Hà Nam: Ô nhiễm môi trường tại mỏ và bãi chế biến đá của Công ty Trung Kiên

Trong quá trình hoạt động nổ mìn, khai thác và sản xuất đá làm vật liệu xây dựng, mỏ đá và bãi chế biến của Công ty TNHH Trung Kiên tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng đã phát tán bụi, tiếng ồn. Trước đó, người dân địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu di chuyển một cơ sở sản xuất bột đá của Công ty này ra khỏi địa bàn vì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Khai thác khoáng sản, sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Những chiếc xe tải phá nát đường giao thông, bụi mù mịt từ quá trình nổ mìn, khai thác, chế biến đá phát tán ra môi trường… là những hoạt động đang diễn ra tại mỏ khai thác và bãi chế biến của Công ty TNHH Trung Kiên thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Theo tìm hiểu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Trung Kiên được UBND tỉnh Hà Nam cấp giấy phép khai thác khoáng sản VLXD thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ núi Cuối Hồ Trứng, xã Thanh Sơn tại giấy phép số 47/GP-UBND ngày 12/8/2013.

Tại mục 4, điều 2 giấy phép nêu rõ, Công ty TNHH Trung Kiên phải thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Dự án cải tạo phục hồi môi trường của dự án đầu tư khai thác mỏ đá vôi làm VLXD thông thường tại mỏ núi Cuối Hồ Trứng, xã Thanh Sơn và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định.

Mỏ đá tại địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

Mỏ đá của Công ty TNHH Trung Kiên.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, ngay gần phía chân núi của mỏ đá là một bãi chứa, hệ thống xay nghiền đá làm việc liên tục, bụi bay mù trời nhưng không có bất kỳ một biện pháp nào dập bụi khiến bụi phát tán ra môi trường, bao trùm quanh khu vực. Cả một khu vực rộng lớn quanh mỏ đá, bãi chế biến bị bụi đá bao phủ trắng xoá làm cho cảnh quan, cây cối nơi đây trở nên tiêu điều, thiếu sức sống.

Quá trình sản xuất đá tại Công ty TNHH Trung Kiên.

Cả một khu vực rộng lớn bị bao trùm bởi bụi.

Từ thôn Hồng Sơn nhìn lên phía mỏ đá nơi Công ty TNHH Trung Kiên khai thác và chế biến khoáng sản có thể thấy rõ những ngọn đồi đã bị phá hủy hệ thống cây xanh, thực bì… Thay vào đó là màu vàng, trắng, xám xịt, bụi mù mịt của những quả núi bị khai thác nham nhở. Những ngọn núi ngày nào giờ đây trở thành một đại công trường, ngày đêm đua nhau phá núi khai thác tài nguyên. Sự khai thác này dẫn đến những hệ luỵ nghiêm trọng về môi trường, hệ sinh thái, phá vỡ cảnh quan. Điều này khiến người dân địa phương bức xúc, xót xa.

Bụi mù mịt tại bãi chế biến đá Công ty TNHH Trung Kiên

Tại các dây chuyền nghiền đá không có các biện pháp dập bụi, giảm thiểu bụi.

Theo quy định, một trong những điều kiện, thủ tục bắt buộc để các doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép hoạt động khai thác đá là lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải có biện pháp xử lý ô nhiễm khói bụi. Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động khai thác đá, thực tế doanh nghiệp có thực hiện như đã cam kết hay không lại là chuyện khác.

Từ ghi nhận thực thế trong thời gian qua, lượng bụi đá mà hằng ngày mỏ đá của Công ty TNHH Trung Kiên xả ra môi trường xung quanh và việc tại mỏ, bãi chế biến không thấy lắp đặt hệ thống tưới nước giảm bụi khiến trong quá trình sản xuất và mỗi lần xe vận tải qua lại quấn theo bụi trắng của đá bay mù mịt khắp nơi đủ để cho thấy tại Công ty này đang có dấu hiệu vi phạm các quy định bảo vệ môi trường.

Bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường.

Công ty TNHH Trung Kiên có dấu hiệu thực hiện không đúng đề án BVMT.

Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, xử lý việc hoạt động gây ô nhiễm môi trường, bụi bặm… tại Công ty Trung Kiên. Tránh tình trạng vì lợi ích doanh nghiệp mà quên đi trách nhiệm của mình với môi trường.

Né tránh cung cấp thông tin?

Ngày 13/7, Báo Tài nguyên và Môi trường có bài viết Hà Nam: Công ty Trung Kiên và Công ty Hồng Hà nghiền đá, bột đá gây ô nhiễm môi trường” phản ánh việc người dân xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã nhiều năm kiến nghị, yêu cầu di chuyển Công ty Trung Kiên và Công ty Hồng Hà ra khỏi địa bàn vì trong quá trình hoạt động, sản xuất, nghiền bột đá, 2 Công ty này không có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thường xuyên gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Bên cạnh đó, việc tập kết đá lấn chiếm hành lang giao thông QL21B còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện lưu thông qua đây.

Trước đó người dân nhiều lần kiến nghị di chuyển một cơ sở nghiền bột đá của Công ty TNHH Trung Kiên ra khỏi địa bàn vì ô nhiễm.

Tập kết đá lấn chiếm hành lang ATGT.

Ông Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cũng cho biết, từ trước tới giờ tại các buổi tiếp xúc cử tri người dân cũng liên tục ý kiến về 2 Công ty này. Chính quyền tỉnh, huyện xét đề nghị của công dân cũng đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra, xã cũng có phối hợp cùng đoàn.

Ngày 2/8/2021, làm việc với ông Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn được biết, sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bảng đã chủ trì phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng và UBND xã Thanh Sơn tới kiểm tra tại 2 cơ sở nói trên. Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác đã chỉ ra những sai phạm, tồn tại, hạn chế tại 2 Công ty này, tuy nhiên địa phương từ chối cung cấp biên bản làm việc, chỉ cho đọc qua và yêu cầu phóng viên liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bảng để được cung cấp.

Người dân cũng kiến nghị di chuyển cơ sở sản xuất của Công ty Hồng Hà ra khỏi địa bàn.

Liên hệ với ông Trần Đình Cơ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kim Bảng với mong muốn được tiếp cận những hồ sơ, biên bản làm việc để có thông tin rõ ràng, minh bạch thông tin tới bạn đọc. Tuy nhiên, ông Cơ từ chối cung cấp và cho biết sẽ làm báo cáo gửi UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông.

“Chúng tôi không cung cấp biên bản cho anh (PV) được, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông. Cơ quan nhà nước không cung cấp biên bản làm việc cho báo chí được. Quan điểm làm việc là rõ như vậy, việc phản ánh của báo chí cơ quan nhà nước sẽ đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Cảm ơn cơ quan báo chí đã phản ánh”, ông Cơ nói.

Việt Linh – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/ha-nam-o-nhiem-moi-truong-tai-mo-va-bai-che-bien-da-cua-cong-ty-trung-kien-328606.html