Ngoài việc đầu tư nguồn vốn hơn 332.516 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông cho giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội cũng đưa ra nhiều giải pháp nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng nhằm cải thiện bức tranh giao thông đô thị, giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Hơn 332.500 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông
Sở GTVT Hà Nội vừa hoàn thành việc xây dựng danh mục đầu tư công trung hạn cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội cho giai đoạn 2021 – 2025. Danh mục đầu tư 460 dự án (451 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP kết hợp đầu tư công) với nhu cầu vốn hơn 332.516 tỷ đồng. Trong số này, có 143 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020 và 317 dự án mới. Dự kiến, trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ hoàn thành 443 dự án và chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 – 2030 là 17 dự án.
Về thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, công trình chuyển tiếp giai đoạn 2016 – 2020 gồm: công trình sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ; công trình khép kín hệ thống đường vành đai; hoàn thiện các trục hướng tâm, trục chính đô thị; hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đuống; các công trình kết nối các đoạn tuyến đường; các nút giao thông trọng điểm; công trình phục vụ an sinh xã hội, bảo đảm trật tự ATGT (cầu yếu, cầu đi bộ…); mạng lưới công trình giao thông phục vụ 5 huyện lên quận (gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Đan Phượng).
Danh mục trên được tổng hợp theo nhu cầu và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, dựa trên 3 nguyên tắc. Thứ nhất là phù hợp với định hướng quy hoạch và bảo đảm tính khả thi cũng như khả năng cân đối nguồn lực. Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên được xem xét, đánh giá, lựa chọn trên cơ sở tầm quan trọng, vai trò của công trình trong tổng thể mạng lưới GTVT kết hợp các điều kiện về thủ tục đầu tư liên quan đến công trình. Thứ hai là thực hiện đầu tư tập trung, hoàn thành dứt điểm các tuyến đường bảo đảm tính kết nối đồng bộ của mạng lưới hạ tầng giao thông. Thứ ba là giải tỏa UTGT, khắc phục “điểm đen” TNGT, phục vụ an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường khả năng kết nối liên vùng và nội vùng, trong đó tập trung hoàn thiện kết nối đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô.
Ngoài các dự án đầu tư trung hạn ở giai đoạn này, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường hướng tâm, trục chính đô thị; các đường vành đai; hệ thống cầu vượt sông (cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường Vành đai 4; cầu Ngọc Hồi trên tuyến Vành đai 3,5 và cầu Đuống 2 trên QL1A cũ)…
Trong đó, tuyến Vành đai 3,5 và cầu Ngọc Hồi được hình thành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho Vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải.
Hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng để tăng cường kết nối
Để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng năng lực của hệ thống vận tải khách công cộng giai đoạn 2021 – 2025, trung bình mỗi năm, TP. Hà Nội dành khoảng 1.300 tỷ đồng trợ giá cho hành khách đi xe buýt.
Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND Thành phố và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) Đảng bộ TP. Hà Nội đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30 – 35% nhu cầu đi lại của người dân (trong đó xe buýt đáp ứng 16 – 18%); đến năm 2030 là 35 – 40% (xe buýt đáp ứng 25%).
Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, để hiện thực hóa mục tiêu này, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh lộ trình 52 tuyến buýt nhằm hợp lý hóa mạng lưới và mở rộng vùng phục vụ, trong đó có 15 tuyến điều chỉnh nhằm giảm trùng tuyến và tăng kết nối tại các nhà ga khi các tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, đơn vị dự kiến mở mới 90 – 100 tuyến buýt, trong đó có 10 tuyến phục vụ học sinh, sinh viên, công nhân; đầu tư mới 1.600 – 1.800 phương tiện; nghiên cứu phát triển làn đường ưu tiên cho xe buýt; hình thành 7 điểm trung chuyển xe buýt…
Được biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội đã xóa được các “vùng trắng” xe buýt, mạng lưới buýt Thủ đô đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện (đạt 100%); 516/579 số xã, phường, thị trấn (đạt 89,1%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 trường đại học, cao đẳng, THPT (đạt 67%); 31/37 khu đô thị (đạt 83,3%)…
Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng xác định, mạng lưới đường sắt đô thị đóng vai trò tạo nên bộ khung xương sống hoàn chỉnh cho hệ thống giao thông của Thủ đô, tạo cơ hội phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, văn hóa, chính trị.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km gồm 5 tuyến đi trong khu vực trung tâm, 5 tuyến kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven.
Trong số này, Bộ GTVT làm chủ đầu tư hai tuyến số 1 và 2A, còn tuyến số 2 và số 3 là do TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Riêng tuyến số 2A Cát Linh – Hà Ðông dài 13 km đã hoàn thành 100% khối lượng xây dựng, đang chạy thử liên động toàn tuyến.Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 2A sẽ được bàn giao về cho Hà Nội vận hành, khai thác thương mại trong năm 2021. Trong khi đó, tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội tiếp tục được hoàn thành và dự kiến đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2022.
Dự kiến, khi mạng lưới metro của Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35 – 45%, giảm người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%.
Bên cạnh đó, các tuyến đường sắt đô thị đang được nghiên cứu báo cáo tiền khả thi gồm: tuyến số 2, đoạn Trần Hưng Ðạo – Thượng Ðình; tuyến số 5, đoạn Văn Cao – Hòa Lạc – Ba Vì; tuyến số 3, đoạn Ga Hà Nội – Hoàng Mai dài 8,7 km với 8,13 km đi ngầm. Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2018 đến năm 2025, có thể đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2026…
Hữu Minh – Tạp chí GTVT
Theo Giao Thông Vận Tải
Ảnh: Cầu qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối đường Vành đai 3 trên cao
Xem bài viết gốc tại đây:
http://www.tapchigiaothong.vn/ha-tang-giao-thong-ha-noi-ky-vong-lot-xac-trong-5-nam-toi-d91988.html