Những thay đổi hành vi của người dùng do đại dịch cùng với sự phát triển của công nghệ đã khiến các nhà sản xuất game thay đổi chiến lược thiết kế trò chơi, quảng bá và kiếm tiền.
Theo một báo cáo gần đây của Golden Gate Ventures, 10 năm tới, truyền thông và giải trí sẽ là lĩnh vực thu hút đầu tư nhất. Riêng trong lĩnh vực giải trí, game là ngành công nghiệp lớn nhất trên toàn cầu. Tính đến năm 2021, đã có 3 tỷ người, tương đương gần 40% dân số thế giới, tham gia các trò chơi.
Ở Đông Nam Á, thị trường game tăng trưởng trung bình 8,5% mỗi năm. Trong đó, theo công ty tư vấn di động App Annie, chi tiêu cho trò chơi trên di động tại các thị trường mới nổi như Việt Nam và Philippines tăng tới 50% trong quý 1 năm 2021 so với mức trước đại dịch. Chơi game trên mạng xã hội nổi lên như một xu hướng góp phần thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của game e-sports.
Bên cạnh đó, số người dùng tham gia vào các trò chơi được livestream đã tăng hơn 11,7% trên toàn cầu từ năm 2019 đến năm 2020. Theo Bigo – một kỳ lân của Singapore sở hữu nền tảng livestream – Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đang nổi lên là những quốc gia hàng đầu về livestream game.
Đặc biệt, sự phát triển của blockchain những năm gần đây đã thúc đẩy sự ra đời của game dựa trên công nghệ này tại Đông Nam Á.
Axie Infinity do công ty khởi nghiệp Sky Mavis của Việt Nam phát triển vào năm 2018, đã trở thành trò chơi dựa trên NFT đầu tiên ở Đông Nam Á. Với mô hình “chơi để kiếm tiền (Play to earn)”, người chơi Axie Infinity có thể xác minh quyền sở hữu đối với tài sản kỹ thuật số, tạo giá trị cho các vật phẩm ảo bằng cách vượt qua các thử thách, sau đó giao dịch hoặc quy đổi chúng thành tiền. Sky Mavischo biết, trò chơi của họ đã đạt 800.000 người dùng chơi mỗi ngày trong tháng 7 và cán mốc 1 triệu vào tháng 8.
Đầu năm nay, My DeFi Pet, trò chơi do Topebox – một nhà phát triển khác của Việt Nam – đã nhận được khoản đầu tư 1 triệu USD; trong khi mới tháng trước, Virtently Human Studio, công ty Úc sở hữu nền tảng đua ngựa ảo Zed Run, cũng huy động được 20 triệu USD trong vòng Series A. Những giao dịch này cho thấy mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư với sản phẩm giao thoa giữa giải trí, game và NFT.
“Blockchain đang thay đổi cơ chế kiếm tiền và cơ chế hoạt động của trò chơi trên di động,” theo Karam Malhotra, Phó chủ tịch toàn cầu củacông ty phát hành gameSHAREit có trụ sở ở Singapore. “Nó cho phép người chơi kiếm tiền từ việc chơi game, khác hẳn với game truyền thống”.
“Tuy nhiên, vẫn có một số xung đột giữa việc thiết kế các trò chơi blockchain và các trò chơi thông thường khác,” Trung Nguyễn, Giám đốc điều hành Sky Mavis, nói. “Trong khi các trò chơi truyền thống chỉ hướng tới việc tối đa hóa doanh thu đơn phương cho nhà phát triển thì game được tạo ra từ blockchain lại hoạt động như một hệ sinh thái và tối đa hoá doanh thu cho cả nhà phát triển và người chơi”. Theo Trung Nguyễn, để cân bằng xung đột này, cần thiết kế trò chơi đủ hấp dẫn và đảm bảo sự minh bạch.
Trong hai năm qua, các nhà phát triển game ở Đông Nam Á đã thay đổi trọng tâm phát triển của mình. Thay cho chiến lược kiếm tiền từ quảng cáo là kiếm tiền từ trao đổi, mua bán trong chính ứng dụng. “Các nhà sản xuất game cần đưa thông tin quảng cáo một cách sáng tạo mới giữ chân được nhiều người dùng hơn, trong thời gian dài hơn,” Malhotra nói.
Trong trường hợp livestream, những game thủ có thể nhận được quà tặng hoặc tiền do khán giả gửi tặng. Mike Ong, Giám đốc điều hành của Bigo, cho biết: “Người dùng có thể nhận nhiều loại quà tặng ảo khi livestream trên kênh của mình và sau đó chuyển đổi thành tiền. Đây là một trong những nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm thúc đẩy game thủ livestream nhiều hơn”.
Như vậy, việc dân chủ hóa trải nghiệm chơi game cho mọi người đã trở thành xu hướng quan trọng nhất có thể thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong những năm tới./.
Theo Khoa học & Phát triển