Kiến nghị kéo dài 12 dự án đầu tư công có tổng vốn gần 4.119 tỷ đồng

Trong 12 dự án Chính phủ xin ý kiến Quốc hội cho phép kéo dài kế hoạch vốn có dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 24/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến giai đoạn 2021-2025; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã báo cáo thẩm tra nội dung này.

Theo đó, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội cho phép kéo dài kế hoạch vốn các năm 2017, 2018 sang giai đoạn 2021-2025 của 12 dự án với số vốn 4.118,884 tỷ đồng.

Tiến độ triển khai các dự án còn chậm

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện quyết liệt với nhiều đổi mới. Thể chế, chính sách về đầu tư công ngày càng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả đầu tư công; việc phân bổ vốn đầu tư công tuân thủ thứ tự ưu tiên, bảo đảm hài hòa giữa các vùng, miền.

Cùng với đó, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công cũng đã từng bước được cải thiện, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, manh mún; số dự án đầu tư công giảm một nửa so với giai đoạn 2011-2015, góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư ngoài nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy vậy, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công điều chỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; trình tự, thủ tục còn phức tạp; tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, dự án trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu, còn lãng phí, chậm tiến độ…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định “những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương chưa cao; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa được thể hiện rõ; tư duy phát triển trong đầu tư công có lúc, có nơi chậm được đổi mới; năng lực triển khai thực hiện còn nhiều bất cập.”

Để khắc phục những tồn tại, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cụ thể là thông qua danh mục 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững) với tổng số vốn ngân sách trung ương chi cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng.

Đối với các dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ xin ý kiên Quốc hội thông qua danh mục và mức vốn bố trí cho 2 dự án chuyển tiếp và khởi công mới 1 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 65.795,847 tỷ đồng; khoảng 38.738 tỷ đồng đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam (giai đoạn 2).

Đặc biệt, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội cho phép kéo dài kế hoạch vốn các năm 2017, 2018 sang giai đoạn 2021-2025 của 12 dự án với số vốn 4.118,884 tỷ đồng. Đây là những dự án liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong quá trình triển khai các dự án giao thông, xây dựng cảng hàng không, bệnh viện…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

“Số vốn còn lại khoảng 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác, trường hợp phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đúng quy định,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư

Thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cơ bản tán thành với một số nhận định về kết quả đạt được tại báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường khẳng định trong giai đoạn 2016-2020, nhiều tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 được từng bước khắc phục. Việc phân bổ vốn cơ bản tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức. Cơ cấu lại vốn đầu tư công đạt kết quả bước đầu tích cực, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công được cải thiện.

Tuy vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết 26 chưa đạt; tỷ lệ chi đầu tư giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giảm dần qua các năm, tích lũy ngân sách cho chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm và ở mức thấp; nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm chậm tiến độ…

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, việc chậm trễ là do yếu kém trong tổ chức thực hiện; chậm tiến độ giải phóng mặt bằng; chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; chất lượng dự án chưa đảm bảo, phải điều chỉnh dự án nhiều lần; bố trí vốn không kịp thời; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… chưa đáp ứng yêu cầu.

Từ thực tế trên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ về cơ cấu vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị Chính phủ tính toán thận trọng hơn, tránh xây dựng kế hoạch quá cao so với khả năng cân đối nguồn lực ngân sách trung ương.

Về danh mục 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ về bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, thống nhất dự kiến bố trí 65.795,847 tỷ đồng cho 3 dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về việc kéo dài kế hoạch vốn các năm 2017, 2018 sang giai đoạn 2021-2025 của 12 dự án với số vốn là 4.118,884 tỷ đồng, ông Nguyễn Phú Cường cho hay đa số ý kiến nhất trí trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với các dự án trên. Tuy vậy, một số ý kiến cũng đề nghị tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công, phải hủy dự toán và bố trí vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để tiếp tục thực hiện.

Đối với số vốn dự kiến khoảng 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 và khoảng 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo quy định./.

12 dự án Chính phủ xin ý kiến Quốc hội cho phép kéo dài sang giai đoạn 2021-2025, bao gồm:

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành của tỉnh Đồng Nai; Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Dự án xây dựng tuyến nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Dự án đầu tư xây dựng Nâng cấp đê Tả sông Luộc kéo dài (đoạn từ K120+600 đê tả sông Hồng đến K20+700 đê tả sông Luộc), tỉnh Hưng Yên.

Ngoài ra, còn có các dự án: Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, tỉnh Quảng Bình; Đường liên huyện dọc kênh chính qua huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; Dự án nâng cấp đường ĐT.724 và xây dựng 3 cầu, thông tuyến đường ĐT.721 tỉnh Lâm Đồng; Dự án Đường tỉnh 922, thành phố Cần Thơ; Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận; Dự án Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2; Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 của Bộ Y tế.

Nhóm PV (Vietnam+)

Theo VietnamPlus

Ảnh: Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 1 trong số 12 dự án Chính phủ xin ý kiến Quốc hội cho phép kéo dài kế hoạch vốn sang giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.vietnamplus.vn/kien-nghi-keo-dai-12-du-an-dau-tu-cong-co-tong-von-gan-4119-ty-dong/728867.vnp