Xén dải phân cách: Giảm áp lực giao thông đô thị

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 7,4 triệu phương tiện, tăng hơn 1,1 triệu xe so với năm 2017; cùng với đó là áp lực ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường gia tăng từng ngày.

Trong bối cảnh hạ tầng chậm phát triển, xén dải phân cách mở rộng không gian, xây dựng cầu vượt qua các nút giao… là những giải pháp được đánh giá hữu hiệu trong ngắn hạn, nhằm giảm thiểu áp lực giao thông.

Phương tiện tăng chóng mặt

Thống kê của Ban ATGT Hà Nội cho thấy, mỗi năm Hà Nội có hàng trăm nghìn phương tiện đăng ký mới, khiến mật độ giao thông ngày càng cao. Từ 6.286.621 phương tiện vào năm 2017, tính đến tháng 8/2021, tổng số xe được Hà Nội quản lý tăng lên thành 7.441.981, chưa kể các phương tiện vãng lai ra, vào TP mỗi ngày khiến áp lực của hệ thống hạ tầng giao thông tăng.

Ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên trên nhiều tuyến đường, phố từ lớn đến nhỏ, nhất là vào khung giờ cao điểm. Dù Hà Nội đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhưng số lượng “điểm đen” ùn tắc giao thông vẫn giảm chậm, song hành là tăng thêm mới. Bên cạnh những hệ lụy về giao thông, môi trường không khí của TP cũng phải đối diện với nguy cơ ô nhiễm lớn do khí thải từ phương tiện cơ giới.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực để cải thiện tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên tổng số diện tích xây dựng đô thị. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ này đạt 10,07% (năm 2019 là 9,75%).

Tuy nhiên, đây chưa phải là con số đủ đáp ứng cho lưu lượng giao thông ở một đô thị trung tâm đông đúc như Hà Nội. Theo đó, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16 – 26%, tùy vào đặc thù của từng địa phương. Trong khi đó, việc mở rộng các tuyến đường nội đô gặp muôn vàn khó khăn. Sở GTVT Hà Nội cũng chỉ đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông lên thành 10,32 – 10,37%.

Thực tế cho thấy, một số tuyến phố như Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh; Vành đai 2 (đường Láng); Vành đai 3 (Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm), Đại lộ Thăng Long sau khi được xén dải phân cách, mở rộng lòng đường đã giảm tải giao thông khá hiệu quả.

Tận dụng quỹ đất dự phòng

Anh Nguyễn Tùng, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy thường xuyên đi qua đường Tôn Thất Thuyết cho biết, việc xén dải phân cách, mở rộng lòng đường Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, tăng không gian lưu thông là rất cần thiết.

Trong nhiều nỗ lực thực hiện đồng bộ, nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, việc tổ chức xén các dải phân cách giữa được coi là giải pháp nhanh chóng nhất để đáp ứng với tình trạng gia tăng chóng mặt của phương tiện. Trên những tuyến đã hoàn thành mở rộng, mặt đường và cảnh quan đô thị đều mang bộ mặt khang trang.

Trong năm 2021, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục thực hiện xén mở rộng lòng đường, nút giao thông, điều chỉnh kích thước đảo giao thông trên 10 tuyến phố để tạo diện tích giao thông, tăng kết nối giữa các tuyến đường. Trong đó có các trục đường: Liễu Giai – Văn Cao, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Tôn Thất Thuyết; cải tạo, chỉnh trang đường Yên Phụ, Thụy Khuê; điều chỉnh kích thước đảo giao thông nút giao Lê Trọng Tấn – Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Quốc Trị – Mạc Thái Tông…

Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến cho rằng việc cắt, xén dải phân cách, vỉa hè chỉ là biện pháp mang tính thời điểm, khó có hiệu quả lâu dài và gây tốn kém. Lý giải vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, thực tế Hà Nội đang tận dụng với các quỹ đất dự phòng phục vụ giao thông chưa sử dụng tới. Khi khảo sát thấy lưu lượng phương tiện trên đường đã quá tải, tạo ra nút thắt tại các nút giao, quỹ đất này sẽ được sử dụng để giải quyết xung đột giao thông.

Do đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng nhấn mạnh, song song với việc xén dải phân cách, xây dựng thêm cầu vượt qua các nút giao, mở rộng diện tích lưu thông, về lâu dài Hà Nội cần đẩy mạnh các nhóm giải pháp đồng bộ, vừa giảm thiểu phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, vừa tích cực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của TP.

Thực tế, dải phân cách trên các tuyến đường Hà Nội đang thực hiện thu hẹp để mở rộng lòng đường là quỹ đất dự phòng phục vụ giao thông. Trước đây, khi chưa sử dụng đến nên thành phố đã cho trồng hoa, cây cỏ để tạo cảnh quan.
Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội)

Vũ Khoa – Báo KTĐT

Theo Kinh tế & Đô thị

Ảnh: Xén dải phân cách, mở rộng lòng đường trên phố Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Hải Linh

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtedothi.vn/xen-dai-phan-cach-giam-ap-luc-giao-thong-do-thi-432954.html