VCCI đã trả lời Bộ Tài chính về đề nghị góp ý dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trả lời Bộ Tài chính về đề nghị góp ý dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng tình với quan điểm, cần thiết phải xây dựng Thông tư này, VCCI cho rằng, đây cũng là một trong những biện pháp cấp bách nhằm giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc tại các cảng biển.
Tuy nhiên về lâu dài, sau thời gian giãn cách, VCCI cho hay, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp các cảng biển bị ùn tắc để có tính áp dụng chung trong mọi thời điểm, cho các trường hợp tương tự xảy ra.
Theo ý kiến của đại diện Ban Pháp chế (VCCI), dự thảo có nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể.
Vì vậy, cần phải được thiết kế cụ thể, rõ ràng, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng và thuận lợi khi triển khai trên thực tế.
Một số quy định tại dự thảo chưa đáp ứng được nguyên tắc này, cụ thể như: cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển; quy định về sức chứa của cảng biển, hay việc xác nhận của cảng vụ hàng hải, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, hoặc trách nhiệm của chủ hàng….
Theo dự thảo, sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển là một trong những cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển. Quy định này là chưa đủ rõ để xác định tình trạng hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định này theo hướng, sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển, gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận hàng, giải phóng hàng từ cảng hoặc hoạt động khai thác cảng.
Riêng về quy định, phải có sự xác nhận của cảng vụ hàng hải về sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển theo như dự thảo, nhưng lại không có quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp có được sự xác nhận này.
Ngoài ra, việc điều chuyển hàng hóa để giảm tải ùn tắc là hoạt động cần phải thực hiện nhanh. Vì vậy, các thủ tục trong dự thảo cần được thiết kế tinh gọn, thuận lợi để đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động này.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế theo hướng: hoặc cho phép doanh nghiệp kinh doanh cảng biển tự chịu trách nhiệm trong việc xác định sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển.
Đồng thời, thông báo tới cảng vụ hàng hải mà không cần phải có sự xác nhận của đơn vị này, Hoặc, thiết kế thủ tục tương tự như thủ tục phê duyệt kế hoạch vận chuyển hàng hóa của cơ quan hải quan quy định.
Liên quan tới nội dung vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, dự thảo quy định doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi chỉ được thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, khi có sự chấp thuận của hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng và kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phê duyệt.
Hãng tàu, đại lý hãng tàu có trách nhiệm tiếp nhận danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi do doanh nghiệp cảng biển gửi đến và phải phản hồi cho doanh nghiệp kinh doanh cảng biển trong thời hạn không quá 2 giờ kể từ khi nhận được danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi…
Những quy định này chưa rõ ở các điểm như: chi phí vận chuyển hàng hóa nhập khẩu do bên nào chi trả. Hai bên là doanh nghiệp cảng biển và hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng có được thỏa thuận về vấn đề này trong quá trình để đạt được sự chấp thuận của hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng hay không.
Đây là những nội dung cần được làm rõ, chi tiết và cụ thể hơn nữa để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Việc quyết toán tình hình thực hiện vận chuyển hàng hóa theo quy định trong dự thảo cũng không rõ ràng.
Dự thảo quy định doanh nghiệp cảng biển trong thời hạn 5 ngày làm việc sau thời gian thực hiện Thông tư này, báo cáo quyết toán tình hình thực hiện việc vận chuyển hàng hóa.
Như vậy, thời điểm nào là phải thực hiện báo cáo quyết toán tình hình. Bởi, sau thời gian thực hiện Thông tư này là không biết thời gian nào. Hay, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo cho Chi cục hải quan nào (nơi hàng đi hay nơi hàng đến). Cơ quan soạn soạn thảo nên tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho cụ thể hơn.
Ngoài những vấn đề nêu trên, dự thảo cũng đề cập tới việc chủ hàng sẽ là một trong các chủ thể chấp thuận việc thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu. Các chủ thể có liên quan đến vận chuyển hàng như doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, hãng tàu, đại lý hãng tàu, chi cục hải quan đều được quy định về trách nhiệm.
Trong khi đó chủ hàng thì ngoài quy định trên không có quy định nào liên quan đến chủ thể này. Mẫu thông báo kế hoạch vận chuyển và một số giấy tờ thủ tục khác cũng chưa được xây dựng, thiết kế phù hợp với tinh thần đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Xuất phát từ những nội dung trên, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính có sự nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh kịp thời để dự thảo sớm được hoàn thiện và nhanh chóng ban hành.
Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Theo Bnews
Ảnh: Quang cảnh cảng Cát Lái luôn đầy ắp hàng hóa. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây:
https://bnews.vn/giai-quyet-un-tac-tai-cac-cang-bien-khi-thuc-hien-gian-cach-xa-hoi/207461.html