Tổng diện tích đất tự nhiên của quận Hoàng Mai hiện có hơn 4.100ha, trong đó xấp xỉ 1.000ha thuộc vùng bãi sông Hồng chưa có quy hoạch được duyệt.
Riêng phường Lĩnh Nam có 350ha, chiếm hơn 1/3 diện tích toàn phường với hơn 11.000 người dân sinh sống khu vực ngoài đê. Chưa có quy hoạch là nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường, đê điều… tại địa phương.
Nhiều vi phạm đất đai do chậm quy hoạch
Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Nguyễn Đình Công chia sẻ, với diện tích rộng, địa hình bằng phẳng, gần trung tâm TP, nhiều tiềm năng để phát triển nhưng do chưa có quy hoạch nên chính quyền địa phương chưa có căn cứ để giao đất, cấp phép xây dựng.
Trong khi đó, nhu cầu về mặt bằng, kho bãi, nhà xưởng để phục vụ phát triển rất lớn. Chính vì thế, tiềm ẩn phát sinh vi phạm, một số tổ chức, cá nhân bằng nhiều cách thức, thủ đoạn đã lén lút, cố tình làm thay đổi mục đích sử dụng đất như làm kho bãi, điểm đỗ xe… trên đất nông nghiệp.
Những vi phạm mới đây đã được chính quyền quận, phường quyết tâm chặn đứng. Tuy nhiên, các vi phạm giai đoạn trước khá phổ biến, việc khắc phục hậu quả đến nay còn khiêm tốn mặc dù đã qua nhiều lần thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành, chỉ đạo giải quyết của UBND TP.
“Để không tiếp tục phát sinh vi phạm tại khu vực này, hàng ngày, cán bộ đô thị phường phải tuần tra, thậm chí phải thâm nhập, cài người vào các khu vực mới có thể nắm bắt thông tin phục vụ đấu tranh ngăn chặn vi phạm một cách chủ động” – ông Nguyễn Đình Công cho hay.
Trên thực tế, không chỉ ở phường Lĩnh Nam, tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông Hồng trở thành vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay tại một số phường ven sông thuộc các quận, huyện như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm… Hình thức vi phạm càng trở nên tinh vi khi thời gian gần đây có thông tin TP triển khai đồ án quy hoạch khu đô thị hai bên sông Hồng.
Quản lý chặt chẽ quỹ đất hiện có
Bản quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 đã được lập và sắp tới đây TP sẽ phê duyệt sau khi có sự thống nhất của các bộ chức năng liên quan. Hơn ai hết, những người dân đang sống ở khu vực bãi sông tại nhiều quận, huyện, trong đó có Nhân dân và cán bộ phường Lĩnh Nam đang mong từng ngày bản quy hoạch được phê duyệt, công bố công khai để dân biết, dân bàn, giám sát và thụ hưởng.
Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Nguyễn Đình Công cho rằng, đối với khu vực đất bãi, TP cần nhanh chóng có quy hoạch chi tiết với các chỉ tiêu cụ thể hơn. Qua đó làm căn cứ để các địa phương đấu giá quyền sử dụng đất, mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp vào những dự án hướng đến lợi ích cộng đồng vì sự phát triển bền vững của địa phương cũng như của TP thay vì để tạm tính. Việc sử dụng đất tạm, tính tiền sử dụng đất tạm, cấp phép xây dựng tạm… như hiện nay đã gây ra hệ lụy nhất định. TP dành nguồn lực đầu tư công xây dựng trường học, các cơ sở văn hóa, tạo không gian sinh hoạt, trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị hài hòa, TP hướng mặt ra sông chắc chắn sẽ hấp dẫn.
Lãnh đạo nhiều phường cho rằng, đối với các hợp đồng thuê đất trái thẩm quyền, những trường hợp tự ý sử dụng, chuyển mục đích trước đây thì trên cơ sở đã thống kê quản lý, cần rà soát phân loại các vi phạm, đề xuất xử lý.
Cụ thể, có thể đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch; cấp giấy chứng nhận hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đối với trường hợp xen kẹt phù hợp với quy hoạch, thu tiền sử dụng đất vào ngân sách; lập hồ sơ GPMB hoặc vận động, cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với trường hợp không phù hợp quy hoạch. Đồng thời tổ chức quản lý chặt chẽ quỹ đất hiện có, không để phát sinh vi phạm mới.
“Để giải quyết nhu cầu thiết yếu, tạo điều kiện ổn định đời sống dân cư, trên cơ sở đồ án quy hoạch phân khu đã qua các vòng thẩm định xin ý kiến các bộ, ngành đã được sự thống nhất cao, TP nên cấp phép xây dựng đối với đất ở hợp pháp với mật độ phù hợp. Hiện nay, nhiều gia đình rất khó khăn về điều kiện ăn ở do đã dừng cấp phép xây dựng hơn 5 năm nên nảy sinh bức xúc, gây khó khăn trong quản lý của chính quyền địa phương.” – Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Nguyễn Đình Công
Vũ Lê – Báo KTĐT
Theo Kinh tế & Đô thị
Ảnh: Sông Hồng đoạn qua địa phận quận Tây Hồ và huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Xem bài viết gốc tại đây: