Là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng xây dựng và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM).
1. Đặt vấn đề
Trên toàn cầu, cứ mỗi tuần có khoảng 1 triệu người dân chuyển đến đô thị sinh sống. Dự kiến đến 2050, dân số tại các đô thị trên thế giới sẽ vào khoảng 6,3 tỷ người. Riêng Trung Quốc và Ấn Độ, trong 20 năm nữa sẽ có 800 triệu người đến sinh sống ở các đô thị. Mật độ dân số sinh sống cao như vậy sẽ tiêu thụ hết khoảng 75% năng lượng và thải ra 80% CO2 trên tổng năng lượng và khí CO2 toàn cầu. Trước thực tế đó, thế giới cần có giải pháp tập trung giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng như bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc phát triển ĐTTM là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ.
Đầu tư phát triển ĐTTM sẽ đem lại nhiều lợi ích như tiết kiệm được các khoản chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý. Đơn cử như giảm ùn tắc trong giao thông đường bộ Tại thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, từ đó giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường trong đô thị. Đặc biệt, khi phát triển ĐTTM sẽ mở ra một thị trường mới, cơ hội mới để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội và là chất xúc tác cho khởi nghiệp sáng tạo.
2. Quá trình phát triển ĐTTM ở Bình Dương
Vừa qua, tại thành phố New York (Mỹ), Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 địa phương, khu vực được vinh danh là đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới năm 2020. Việt Nam có một đô thị được vinh danh trong danh sách này, đó là Vùng thông minh Bình Dương. Đáng lưu ý, đây là năm thứ hai tỉnh Bình Dương được lọt vào danh sách Smart 21 (lần đầu vào năm 2019). Với việc liên tiếp có tên trong danh sách này, Bình Dương đã thu hút được sự quan tâm đầu tư của cộng đồng quốc tế. Trong chiến lược xây dựng và phát triển ĐTTM, Bình Dương đã chú trọng đổi mới mô hình phát triển với việc hợp tác, triển khai Đề án xây dựng ĐTTM, chính thức gia nhập vào Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới WTA và Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF)…
“Vùng thông minh Bình Dương” là một thuật ngữ được sử dụng thời gian gần đây, gắn với đề án xây dựng “thành phố thông minh” đã được tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương thông qua. Vùng thông minh Bình Dương lấy nòng cốt là một số địa phương phát triển kinh tế – xã hội mạnh của tỉnh, được quy hoạch bài bản, bao gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An.
Phát triển ĐTTM của Bình Dương được thể hiện qua các chương trình phát triển đột phá của tỉnh, nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa “3 nhà” gồm: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp. Ngoài ra, Bình Dương còn được phối hợp, hỗ trợ của thành phố kết nghĩa là Eindhoven, Hà Lan. Đồng thời, tỉnh Bình Dương cũng mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế và các thành phố phát triển khác của thế giới như Hiệp hội Đô thị khoa học công nghệ thế giới, thành phố Daejeon (Hàn Quốc),…
Giai đoạn hiện nay, Bình Dương lựa chọn thu hút vào các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, mang lại năng suất lao động và giá trị lớn. Với thế mạnh phát triển hạ tầng, quy hoạch bài bản đã giúp Bình Dương trong quá phát triển ĐTTM, tìm kiếm những giải pháp nhằm tăng cường tiện ích tốt hơn để phục vụ cho cuộc sống của người dân, doanh nghiệp cũng như chính quyền có công cụ thông minh hơn trong các quyết sách về kinh tế – xã hội của tỉnh.
3. Lợi ích của ĐTTM mang lại cho người dân và doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương
– Mô hình “3 nhà” áp dụng tại Bình Dương là mô hình thúc đẩy sự hợp tác giữa chính quyền, các doanh nghiệp, các viện, các trường học trong tỉnh và liên kết linh động với các vùng lân cận cũng như các ĐTTM trên thế giới. Trong mối quan hệ hợp tác này, Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung, doanh nghiệp, viện và trường học nhận trách nhiệm theo từng lĩnh vực của mình. Mô hình này tạo đầu vào rộng lớn để cùng kiến tạo nên tầm nhìn dài hạn và thiết lập các chiến lược, chương trình hành động phù hợp, thúc đẩy phát triển ĐTTM tại Bình Dương.
– Phát triển ĐTTM giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, dự báo được các rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn. Từ đó, tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi cũng như tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của đô thị. Phát triển ĐTTM cần gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cách mạng công nghiệp 4.0.
– Phát triển đô thị vẫn là một kênh tăng trưởng quan trọng của Bình Dương nhưng nền kinh tế số phải là đô thị của chính người dân, cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các cấp tạo nên. Vấn đề cốt lõi của quá trình phát triển nền kinh tế số là xây dựng mạng thông tin mở giữa chính quyền và người dân, minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng sống của người dân bằng chính hệ thống công nghệ thông tin hiện đại. Theo đó, doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương có môi trường thuận lợi để chuyển đổi số, từ đó phát triển bền vững, Nhà nước có phương thức quản lý hiệu quả, người dân có môi trường sống và làm việc tốt nhất. Với lợi ích tổng thể, toàn diện như vậy, ĐTTM là cơ hội cho tất cả mọi lực lượng trong xã hội. Ba đối tượng chính được phục vụ trong ĐTTM là chính quyền – doanh nghiệp – người dân. Người dân được hưởng thụ cuộc sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh an toàn trong các hoạt động xã hội,… Đối với doanh nghiệp, ĐTTM đem lại môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đối với chính quyền, ĐTTM sẽ giúp giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo ra niềm tin nơi chính quyền, đảm bảo phát triển đô thị bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. – ĐTTM thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi hoạt động của doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh. Hoạt động của doanh nghiệp trong ĐTTM được nhiều lợi ích, như: Cắt giảm chi phí, cải thiện lợi nhuận, xác định chính xác hơn những rủi ro, phân khúc thị trường và khách hàng tiềm năng nhờ sử dụng (Big Data) hiệu quả; tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh sự đổi mới và sáng tạo.
4. Giải pháp để phát triển đô thị thông minh thành công
Xây dựng ĐTTM phải bắt đầu từ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bao gồm: Hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách và phát triển nền tảng công nghệ. Quá trình này cần có sự tham gia của cộng đồng thực hiện ở tất cả các giai đoạn, trong đó, cần tham vấn ý kiến cộng đồng từ giai đoạn bắt đầu thực hiện quy hoạch. Người dân, cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia tham gia thực chất và sâu hơn trong quá trình lập và triển khai quy hoạch, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo và người dân có thể cùng hợp tác bằng cách đóng góp dữ liệu, áp dụng và đổi mới các giải pháp nhằm tạo ra nhiều dịch vụ, giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế, xã hội.
Để xác định rõ mô hình phát triển ĐTTM, cần tập trung triển khai 3 yếu tố: công nghệ, con người, quản trị. Cụ thể:
Đối với yếu tố công nghệ: Hình thành nguồn dữ liệu thông minh, hệ thống kiểm soát, an toàn thông tin, tạo lập tính sẵn sàng và có thể truy cập của hệ thống.
Đối với yếu tố con người: Cần có giải pháp cụ thể cho việc hình thành một cộng đồng cư dân thông minh, có kiến thức và kỹ năng số, có thể dễ dàng truy cập và sử dụng tiện ích của hệ thống. Củng cố lòng tin vào hệ thống và niềm tin của cộng đồng vào độ tin cậy của dịch vụ chia sẻ. Trên cơ sở thiết lập cơ chế, giải pháp số cho việc chia sẻ truy cập, sở hữu trí tuệ nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội.
Đối với yếu tố quản trị: Xây dựng một chính quyền thông minh điều phối nhiều thành phần cấu thành khác nhau của ĐTTM một cách minh bạch, kết nối và hợp tác linh hoạt. Xây dựng khung pháp lý và giải pháp giám sát đảm bảo an ninh thông tin và sự riêng tư cho các cá nhân và tổ chức trong xã hội.
Việc phát triển ĐTTM ở Bình Dương thành vùng Thông minh Bình Dương bao gồm thành phố Thù Dầu Một, thành phố Dĩ An và thành phố Thuận An đồng thời liên kết và hợp tác với các đô thị khác, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa – Đồng Nai và thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hình thành mô hình hợp tác linh hoạt nhằm huy động tối đa và hiệu quả các nguồn lực của xã hội. Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều trường đại học lớn đầu ngành, đào tạo lực lượng khoa học công nghệ cho cả nước, nếu có giải pháp phù hợp, đây sẽ là thế hệ cư dân thông minh tương lai không chỉ của đô thị đó mà còn cho việc phát triển các ĐTTM khác, cho toàn bộ nền kinh tế – xã hội.
Thực tế cho thấy, các đô thị lớn ở Việt Nam đã và đang có kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị thông minh đều thực hiện mô hình Nhà nước – Doanh nghiệp – Người dân trong đô thị ở mức độ khác nhau và kết hợp gắn phát triển kinh tế với xây dựng ĐTTM đồng bộ, hiện đại.
5. Kết luận
Phát triển ĐTTM ở Bình Dương được thể hiện trong liên kết “3 nhà” gồm: Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp với Vùng thông minh Bình Dương trong công tác quy hoạch xây dựng, luôn quan tâm đến vấn đề phát triển đô thị bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hài hòa giữa kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Đây là mô hình cần được tham khảo, nghiên cứu nhằm làm cơ sở để các tỉnh, thành khác trong nước tham khảo khi xây dựng và phát triển ĐTTM.
Mặc dù nhận thức của toàn xã hội về phát triển ĐTTM đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề còn rất mới, trong đó, công nghệ mới được ứng dụng trên tất cả các lịch vực của nền kinh tế, xã hội và không dễ tiếp cận. Do đó, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện thí điểm và áp dụng trong thực tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. M. P. Brown and K. Austin. (2005). The New Physique. Retrieved from: https://scholar.google.com/scholar_lookup?hl=en&publication_year=2005&pages=25-30&author=M.+P.+Brownauthor=K.+Austin&title=The+New+Physique.
2. B. R. Jackson and T. Pitman, U.S. Patent No. 6,345,224 (8 July 2004);
3. Trần Văn Thiện, Phạm Kiên (2020). Sự quyết định của công nghệ cao đối với việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại 3 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Cần Thơ. Tạp chí Công Thương, Số 29+30 tháng 12/2020.
4. Các thông tin về xây dựng đô thị thông minh và các hội thảo và trên Internet.
THE SMART CITY DEVELOPMENT OF BINH DUONG PROVINCE
PhD. TRAN VAN THIEN 1
Master. PHAM KIEN 1
1 Van Lang University
ABSTRACT:
As a leading locality in attracting foreign investment in the Southern Key Economic Region, Vietnam, Binh Duong Province has grasped the trend of building and developing smart cities. The province aims to radically and comprehensively renovate provincial government operations to become a digital government with high-tech enterprises towards a digital economy and society. This paper studies the smart city development of Binh Duong Province and proposes some solutions to help the province better develop its smart cities.
Keywords: high technology, enterprise, urban governance model, smart city, Binh Duong Province.
Theo Tạp chí Công Thương
Ảnh: Nguồn VnExpress