UBND TP HCM chỉ đạo Sở Công Thương và các quận, huyện, TP Thủ Đức nhanh chóng rà soát, khôi phục các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống hoặc hình thành các điểm bán nhỏ trong điều kiện an toàn là hết sức cần thiết.
Sáng 9-8, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng có văn bản khẩn gửi Sở Công Thương TP, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các hệ thống siêu thị về việc tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực, thục phẩm thiết yếu trên địa bàn.
Tại văn bản này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương phối hợp với địa phương nghiên cứu những giải pháp phù hợp để tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, bổ sung bán mặt hàng thực phẩm tươi sống cho các cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi và cập nhật hoạt động bán hàng trực tuyến…
Phó Chủ tịch UBND TP HCM giao UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương tổ chức cho chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện bảo đảm an toàn theo chỉ đạo của UBND TP HCM và các văn bản hướng dẫn của Sở Công Thương. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh việc triển khai thực hiện “Phiếu mua hàng” một cách hiệu quả, phù hợp với năng lực cung ứng hàng hóa của hệ thống phân phối nhằm bảo đảm kịp thời cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đầy đủ cho người dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng khi người dân đến mua sắm.
UBND phường, xã, thị trấn tổ chức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân cần ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất để người dân mua sắm; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ hệ thống phân phối duy trì hoạt động cung ứng hàng hóa liên tục, đầy đủ (nghiên cứu triển khai các giải pháp vận chuyển phù hợp để tạo thuận tiện; hỗ trợ hệ thống phân phối bổ sung hàng hóa để cung cấp kịp thời cho người dân trên địa bàn).
UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện cũng như cơ chế phối hợp giữa UBND phường, xã với các điểm bán khi thực hiện phân chia khung thời gian, số lượng người đến các điểm bán trên địa bàn nhằm kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ, bảo đảm khống chế lượng khách ra – vào điểm bán phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, thiếu hàng hóa cục bộ gây bức xúc cho người dân.
Với các hệ thống phân phối, UBND TP HCM yêu cầu tiếp tục gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng; cung cấp thông tin về mặt hàng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận… Trên cơ sở đó, phối hợp cùng địa phương thông tin đến người trong khu vực hoặc địa bàn phụ trách để đăng ký nhu cầu mua hàng, chuẩn bị đơn hàng, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng, hạn chế việc tập trung đông người, không đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.
Theo UBND TP HCM, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện TP vẫn còn tới 3/3 chợ đầu mối, 201/234 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động. Việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân tập trung vào các hệ thống phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực và tạo thêm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bên cạnh đó, các giải pháp giảm mật độ lưu thông trên đường trong thời gian thực hiện hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 đến 6 giờ đã ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân. |
Thanh Nhân – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Một điểm bán hàng lưu động tại quận 11 do tiểu thương chợ Bình Thới thực hiện
Xem bài viết gốc tại đây: