Thực tế, vấn đề thiếu vốn và thiếu thị trường tiêu thụ đang là những rào cản lớn khiến người dân chưa quyết tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, củ, quả sạch
Thời gian qua, thị xã Sơn Tây tích cực đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Nhờ đó, sản phẩm nông sản vừa đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, vừa nâng cao thu nhập cũng như mở ra hướng đi mới cho người nông dân
Xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) có sản phẩm đặc trưng là mật ong với sản lượng đạt 35.000 lít mật/năm. Ông Nguyễn Văn Nam ở thôn Nghĩa Sơn (xã Kim Sơn) cho biết, gia đình nuôi hơn 500 đàn ong, thu được 4.000-5.000 lít mật/năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nam, cách khai thác mật bằng máy ly tâm chưa loại bỏ được hết cặn, chất lơ lửng có trong mật ong. Để tạo ra chất lượng mật tốt nhất, đầu năm 2021, ông đầu tư gần 200 triệu đồng mua hệ thống máy tinh chế mật ong. Nhờ đó, mật ong thô sau xử lý chất lượng nâng cao, không bị đóng đường, không lên men chua… Cũng theo ông Nguyễn Văn Nam, hệ thống máy tinh chế lọc được hơn 100 lít mật ong trong 2 giờ. Để đạt tối đa hiệu quả sử dụng máy, ông hỗ trợ các gia đình có nhu cầu tinh chế mật ong nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong Kim Sơn – Sơn Tây.
Mô hình chăn nuôi gà Mía ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) đã có từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, hiệu quả kinh tế thấp do phụ thuộc nhu cầu thị trường, hoặc bị thương lái ép giá. Để phát triển chăn nuôi ổn định, hiệu quả, Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) thành lập Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây; hướng dẫn đơn vị triển khai hoạt động xây dựng, tổ chức, vận hành hiệu quả chuỗi chăn nuôi – tiêu thụ và phát triển thương hiệu “Gà Mía Sơn Tâỵ”, cung cấp cho thị trường sản phẩm gà an toàn, chất lượng cao, rõ nguồn gốc xuất xứ… Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng gà Mía và giảm chi phí cho người chăn nuôi, từ tháng 7-2021, Phòng Kinh tế triển khai hỗ trợ Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây thử nghiệm mô hình thụ tinh nhân tạo gà Mía. Mô hình thành công sẽ giúp nông dân giảm chi phí cho các khoản đầu tư chăn nuôi gà trống giống, thức ăn, thuốc phòng dịch và tăng tỷ lệ phôi, tỷ lệ nở của trứng gà.
Còn tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), nông dân đang tập trung cải tạo vườn tạp, loại bỏ những cây trồng cho năng suất, hiệu quả kinh tế thấp như chuối, keo, bạch đàn… sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, dần hình thành vùng sản xuất tập trung. Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Đông Phùng Văn Quang chia sẻ: Toàn xã hiện có hơn 5ha trồng cây ăn quả, chủ lực là mít truyền thống, mít Thái siêu sớm, ổi, bưởi…và dự kiến sẽ phát triển lên 12ha. Thời gian qua nông dân các thôn: Tân phú, Đại Sơn… đã cải tạo được thêm khoảng 12.000m2 vườn tạp để trồng các loại cây chủ lực. Hội cũng hỗ trợ hội viên 40% kinh phí mua giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cải tạo chăm sóc cây… Ông Nguyễn Vũ Hải ở xã Sơn Đông cho biết, sau khi cải tạo vườn, gia đình ông trồng các loại cây mít, ổi, cau, dừa và tận dụng đất dưới tán cây cao để trồng cây ngắn ngày; đồng thời, chuẩn bí lắp đặt hệ thống giàn phun nước tự động để giảm bớt công lao động và đạt hiệu quả kinh tế cao…
Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh, phòng đang tiếp tục tham mưu thị xã về phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tập trung sản xuất theo vùng, ứng dụng công nghệ cao… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nông sản và thu nhập cho nông dân
Gỡ khó trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Xã Phúc Lâm có diện tích đất màu 50ha và là một trong 3 xã của huyện Mỹ Đức được quy hoạch vùng rau an toàn với diện tích 32ha. Thời gian qua, một số người dân trong xã đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ – hệ thống nhà màng, nhà lưới vào sản xuất rau, củ, quả sạch, nhờ đó đã tăng hiệu suất sử dụng đất và năng suất cây trồng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện việc triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất ở Phúc Lâm vẫn chưa được nhân rộng do còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ…
Năm 2019, gia đình chị Cao Thị Linh ở thôn Chân Chim (xã Phúc Lâm) tiên phong đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới với diện tích 3 sào, tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. “Khi thấy gia đình tôi làm nhà lưới hiệu quả, nhiều người dân trong xã cũng mong muốn học tập kinh nghiệm nhưng sau khi biết chi phí cho l.000m2 hết khoảng 200 triệu, người dân lắc đầu vì không đủ tiềm lực…”, chị Cao Thị Linh cho biết.
Tương tự, năm 2020, anh Dương Mạnh Toàn ở thôn Phúc Lâm Hạ (xã Phúc Lâm) cũng mạnh dạn đầu tư khoảng 360 triệu đồng để làm nhà lưới, nhà màng với diện tích 2.000m2, chuyên trồng cà chua, các loại dưa và trồng hoa bán vụ Tết. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với thâm canh ngoài trời, doanh thu 25-30 triệu đồng/sào/năm. Song, khó khăn của hộ anh Toàn là thiếu vốn, thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng chính là lý do mà anh Toàn dè chừng, không đầu tư lớn…
Thực tế, vấn đề thiếu vốn và thiếu thị trường tiêu thụ đang là những rào cản lớn khiến người dân chưa quyết tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, củ, quả sạch. Chính vì vậy, số hộ làm nhà lưới, nhà màng ở Phúc Lâm còn ít. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) Phạm Quý Ba cho biết, mặc dù, Hội Nông dân đã tạo điều kiện tối đa để hội viên nông dân được tiếp cập tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong canh tác rau an toàn; chủ động phối hợp với các đơn vị giúp người dân tiếp cận ngụôn vốn ưu đãi của Chính phủ và hiện số dư nợ do Hội Nông dân xã đang quản lý là hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn đó chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuẩt của hội viên nông dân xã Phúc Lâm. Bên cạnh do, các mặt hàng rau, củ, qủa khác sản xuất trong nhà lưới, nhà màng bán ra không thể cạnh tranh với rau củ quả sản xuất đại trà khiến nhiều hộ nông dân chưa yên tâm đầu tư lớn.
Để khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao làm nhà lưới, nhà màng, phát triển trồng rau, củ, quả sạch theo hướng bền vững, nông dân xã Phúc Lâm mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng về chính sách hỗ trợ, chính sách kích cầu, đẩy mạnh thực hiện “bốn nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) giúp tiêu thụ nông sản ổn định… Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn có những đơn vị đủ năng lực, uy tín để giám sát quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn và thay mặt bà con nông dân kết nối, giao dịch với các nhà phân phối sản phẩm.
Tổ chức 5 đợt tổng vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường tại Hoài Đức
UBND huyện Hoài Đức cho biết, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện đã tổ chức 5 đợt tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường, sử dụng 4.350 lít thuốc sát trùng; tập trung thực hiện các biện pháp khoanh vùng, bao vây, khống chế ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, không để dịch bệnh phát sinh.
Vệ sinh, tiêu độc là biện pháp tiêu diệt mầm bệnh. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Cụ thể, các xã: Dương Liễu, Cát Quế tổ chức tiêu hủy 3 đàn gà, tổng số 6.842 con mắc cúm gia cầm A/H5N6 và tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho 100% số gia cầm trên địa bàn. Các xã: Yên Sở, Sơn Đồng tổ chức tiêu hủy 18 con lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi, đến nay đã qua 21 ngày chưa phát sinh thêm lợn mắc bệnh mới. Ngoài ra, các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức đợt diệt chuột để bảo vệ sản xuất nông nghiệp với tổng số chuột bị diệt là 79.595 con.
Thanh Trì có hơn 300ha trồng lúa chất lượng cao
Thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao huyện Thanh Trì, giai đoạn 2017-2021”, đến nay, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất được hơn 300ha tại các vùng sản xuất tập trung, trong đó có 43,4ha tại 3 xã: Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Tả Thanh Oai thực hiện bằng máy cấy. Qua kết quả thu hoạch cho thấy lúa phát triển tốt, năng suất đạt hơn 62 tạ/ha.
Để phát triển vùng lúa tập trung chất lượng cao trên địa bàn, thời gian huyện tiếp tục xây dựng nâng cấp hệ thông giao thông, kênh mương nội đồng phục vụ vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, bảo đảm yêu cầu tưới, tiêu. Huyện cũng xây dựng và triển khai các mô hình khuyến nông phục vụ phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng đồng bộ từ ứng dụng khoa học công nghệ đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao…
Lúa chất lượng cao đã được nhiều địa phương đưa vào sản xuất cho thu nhập cao. Ảnh: Yến Ngọc |
Chương Mỹ phòng thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới
Nằm trong vùng trũng thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, Hồng Phong là một trong 10 xã trọng điểm thiên tai của huyện Chương Mỹ. Trước đây, vào mùa mưa lũ, người dân Hồng Phong và 9 xã nằm trong lưu vực sông Bùi luôn nơm nớp nỗi lo ngập lụt khu dân cư, thiệt hại sản xuất nông nghiệp dẫn đến đói nghèo…
“Bây giờ, địa bàn xã Hồng Phong đã an toàn hơn trước đây rồi. Nhiều tuyến kênh mương, trạm bơm trên địa bàn đã được sửa chữa, nâng cấp, góp phần hạn chế diện tích úng ngập, nguy cơ mất trắng hoa màu. Nhà văn hóa, trường học… của xã được xây dựng kiên cố, có thể làm nơi sơ tán dân tại chỗ nếu xảy ra tình hướng lũ lụt, ngập sâu diện rộng…” ông Nguyễn Văn Quân, người dân xã Hồng Phong vui mừng nói…
Tương tự, các xã nằm trong lưu vực sông Bùi, như: Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Trần Phú, Đồng Phú, Tân Tiến… có diện mạo khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đủ đầy và cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai được kiên cố, bền vững…
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học, đến nay, 30/30 xã của huyện đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chương Mỹ đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Giờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế của huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,64%…
Mục tiêu của Chương Mỹ đến năm 2025 có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đạt 85-95 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%…
Để bảo vệ thành quả và hoàn thành các mục tiêu, lãnh đạo các xã: Hồng Phong, Mỹ Lương, Hoàng Diệu, Hòa Chính, Đông Sơn, Đồng Lạc… đề nghị các cấp, các ngành của thành phố đầu tư kinh phí xây dựng công trình chống sạt lở đê, bờ sông hữu Bùi, hữu Đáy, cải tạo đê bồi tả Tích, cứng hóa kênh điều hướng lũ rừng ngang… Các xã: Tân Tiến, Trường Yên, Quảng Bị, Văn Võ, Hoàng Diệu, Phú Nam An, Thụy Hương, thị trấn Xuân Mai… đề nghị cải tạo, nâng cấp trạm bơm tưới, tiêu và hệ thông công trình trên kênh…
Về vấn đề trên, theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa, huyện đã kiểm tra thực tế và báo cáo đề xuất UBND thành phố hỗ trợ địa phương khoảng 446 tỷ đồng đầu tư 15 dự án trọng điểm xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân (giai đoạn 2021-2025). Ngoài tăng cường huy động nguồn lực xây dựng công trình phòng, chống thiên tai gắn với phục vụ sản xuât nông nghiệp, Chương Mỹ hướng dẫn các địa phương xây dựng, thực hiện mô hình nông thôn mới ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Thiết kế, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học ở vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu nhất định phải kiên cố, chắc chắn hơn.
“Nếu được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng mới các công trình trường học, chúng tôi đề xuất các cơ quan chuyên môn thiết kế công trình có công năng “kép”: Vừa là nơi để dạy học, vừa là nơi tránh trú bão lũ an toàn cho người dân trong vùng…”, ông Nguyễn Đình Hoa nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội