Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, với diện tích khoảng 5,5 triệu km. Tuy nhiên, diện tích rừng Amazon đang ngày càng bị thu hẹp đáng kể, dần trở thành nỗi lo lớn về môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Rừng Amazon có vai trò rất to lớn và quan trọng đối với môi trường và khí hậu của Trái Đất. Đây chính là “nhà máy” cung cấp khí oxy cho sự sống, là khu dự trữ sinh quyển thế giới bảo tồn các loại động, thực vật quý hiếm.
Theo báo cáo của Dự án giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP), trong năm 2020, Amazon đã mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh (tăng 17% so năm 2019), trong đó riêng Brazil mất tới 1,5 triệu ha. Con số này chưa có dấu hiệu giảm.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Amazon mất khoảng 233.700 ha. Dựa trên số liệu từ Cơ quan Không gian quốc gia Brazil (INPE), chỉ tính riêng trong tháng 5 vừa qua, diện tích rừng Amazon đã mất tới 118 nghìn ha, tăng 41% so cùng kỳ năm 2020.
Khu rừng khổng lồ từng là “bể hút” CO2 của thế giới, nay đang góp phần làm tăng tốc quá trình phát thải gây khủng hoảng khí hậu, theo các nhà nghiên cứu Viện không gian quốc gia Brazil.
Trong nghiên cứu mới hồi tháng 7 vừa qua, các nhà khoa học sử dụng máy bay đo mức CO2 trên độ cao 4.500 m so với rừng. Lượng khí thải từ rừng rậm Amazon đo được hiện lên tới 1 tỉ tấn CO2 mỗi năm. Phần lớn lượng khí thải này đến từ các đám cháy rừng (1,5 tỉ tấn), bao gồm những đám cháy do người dân đốt để lấy đất sản xuất thịt bò và đậu nành. Rừng phát triển chỉ giúp giảm đi 0,5 tỉ tấn khí thải.
Nhưng dù không có các đám cháy này, nhiệt độ cao và hạn hán cũng đã khiến khu vực phía Đông Nam Amazon trở thành “nguồn phát” CO2, thay vì bể hấp thụ, theo các nhà khoa học. Đây là cảnh báo cho thấy sự cấp thiết của việc cắt giảm khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, nghiên cứu nhấn mạnh.
Một vài nghiên cứu trước đó chỉ sử dụng dữ liệu vệ tinh cũng đã cho thấy Amazon có thể đang trở thành “nguồn” CO2, khi thải vào khí quyển lượng CO2 nhiều hơn 20% so với lượng hấp thụ.
Theo nghiên cứu, việc Amazon thải carbon nhiều hơn hấp thụ có thể phần lớn do tình trạng phá rừng và cháy rừng, khiến các mảng rừng liền kề với khu vực bị phá hủy ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn sau mỗi năm.
Cây cối là yếu tố tạo mưa lớn ở khu vực này, vì vậy ít cây hơn đồng nghĩa với ít mưa hơn, dẫn đến hạn hán nghiêm trọng, sóng nhiệt, khiến nhiều cây chết và gây ra nhiều đám cháy rừng hơn.
Hiện nay, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và các vụ cháy rừng tại khu vực Amazon chính là vấn đề phức tạp của quốc gia Nam Mỹ. Chính phủ Brazil những năm gần đây đẩy mạnh phát triển ngành khai khoáng và nông nghiệp tại các khu vực rừng rậm, đồng thời cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của rừng Amazon.
Cháy rừng cũng là nguyên nhân chính khiến Bolivia và Peru lần lượt mất đi 240 nghìn và 190 nghìn ha rừng nguyên sinh trong năm 2020, đều là mức kỉ lục tại các quốc gia này.
Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cảnh báo về mối liên hệ giữa tình trạng cháy rừng và nạn phá rừng tại Amazon với vấn đề biến đổi khí hậu, nhấn mạnh nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu đến từ việc đốt rừng và các thảm thực vật bản địa khác.
Rừng Amazon không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới mà còn là khu dự trữ sinh quyển đặc biệt quan trọng. Do đó, việc gìn giữ hệ sinh thái nơi đây cũng chính là bảo vệ sự tồn tại và phát triển của nhân loại.
Nguyễn Luận (T/h) – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Diện tích rừng Amazon đang ngày càng bị thu hẹp đáng kể. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây: