Tối qua nghe tin anh qua đời, tôi vẫn không muốn tin dù đó là sự thật.
Căn bệnh ung thư trực tràng đã hành hạ anh từ hơn 10 năm qua. Dù mang trong mình căn bệnh hiểm ác nhưng thường ngày anh “Hai Cù Nèo” vẫn lạc quan để sống và viết. Ngòi bút trào phúng, hài hước của anh trên báo Tuổi Trẻ Cười và rải rác trên một số báo khác còn mãi lưu mãi trong lòng bạn đọc. Bên cạnh đó, những bài viết về Sài Gòn xưa, về văn hóa, đời sống, tập quán của vùng đất phương Nam là tư liệu quý giá để tham khảo, để phục vụ cho đời sống văn học thành phố.
Anh đã ra đi, mang theo những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống. Còn đâu những buổi chiều tà, cùng ngồi bên nhau nhâm nhi ly bia đắng, chia sẻ chuyện văn chuyện đời nơi quán cóc. Làm sao quên được hình ảnh anh Hai Cù Nèo luôn hài hước, dí dỏm trong mỗi lần nâng ly, mỗi lần hò hẹn. Những câu chuyện của anh trong bàn rượu luôn là những đề tài thú vị, khó quên.
Từ ngày bị bệnh, anh chủ động giảm bia rượu. Mỗi lần gặp nhau, vui lắm anh mới uống 3 chai còn thường thì anh chỉ có 2 chai. Nhậu với anh, anh chỉ cho gọi những thức nhắm ít tiền, đạm bạc. Độ nhậu nào cao lắm là 500.000đ cho cả 3 người.
Mỗi khi gửi nhuận bút cho anh, anh đều mời tôi và nhà thơ Lê Thiếu Nhơn ra quán cóc. Ở đó, những câu chuyện về văn chương là đề tài bất tận. Dù uống được có 2 – 3 chai, nhưng anh vẫn ngồi đến lúc tiệc tàn, quán tan mà trong mỗi chúng tôi vẫn còn sự quyến luyến.
Đầu năm nay, cũng trong một buổi nhậu, bất ngờ anh kể hơn 15 năm trước anh có bán một lô đất ở Bình Chánh nhưng đến nay họ còn nợ 50 cây vàng chưa trả. Ngược lại, anh cũng chưa ký hoàn tất các loại giấy tờ cho phía người mua. Nghe vậy tôi và Lê Thiếu Nhơn xin tình nguyện đi gặp người mua để đàm phán giải quyết dứt điểm các vướng mắc, đồng thời liên hệ với UBND huyện Bình Chánh để hoàn thành các thủ tục giấy tờ mua bán trong thời gian sớm nhất. Anh hoan nghênh và hứa vui khi nào xong việc sẽ thưởng cho hai đứa tôi mỗi đứa một cây vàng. Tuy nhiên, không vì lời hứa đó mà hai chúng tôi xông xáo giúp anh. Chúng tôi tự thấy mình có “trách nhiệm” phải giúp ông anh tuổi già sức yếu liên hệ với chính quyền và người mua để hoàn tất hồ sơ tương đối rườm rà này. Anh bàn giao hết công việc cho tôi. Vài ngày sau tôi tìm được người mua đất của anh. Thật không ngờ người này lại là người tôi quen biết. Anh ta chính là nhà sưu tầm đồ cổ tên H. mà tôi từng 2-3 lần viết báo về anh. Câu chuyện giải quyết về việc mua bán lô đất nêu trên được thống nhất ngay tại nhà anh. Theo đó, trong vòng năm nay, anh H. sẽ trả cho anh Nghĩa 1,8 tỷ đồng tại phòng công chứng. Còn anh Nghĩa có nghĩa vụ ký chứng tất cả các thủ tục giấy tờ còn lại cho anh H. Mọi việc đang tiến hành thì bất ngờ anh đã ra đi…
Bài viết mới nhất anh gửi cho tôi để in vào số tháng 8 vẫn còn đó mà tác giả thì không còn nữa. Xin vĩnh biệt anh, một người anh mà tôi kính trọng và yêu quý!
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1952 tại Sài Gòn, lớn lên ở quận 6, Tp.HCM. Thời trẻ, anh từng lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên xuống đường đấu tranh trực diện với cảnh sát, từng bị bắt, trải qua một số nhà tù của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Sau thời thanh niên sôi nổi với những cuộc xuống đường đấu tranh trong phong trào học sinh – sinh viên đô thị miền Nam, Lê Văn Nghĩa trở thành một nhà báo khi non sông thống nhất. Nhà báo Lê Văn Nghĩa cần được ghi danh vào lịch sử báo chí Việt Nam, với ấn phẩm Tuổi Trẻ Cười. Trước năm 1975, Việt Nam từng có những tờ báo cười nhưng không có ấn phẩm nào phát triển mạnh mẽ và tạo được chỗ đứng thú vị trong lòng độc giả như Tuổi Trẻ Cười. Người có công gầy dựng Tuổi Trẻ Cười và là linh hồn của Tuổi Trẻ Cười suốt 30 năm (từ 1984 – 2014) chính là nhà báo Lê Văn Nghĩa.
10 năm trước, anh phát hiện bị ung thư trực tràng và nhập viện chạy chữa. Mấy năm gần đây, sức khỏe của anh có phần tốt lên. Bạn bè lại thấy anh cặm cùi viết sách về Sài Gòn và ra mắt sách đều đặn. Mùa hè năm Petrus (NXB Trẻ – 2012) là tác phẩm làm nên tên tuổi Lê Văn Nghĩa trên văn đàn; tiếp sau đó là những tác phẩm: Chuyện chán phèo (tập truyện trào phúng, NXB Trẻ – 2013); Nếu Adam không có xương sườn (sưu tầm, bình luận, NXB Trẻ – 2015); Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (tập truyện, NXB Trẻ – 2015); Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (tập truyện, NXB Trẻ – 2016); Nỗi buồn đàn ông (tập truyện trào phúng, NXB Trẻ 2017); Văn học Sài Gòn 1954 – 1975: Những chuyện bên lề (2020)…
Anh là Hội viên Hội Nhà văn TP. HCM và cũng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn TPHCM khóa 8.
anh cũng là nhà văn đã có thời gian cộng tác với Văn Chương Phương Nam thông qua những bài viết, truyện trào phúng mang ý nghĩa đả kích những thói hư tật xấu để xây dựng xã hội văn minh và trong sạch.
Tang lễ của nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Phòng.
Phùng Hiệu
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa – Ảnh: Lê Thiếu Nhơn.