Tiêm muộn mũi 2 có làm giảm hiệu quả của vaccine Covid-19?

Số lượng phân bổ vaccine Moderna và Pfizer tại TP.HCM không lớn khiến người dân lo ngại việc tiêm chủng mũi 2 có thể bị gián đoạn.

TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đến hết ngày 15/9. Trong thời gian này, thành phố sẽ tổ chức tiêm mũi 1 cho người dân trên 18 tuổi và tiêm 2 cho những trường hợp đủ thời gian theo khuyến cáo.

Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người lo lắng là bên cạnh nguồn cung vaccine AstraZeneca và Sinopharm vẫn còn, vaccine Moderna và Pfizer của TP.HCM có số lượng không nhiều.

Điều này làm dấy lên nỗi lo về việc gián đoạn việc tiêm chủng mũi 2 hoặc tiêm quá thời gian theo khuyến cáo.

Chờ phân bổ thêm vaccine Moderna

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin dịch Covid-19 chiều 4/9, phóng viên đặt câu hỏi về tình hình tiêm vaccine Moderna cho người dân bởi nhiều trường hợp đã tới thời hạn tiêm mũi 2 theo khuyến cáo của ngành y tế nhưng chưa được tiêm.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết vaccine Covid-19 do Bộ Y tế phân bổ. HCDC là đơn vị tiếp nhận rồi cấp phát về các địa phương để triển khai tiêm chủng.

“Hiện tại, HCDC chưa nhận được phân bổ thêm vaccine Moderna. Ngành y tế đang tính toán giải pháp thay thế, tất nhiên giải pháp đảm bảo phù hợp với nguyên tắc về khoa học và chuyên môn”, ông Tâm cho biết.

Chia sẻ với Zing, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết những ngày gần đây, đơn vị này có nhận cuộc gọi từ người dân để hỏi về thời gian tiêm mũi 2 của vaccine Moderna.

Trước đó, ngày 22/7, Bệnh viện Lê Văn Thịnh được phân công tổ chức tiêm vaccine Moderna cho nhóm người người mắc bệnh thận mạn tính, huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, béo phì, người trên 65 tuổi trên địa bàn TP Thủ Đức.

“Chúng tôi chỉ là đơn vị tiêm chủng theo phân công của thành phố. Moderna hiện hết số lượng được phân bổ. Do đó, chúng tôi vẫn tư vấn người dân chờ thêm thời gian, khi nào được phân bổ vaccine, bệnh viện sẽ triển khai tiêm mũi 2”, bác sĩ Khanh cho biết.

Không hoang mang nếu tiêm mũi 2 muộn

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết vaccine mRNA-1273 của Moderna được cấp phép tại Mỹ, chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.

Tất cả người tiêm vaccine Moderna cần tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 28 ngày. Liều thứ 2 không được chỉ định tiêm sớm hơn. Sau mũi 2, cơ thể mất khoảng 2 tuần để xây dựng khả năng miễn dịch đầy đủ. Sau khoảng thời gian đó, vaccine có hiệu lực bảo vệ khoảng 94%.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: BSCC.

“Thời gian cách xa nhau của mũi 2 vaccine Moderna có thể đến 6 tuần (42 ngày) sau liều đầu tiên. Nếu liều thứ 2 được tiêm sau thời gian này, người dân cũng đừng nên hoang mang và lo lắng, hiệu lực của mũi 1 sẽ không mất đi và không cần tiêm vaccine lại từ đầu”, bác sĩ Hiền Minh khuyến cáo.

Bác sĩ Minh thông tin thêm khoảng thời gian 28 ngày giữa 2 liều Moderna là khoảng thời gian tối thiểu để hình thành trí nhớ miễn dịch, đảm bảo cho hiệu quả bảo vệ tăng thêm ở mũi thứ 2.

Một khi trí nhớ miễn dịch đã hình thành, việc tiêm liều thứ 2 muộn hơn cũng không làm trí nhớ miễn dịch mất đi.

Chuyên gia này nhấn mạnh riêng đối với Moderna, ngay cả khi mới tiêm một liều và sau tối thiểu 14 ngày thì hiệu lực vaccine cũng đạt 72% với chủng Delta và khả năng giảm nguy cơ nhập viện, tử vong lên tới 96%.

Một nghiên cứu ở Canada trên khoảng 58.000 người cho thấy hiệu quả của Pfizer và Moderna không giảm sút sau 16 tuần chỉ với một liều tiêm duy nhất.

Lý giải về khả năng tiêm trộn mũi 2 là vaccine khác khi mũi 1 là Moderna, bác sĩ Minh cho biết trong tình huống bất khả kháng, người tiêm mũi 1 là Moderna có thể được cân nhắc mũi 2 là vaccine mRNA bất kỳ với khoảng cách tối thiểu 28 ngày giữa hai liều tiêm.

Lực lượng shipper được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại trường tiểu học Phạm Văn Hai, quận 11 (TP.HCM). Ảnh: Phạm Ngôn.

Nếu tạm thời không có cùng loại vaccine mRNA, tốt hơn là trì hoãn liều thứ 2 để người được tiêm chủng nhận cùng loại vaccine hơn là phối hợp vaccine khác loại.

Một số quốc gia như Canada và Anh hiện nay có những khuyến cáo về việc có thể tiêm theo lịch mũi 1 là vaccine Moderna – mũi 2 là Pfizer (hoặc ngược lại) khi không có loại vaccine sẵn có và đã trì hoãn lịch tiêm trên 8 tuần.

Theo CDC Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của tiêm phối hợp 2 vaccine mRNA (Moderna và Pfizer) chưa được đánh giá.

“Cả hai liều trong liệu trình tiêm chủng nên được hoàn thành với cùng một vaccine”, bác sĩ Hiền Minh khuyến cáo.

Tổng số liều vaccine Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế và tiếp nhận tại kho của Viện Pasteur TP.HCM đến nay là 10.349.200 liều, trong đó có 4.456.490 liều vaccine AstraZeneca, 571.200 liều Moderna, 312.510 liều Pfizer và 5.009.000 liều Sinopharm (Vero Cell).

Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 3/9 là 6.321.049, trong đó có 5.923.063 mũi 1 và 397.986 mũi 2.

Theo kế hoạch tiêm chủng ban hành ngày 4/9 của Sở Y tế TP.HCM, thành phố sẽ triển khai tiêm phủ mũi 1 cho người trên 18 tuổi và lập danh sách hoàn tất mũi 2 theo những người đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian theo khuyến cáo của từng loại vaccine.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM khuyến cáo với tinh thần vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, người dân hãy theo dõi thông tin tổ chức tiêm chủng trên địa bàn quận, huyện, phường, xã và đồng ý tiêm ngay khi đến lượt.

Bích Huệ – Tạp chí Zing News

Theo Zing News

Ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiêm vaccine cho người lớn tuổi vào chiều 22/7. Ảnh: Duy Hiệu.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://zingnews.vn/tiem-muon-mui-2-co-lam-giam-hieu-qua-cua-vaccine-covid-19-post1259231.html