Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: ‘Lùm xùm’ gói thầu đang nợ tiền Hàn Quốc

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, một trong những nguyên nhân khiến Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chậm trả tiền cho nhà thầu Hàn Quốc tại gói thầu A4, A5 cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do nhiều sai phạm chưa giải quyết. Mặt khác, một số lãnh đạo, cán bộ, nhà thầu thi công tại dự án đang vướng vòng lao lý.

Nhiều sai phạm tại gói thầu A4, A5

Được biết, gói thầu A4 của cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là hợp phần do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng chiều dài 14,6km do Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng LOTTE Việt Nam thực hiện. Đây là gói thầu xâyl ắp đầu tiên sử dụng phần vốn do WB tài trợ.

Gói thầu gồm 1 nút giao khác mức liên thông (tại Km123+680 là điểm giao với Quốc lộ 24B); 8 cây cầu và các hạng mục cống chui dân sinh, công trình thoát nước. Giá trúng thầu gần 1.300 tỷ đồng, thời gian hoàn thành trong 3 năm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, nhà thầu LOTTE Việt Nam cũng để xảy ra nhiều sai phạm về tiến độ dự án, nghiệm thu công trình… Dự án khởi công vào năm 2013 nhưng đến 2017 mới đưa vào sử dụng (chậm 1 năm so với tiến độ).

Ngoài ra, trong quá trình thi công, Kiểm toán nhà nước có kết luận: gói thầu A4 vướng mắc nhiều sai phạm như nghiệm thu sai khối lượng hạng mục đá hộc xây vữa, hạng mục đào đá…với giá trị hơn 3,3 tỷ đồng. Nghiệm thu trùng khối lượng nền đường với trạm thu phí và nhà điều hành của gói thầu số 1 với giá hơn 1 tỷ đồng.

Sử dụng nhựa nhũ tương CRS để thi công lớp nhựa dính bám thay cho nhựa lỏng RC70 như quy định tại Mục 06100-chỉ dẫn kỹ thuật nhưng chưa lập lệnh thay đổi gói thầu A4.

Chính vì những sai phạm trên, hiện có 5 cán bộ, nhà thầu tại gói thầu A4, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị khởi tố.

Còn tại gói thầu A5, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có dài 15km với giá trị gần 1.400 tỷ đồng do Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (gọi tắt Công ty Posco) thực hiện toàn bộ gói thầu. Công ty này cam kết nghiêm túc thực hiện hợp đồng và đảm bảo chất lượng công trình như thiết kế đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, tại biên bản kiểm tra số 39/BBTTr-T1, ngày 12/4/2017 đoàn Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ các sai phạm như: hồ sơ bản vẽ thi công (BVTC) không được duyệt theo đúng mẫu; không tính khối lượng đất đắp k95 chọn lọc, các hồ sơ không có tên chữ ký của người chủ trì thiết kế, chủ nhiệm thiết kế, người đại diện pháp luật của nhà thầu thiết kế và dấu của nhà thầu thiết kế theo quy định…

Báo cáo kết quả khảo sát địa chất bổ sung của cầu Trà Khúc vào ngày 23/5/2015 nhưng đơn vị thực hiện là Công ty Cp Thành Tân An không ký xác nhận trong hồ sơ báo cáo.

Trong biên bản Thanh tra còn chỉ ra các hạng mục xử lý đất yếu của hồ sơ thiết kế BVTC chưa được chủ đầu tư ký xác nhận trong từng trang bản vẽ theo quy định. Bảng tổng hợp khối lượng đã tính toán khổi lượng, tuy nhiên mặt cắt ngang chi tiết chưa thể hiện chi tiết khối lượng đắp gia tải và dỡ tải…

Đáng chú ý, sau khi trúng thầu, Công ty Posco không tổ chức thi công mà “chuyển” các đơn vị trong nước như: tháng 4/2015, Posco giao phần thi công các cầu trong gói A5 cho Liên danh Thiên Ân – Vinaconex với giá hơn 597 tỷ đồng.

Khi liên danh nhà thầu đang thi công hạng mục khoan nhồi tại cầu Trà Khúc, VD12 và OP24a, đơn vị giám sát phát hiện Công ty Thiên Ân không đủ năng lực nên báo cáo chủ đầu tư. Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có văn bản yêu cầu liên danh nhà thầu này dừng thi công gói thầu A5.

Công ty Posco sau đó tiếp tục chia nhỏ nhiều hạng mục và mời các đơn vị khác vào thi công. Cụ thể, tháng 4/2016, Công ty Posco ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư xây dựng Incico, thi công cầu VD12 (từ mố A1 đến trụ P11). Giá trị hợp đồng hơn 79,3 tỷ đồng. Sau đó, hợp đồng này bổ sung thêm phần thi công cầu Trà Khúc (từ nhịp 11 đến trụ P15).

Tháng 12/2015. Công ty Posco ký hợp đồng với Công ty CP Xây dựng cầu 75 – Cienco8 về việc giao thi công cọc khoan nhồi và kết cấu phần dưới các cầu VD13, ORB29, với giá gần 43 tỷ đồng. Sau đó, hợp đồng này được điều chỉnh 2 lần, tăng thêm một số hạng mục nên số tiền lên đến hơn 101 tỷ đồng.

Cũng trong tháng này, Công ty Posco tiếp tục ký hợp đồng với Xí nghiệp cầu 17 – Cienco1 – Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, về việc thi công cầu Trà Khúc (từ A1 đến cuối nhịp 10) với số tiền 95,6 tỷ. Sau đó, hợp đồng này lại điều chỉnh 2 lần và giá trị hợp đồng lên đến 169 tỷ.

Theo hồ sơ, giai đoạn cuối 2015 đến hết năm 2016, Công ty Posco còn ký với 14 nhà thầu phụ khác. Thanh tra Bộ GTVT kết luận Công ty Posco đã không thực hiện hợp đồng đã ký với chủ đầu tư mà thuê các nhà thầu phụ thi công 100% hạng mục gói thầu A5.

Việc thuê một số nhà thầu phụ thi công các hạng mục không được chủ đầu tư chấp thuận. Có đến 4 nhà thầu phụ không đủ năng lực nên bị nhà thầu chính cho dừng thi công giữa chừng.

Tại thời điểm thanh tra, Công ty Posco không báo cáo cho đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư về việc ký hợp đồng và điều chỉnh phạm vi công việc với các nhà thầu phụ.

Vừa qua, trước những sai phạm tại gói A5 nên 2 cán bộ của VEC đã bị khởi tố. Như vậy, tại các gói A4 và A5 cao tốc Đà Nẵng có tới 7 bị can bị khởi tố.

Doanh thu cao nhưng phần lớn để… trả lãi vay

Trong vài năm gần đây, doanh thu của VEC ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn nhưng không nhiều. Báo cáo tài chính của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) năm 2020 ghi nhận doanh thu xấp xỉ 3.670 tỷ đồng.

Nguồn thu này phần lớn đến từ thu phí các tuyến cao tốc gồm Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đáng chú ý, công ty còn có nguồn thu gần 600 tỷ đồng từ tiền lãi gửi ngân hàng.

Lợi nhuận gộp của “ông trùm” đường cao tốc giai đoạn này đạt 2.670 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất sinh lời gần 73%. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 8,8 tỷ đồng và giảm 97% so với năm trước.

Lãi vốn vay và lỗ chênh lệch tỷ giá là những khoản mục ăn mòn lợi nhuận nhiều nhất. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm thì lợi nhuận của công ty vẫn vượt đến 4 lần.

Tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản của VEC đạt hơn 92.000 tỷ đồng. Nợ phải trả xấp xỉ 81.000 tỷ đồng, trong đó hơn 66.600 tỷ đồng là các khoản vay từ tổ chức nước ngoài như Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản để phát triển các tuyến cao tốc.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, phía VEC cho biết: “Cả hai chỉ tiêu lưu lượng và doanh thu thu phí của Tổng công ty đều có sự tăng trưởng so cùng kỳ năm trước, tương ứng với 6,8% và 8,8%”.

Trong 4 tuyến cao tốc Tổng công ty hiện đang quản lý, cao tốc Nội Bài – Lào Cai có mức tăng trưởng lưu lượng cao nhất 11,3% và cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có mức tăng trưởng thấp nhất 2,6%. Hai tuyến cao tốc còn lại là Cầu Giẽ – Ninh Bình và Đà Nẵng – Quảng Ngãi lần lượt đạt mức tăng trưởng 8,2% và 5,2%.

Theo chỉ tiêu đề ra, trong năm 2021, VEC được giao tổng doanh thu 4.187,8 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ vỏn vẹn ở mức 3,6 tỷ đồng. VEC sẽ nộp ngân sách nhà nước khoảng 381,2 tỷ đồng.

Dù doanh thu khá tốt nhưng chi phí tài chính và vận hành đã “ngốn” gần hết phần doanh thu của “ông trùm” cao tốc. Cụ thể, chí vận hành khoảng 1.560 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính, đặc biệt là lãi phí phải trả khoảng 1.337 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá phải trả là 1.289,6 tỷ đồng. Có thể liệt kê các khoản vay dài hạn là ngoại tệ từ các tổ chức như ADB 1,3 tỷ USD, World Bank 265 triệu USD, JICA hơn 132 triệu Yên….

Như vậy, gánh nặng lãi vay ODA đang đè nặng lên VEC khiến dự kiến lợi nhuận sau thuế của đơn vị này chỉ khoảng 3,6 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc lộ trình trả nợ của VEC ngày càng gian nan. Đó cũng là nguyên nhân khiến VEC chậm trả nợ nhà thầu thi công tại nhiều dự án cao tốc mà đơn vị này quản lý.

Đức Thọ/VietnamFinance

Theo VietnamFiance

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamfinance.vn/cao-toc-da-nang-quang-ngai-lum-xum-goi-thau-dang-no-tien-han-quoc-20180504224258227.htm