Bất cập hạ tầng giao thông ở Đồng Nai

Không chỉ giới tài xế mà ngay cả lãnh đạo nhiều huyện cũng than về hình ảnh đối nghịch giữa mạng lưới giao thông đối ngoại và đối nội của tỉnh Đồng Nai

Là tài xế hơn 10 năm chuyên chạy xe giao hàng nông sản ở khắp các huyện, TP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, anh Nguyễn Văn Thành (ngụ huyện Vĩnh Cửu) nói anh không thể không chạnh lòng trước hình ảnh mạng lưới giao thông đối ngoại ngày càng phát triển, trong khi giao thông đối nội thì “còi cọc”.

“Nhìn ngoại mà nội thèm”

Theo anh Thành, Đồng Nai là địa phương nằm ở cửa ngõ của đô thị lớn nhất cả nước là TP HCM, đồng thời nằm ở trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, như Quốc lộ 1, 1K, 20, 51 và Quốc lộ 56. Ngoài ra, “đỉnh cao” của mạng lưới giao thông đối ngoại ở Đồng Nai chính là đầu năm 2015, đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với chiều dài gần 56 km được thông xe toàn tuyến. Tuyến đường này cùng với hệ thống các tuyến quốc lộ đã tạo nhiều thuận lợi cho giới tài xế, nhất là xe tải dễ dàng lưu thông trên đường để vận chuyển hàng hóa đến mọi miền đất nước.

“Trong khi mạng lưới giao thông đối ngoại hiện đại là vậy, thì tại các tuyến đường tỉnh kết nối các địa phương với nhau ở Đồng Nai không chỉ thiếu về số lượng mà còn nhỏ về quy mô mặt đường. Đơn cử như tuyến đường tỉnh 769, kết nối huyện Thống Nhất với huyện Long Thành, Nhơn Trạch có mặt đường hẹp, 2 làn đường. Dọc tuyến này còn có 2 khu công nghiệp (KCN) cùng 2 dự án xây khu tái định cư quy mô hơn 30.000 dân đang thực hiện. Đường hẹp, dân cư đông lên từng ngày nên giới tài xế rất vất vả mỗi khi nhận và giao hàng nội tỉnh” – anh Thành phân tích và đề xuất tỉnh Đồng Nai cần sớm nâng cấp các tuyến đường nội tỉnh.

Một cán bộ ngành giao thông (đề nghị không nêu tên) nói rằng “nhìn ngoại mà nội thèm”. Vị này nhấn mạnh mạng lưới giao thông đối ngoại của Đồng Nai sẽ còn phát triển hơn trong vài năm tới. Bởi theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có thêm 4 tuyến đường cao tốc mới. Trong đó, tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và Phan Thiết – Dầu Giây đang được triển khai xây dựng và dự kiến trong năm 2022 và 2023 đưa vào khai thác. Riêng 2 tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và Biên Hòa – Vũng Tàu đang được triển khai công tác đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), thừa nhận mạng lưới giao thông nội tỉnh đang bộc lộ nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu kết nối giữa các địa phương. “Hiện nay, huyện phụ thuộc hoàn toàn vào Quốc lộ 20 để lưu thông, kết nối với các địa phương khác trong tỉnh” – ông Ký nói.

Cần gấp rút triển khai các dự án nội tỉnh

Bà Minh Tuyết (chủ một doanh nghiệp ở huyện Tân Phú) nói Đồng Nai là địa phương có nhiều KCN nhất cả nước với 32 KCN đang hoạt động với hơn 1 triệu công nhân. Các KCN nằm rải đều ở các địa phương. Vậy mà, việc để người dân đi lại, lưu thông hàng hóa từ các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ về các địa phương khác trong tỉnh gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các tuyến quốc lộ là việc khó chấp nhận. “Đã đến lúc phải tập trung đầu tư cho giao thông nội tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận tiện trong giao thương cũng như tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của các địa phương” – bà Minh Tuyết đề nghị.

Để giải quyết bài toán trên, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú nói về phía địa phương hiện đang gấp rút quy hoạch một số tuyến đường để kết nối với huyện Định Quán. Nhưng chính yếu vẫn là việc trông chờ vào tuyến đường liên huyện do tỉnh đầu tư. Tương tự, đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Long Thành nói cơ quan chức năng huyện này và huyện Thống Nhất đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải để chốt phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 769. Theo đó, đường tỉnh 769 đi qua huyện Long Thành sẽ được mở rộng từ 4 làn xe hiện nay lên 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp với lộ giới 45 m. “Giờ chỉ mong tỉnh đẩy nhanh dự án” – vị đại diện Phòng Quản lý Đô thị huyện Long Thành mong muốn.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Cửu, các tuyến đường trục chính quan trọng trên địa bàn huyện gồm đường tỉnh 761, 762, 767 và 768. Trong đó, tuyến đường tỉnh 768 là tuyến đường trục chính quan trọng trải dài từ phía Nam đến phía Bắc của huyện, kết nối các KCN và các cụm công nghiệp trên địa bàn; tuyến đường tỉnh 767 là tuyến đường trục chính quan trọng từ trung tâm hành chính huyện kết nối ra Quốc lộ 1 và các vùng kinh tế phát triển lân cận như huyện Trảng Bom, TP Biên Hòa. “Tuy nhiên, các tuyến đường này đều nhỏ hẹp nên việc lưu thông của các phương tiện còn khó khăn, thời gian lưu thông kéo dài. Vì vậy, phía huyện đã đề xuất lên UBND tỉnh các phương án mở rộng đường tỉnh 768 và tuyến Cộ Cây Xoài kết hợp với đường tỉnh 767” – ông Nguyễn Quang Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, nói.

Về những kiến nghị trên, ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, cho hay hiện sở này cũng đang xem xét, đề xuất UBND tỉnh sớm giải quyết những kiến nghị cho các địa phương.

Theo quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020, định hướng phát triển đến năm 2030, hệ thống giao thông đường tỉnh trên địa bàn gồm 45 tuyến. Trong đó, có 25 tuyến đường tỉnh hiện hữu, 13 tuyến mở mới và 7 tuyến trục chính quan trọng khác.

Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Đường tỉnh 767 kết nối huyện Vĩnh Cửu với Trảng Bom mặt đường hẹp, các xe thường xuyên đánh tín hiệu xin vượt nên rất nguy hiểm

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/bat-cap-ha-tang-giao-thong-o-dong-nai-20210726225617942.htm