Đây là hệ quả tất yếu được dự báo ngay từ đầu, khi ý tưởng thực hiện dự án ngay từ đầu đã bộc lộ nhiều bất cập.
Thanh tra Chính phủ mới đây đã chính thức công khai hàng loạt sai phạm xảy ra tại Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội. Cùng với đó, những đánh giá về hiệu quả đầu tư dự án cũng được Thanh tra Chính phủ đánh giá. Cụ thể, kể luận khẳng định, dự án được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố.
Không bất ngờ trước kết luận trên, PGS.TS Nguyễn Đình Thám – nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, đây là hệ quả được dự báo ngay từ đầu.
Ông cho biết, ngay từ khi đặt vấn đề làm dự án, đã thấy sự vô lý, bất cập, không hiệu quả của dự án.
“Trong khi đường hiện thì hẹp, tình trạng ùn tắc kéo dài, lại đề xuất dành 1/3 đường để làm đường riêng phục vụ cho tuyến BRT chứ không phải là tuyến mới riêng rẽ đã là không hợp lý rồi.
Hệ quả là khi đưa tuyến BRT vào khai thác thì đã không giải quyết được tình trạng ùn tắc cho thành phố, không vẫn chuyển được số lượng lớn, không di chuyển được với tốc độ nhanh, ngược lại còn gây ùn tắc nghiêm trọng hơn.
Có thể nói xét về mọi mặt từ vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông cho tới hiệu quả kinh tế đầu tư… dự án đều không đạt”, PGS Nguyễn Đình Thám cho hay.
Cũng theo ông Thám, kết luận của Thanh tra là cơ sở quan trọng để Hà Nội và TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước nhìn vào và rút kinh nghiệm.
Liên quan tới kiến nghị ưu tiên triển khai 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt những giai đoạn sau, vị chuyên gia nhấn mạnh cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, không vì “cố đấm ăn xôi” mà đi theo vết xe đổ, gây tốn kém tiền của, lãng phí cho ngân sách.
“Nếu trước đây đề xuất, người ta còn lấy lý do là dự án đang thí điểm, chưa có đánh giá thì nay kết luận của Thanh tra Chính phủ chính là câu trả lời rõ ràng cho ý tưởng triển khai các dự án BRT sau này.
Nếu nhìn vào điều kiện hạ tầng, mật độ phương tiện giao thông hiện nay của Hà Nội thì việc triển khai các dự án BRT là hoàn toàn không khả thi.
Đối với dự án cũ, Hà Nội cần mạnh dạn dừng ngay tuyến này, trả lại phần đường cho giao thông đô thị, hoán cải thành xe buýt thông thường phục vụ nhu cầu sử dụng chung của người dân và xã hội”, PGS Nguyễn Đình Thám nêu quan điểm.
Nhắc lại quyết định dừng triển khai thực hiện tuyến buýt BRT để tập trung đầu tư hệ thống xe buýt chất lượng cao của Đà Nẵng với lý do, việc triển khai thí điểm BRT thời điểm này chưa thích hợp, dự báo sản lượng hành khách tính toán của BRT chưa đạt yêu cầu, Đà Nẵng vẫn chưa có bãi đỗ xe cá nhân, thói quen tham gia giao thông công cộng của người dân chưa cao…, vị chuyên gia nhận định, đây là quyết định “sửa sai” phù hợp, dũng cảm.
“Hà Nội cũng cần mạnh dạn, xóa bỏ những đề xuất bất hợp lý, không phù hợp để tránh mắc sai lầm”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Tương tự, với TP.HCM, ông Thám cũng đưa ra lời khuyên nên thận trọng với việc triển khai dự án buýt nhanh BRT trên thành phố.
“TP.HCM không nên đặt vấn đề khởi động lại tuyến BRT số 1 do Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, năm 2023 TP HCM sẽ bắt đầu triển khai dự án này”, ông Thám khuyến cáo.
PGS.TS Nguyễn Đình Thám khẳng định, BRT không phù hợp với điều kiện hạ tầng của TP.HCM. Những lý do được đưa ra như: TP.HCM còn quá nhiều các phương tiện giao thông cá nhân, hạ tầng chưa kết nối, phương tiện công cộng hạn chế, do đó, việc triển khai BRT là không phù hợp.
“Thay vào đó, TP.HCM và Hà Nội cần phải tập trung nguồn lực phát triển các dự án giao thông đô thị, đường sắt cao tốc đang dở dang, hoàn thiện kết nối, tiến tới hạn chế các phương tiện cá nhân.
Với bài học triển khai chưa thành công của Hà Nội, sự thận trọng của Đà Nẵng, TP.HCM cần nhìn vào đó để rút ra bài học cho mình, lựa chọn giải pháp thông minh hơn, hiệu quả hơn thay vì chia nhỏ nguồn lực, đi theo một dự án mà biết rõ không hiệu quả”, PGS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh.
Gắn dự án với trách nhiệm
Bày tỏ mối lo ngại trước hiện tượng tư duy nhiệm kỳ, chạy theo dự án, vị chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn tới đây việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cần phải gắn chặt với hiệu quả và trách nhiệm. Bởi lẽ, có chuyện triển khai nhiều dự án không hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát thời gian qua còn do tâm lý “tiêu tiền chùa”, lợi dụng việc thí điểm mà tiêu tiền công không biết xót.
“Cần phải yêu cầu cam kết trách nhiệm với từng dự án, nếu làm sai, gây lãng phí phải bị xử lý và bồi thường. Chỉ khi gắn trách nhiệm với hiệu quả dự án thì mới tránh đề xuất tùy tiện.
Hơn nữa, mỗi dự án chỉ cho thử nghiệm trong một thời gian nhất định, nếu không hiệu quả phải cho dừng dự án và xử lý trách nhiệm ngay. Không thể có chuyện dự án không hiệu quả vẫn cứ chạy mãi, không ai chịu trách nhiệm”, vị chuyên gia nhắc nhở.
Ông cho rằng, xử lý trách nhiệm nghiêm minh sẽ là lời cảnh báo tới các địa phương khác nếu muốn chạy theo, làm theo những đề xuất đã được chứng minh là không hiệu quả. Do đó, vấn đề hiệu quả và trách nhiệm với dự án cần phải quy định chặt chẽ, cụ thể hơn tại mỗi dự án.
Thái Bình/Đất Việt
Theo Đất Việt
Ảnh: Sự bất cập trong triển khai dự án BRT Hà Nội
Xem bài viết gốc tại đây: