấp phép đầu tư phát triển…

Phương án tốt nhất, chuyển cơ quan quản lý nhà nước tham mưu về lĩnh vực bảo vệ môi trường và tham gia chống biến đổi khí hậu trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Văn phòng Chính phủ chứ không nên đặt tại Bộ TNMT hoặc các Bộ ngành kinh tế như Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng….

Trường hợp khi không thể chuyển chức, năng nhiệm vụ và bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học sang Bộ, ngành khác thì có thể cho phép tổ chức Cục Bảo vệ Môi trường (làm đầu mối tham mưu thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên toàn quốc, đồng thời cho chuyển sang và sáp nhập Cục Biến đổi khí hậu và 1 số bộ phận, đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Môi trường hiện nay vào Tổng cục Khí tượng Thủy văn để tận dụng mạng lưới, trang thiết bị, nguồn lực, nhân lực mạnh mẽ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn đối với chất lượng môi trường khí, nước) và Cục bảo tồn đa dạng sinh học (để tham mưu thực thi pháp luật về đa dạng sinh học) trực thuộc Bộ TNMT. Đồng thời điều chỉnh các quy định về chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu trực thuộc Bộ TNMT cho phù hợp.”

Theo đề xuất này Bộ TNMT 4 Tổng cục (Tổng cục đất đai, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) sẽ tinh gọn lại để chuyển thành 4 Cục trực thuộc Bộ TNMT gồm: 1) Cục Quản lý Đất đai; 2) Cục Bảo vệ Môi trường; 3) Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; 4) Cục Quản lý Biển và Hải đảo Việt Nam.

Đề xuất thành lập Cục Bảo tồn và Đa dạng Sinh học trực thuộc Bộ TNMT (quản lý theo Luật Đa dạng sinh học)

Xóa bỏ Cục Biến đổi Khí hậu và Cục Quản lý Tài nguyên nước để nhập vào Tổng cục Khí tượng Thủy văn thành một đơn vị mới là Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Biến đổi khí hậu và Tài nguyên nước (Tổng cục này sẽ tận dụng được nguồn lực, nhân lực khổng lồ trong mạng lưới khí tượng thủy văn bao phủ toàn quốc từ bao nhiêu năm qua ở nước ta, đồng thời tiếp nhận và nâng cao hiệu quả các chức năng sự nghiệp công về kiểm soát chất lượng khí và kiểm soát chất lượng nước từ các bộ phận khác trong phạm vi của Bộ TNMT như từ Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên Nước… để thống nhất về kiểm soát chất lượng môi trường không khí và chất lượng môi trường nước trên toàn quốc).

tm-img-alt
Những năm gần đây, Việt Nam liên tục phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán, cháy rừng, lũ lụt… gây thiệt hại về người, của và làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Ảnh Hồ Anh Tiến

Với cơ cấu mới này, các bộ phận thuộc Bộ TNMT sẽ tinh gọn hơn rất nhiều, đồng thời với việc giảm đầu mối là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của Bộ TNMT nói chung, hiệu quả và trách nhiệm của từng đơn vị, bộ phận trực thuộc Bộ TNMT nói riêng.

Từ lý luận thực tiễn nêu trên, rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan nhà nước có liên quan xem xét thẩm định kỹ lưỡng và sớm chỉ đạo các Bộ ngành Trung ương có trách nhiệm hơn trong công tác tham mưu phương án sắp xếp lại tổ chức bộ máy tại các Bộ ngành Trung ương, đặc biệt là trách nhiệm của những người trực tiếp làm công tác tổ chức bộ máy, tổ chức cán bộ ở các Bộ ngành và cả ở các địa phương trong việc đánh giá tác động công vụ này để tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ và mang lại thêm nhiều phúc lợi cho đất nước và nhân dân trong thời kỳ mới./.

Hải Thành

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường