Có 10 dự án nhà tái định cư được UBND thành phố trưng dụng để sử dụng làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến trong đó có 6 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
UBND TP Hà Nội có văn bản hỏa tốc về chủ trương, kế hoạch trưng dụng quỹ nhà tái định cư phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho Thủ đô, an toàn và sức khỏe cho nhân dân, UBND thành phố có chủ trương, kế hoạch trưng dụng các quỹ nhà tái định cư (bao gồm cả khuôn viên xung quanh các tòa nhà chung cư) để sử dụng làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến.
Có 10 dự án nhà tái định cư được UBND thành phố trưng dụng. Trong đó, có 6 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, gồm: Dự án xây dựng nhà B, C khu tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai; dự án xây dựng nhà CT1, CT2 Khu tái định cư Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ; Dự án xây dựng nhà tái định cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên; Dự án nhà ở cao tầng thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai; dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu C13/DD1, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai; Khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng tại ô đất CT4 Khu tái định cư tập trung Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm.
4 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, gồm: Dự án xây dựng nhà 30T1, 30T2 ô đất A14 Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị – Bộ Quốc phòng;
Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng tại ô đất CT3 Khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 1 Hà Nội;
Dự án khu nhà ở cao tầng tại lô đất 5.B3, Đông Hội, huyện Đông Anh do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư.
UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư 10 dự án nêu trên chấp hành việc bàn giao quỹ nhà cho UBND thành phố khi thành phố có kế hoạch sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, UBND thành phố giao sở Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, sở Xây dựng, sở Tài chính, UBND các quận, huyện nơi có dự án, căn cứ nhu cầu phục vụ chống dịch, đề xuất quyết định trưng dụng từng dự án cụ thể; tiếp nhận bàn giao từ các chủ đầu tư dự án; đề xuất bố trí kinh phí để thiết lập cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến, báo cáo UBND thành phố.
Bệnh viện dã chiến là công trình khẩn cấp
Vừa qua, tại cuộc họp trực truyến (ngày 22/7) giữa Tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng tại TP.HCM với 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16, theo báo cáo của các địa phương khá thống nhất trong việc giao Sở Xây dựng làm đầu mối trong công tác đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung; chủ động triển khai các bệnh viện dã chiến với quy mô đảm bảo thu dung, khám chữa bệnh nhân F0, có dự phòng phát sinh trong thời gian tới.
Hầu hết các bệnh viện dã chiến được chuyển đổi chức năng từ các cơ sở vật chất hiện có như bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện; ký túc xá của các cơ sở đào tạo; các chung cư tái định cư có sẵn trên địa bàn; trung tâm triển lãm…
Như tại TP.HCM hiện đã hoàn thành xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến với tổng quy mô lên đến 55.000 giường. Hiện TP đang tiếp tục xây dựng một số bệnh viện dã chiến, dự kiến lần lượt hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 8 và tháng 9, nâng tổng quy mô của các bệnh viện dã chiến lên đến 87.000 – 90.000 giường. Vừa qua, TP.HCM tiến hành xây dựng mới hoàn toàn 2 bệnh viện dã chiến quy mô hơn 6.000 giường tại quận 7 và huyện Bình Chánh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, thời gian thiết kế, xây dựng mỗi bệnh viện dã chiến mới chưa đến 2 tháng. Thành phố triển khai nhanh, thành công các bệnh viện dã chiến bởi xác định bệnh viện dã chiến là công trình khẩn cấp, thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 15/2021 của Chính phủ.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến do Bộ Xây dựng ban hành đã phát huy hiệu quả trong thực tế triển khai và đề nghị các địa phương học theo kinh nghiệm của TP.HCM xác định bệnh viện dã chiến là công trình khẩn cấp. Việc thực hiện quy trình đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp đã được quy định rõ tại Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 15/2021.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu các Cục, Vụ chức năng của Bộ nghiên cứu mở rộng hướng dẫn thiết kế chuyển đổi các cơ sở vật chất hiện có như ký túc xá, nhà tái định cư… thành các bệnh viện dã chiến để thu dung khám chữa bệnh nhân F0, (không nhất thiết phải xây dựng mới). Bởi đây là mô hình được các địa phương quan tâm và áp dụng nhiều trong thực tế.
Thuận Phong – Báo VietnamNet
Theo VietnamNet
Ảnh: Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai – 1 trong 10 dự án Hà Nội có kế hoạch trưng dụng để làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến
Xem bài viết gốc tại đây: