TP.HCM ‘khát’ nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19

Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh cần 200 bác sĩ, nhân viên y tế.

Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM đã vượt mốc 13.000 người và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Áp lực của các thầy thuốc trong khối điều trị của thành phố là rất lớn, dù hầu hết ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Nhu cầu nhân lực khối điều trị

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 6h ngày 7/7, thành phố có 8.470 bệnh nhân Covid-19, tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng hơn 97%, tỷ lệ khỏi bệnh hiện tại xấp xỉ 9%. Thành phố có 7.656 bệnh nhân dương tính mới đang được điều trị.

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy tính đến sáng 12/7, số lượng F0 của thành phố là 13.556 người.

Hiện tại, TP.HCM chuẩn bị được 28.500 giường tiếp nhận các F0 không có triệu chứng. Dự kiến, trong thời gian tới, số giường này tăng lên 30.000 và sẵn sàng kịch bản có 50.000 bệnh nhân.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhu cầu nhân lực cho khối điều trị ca mắc Covid-19 hiện tại của thành phố là rất lớn. Ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh cần 200 thầy thuốc, nhân viên y tế. Số F0 vẫn có xu hướng tăng lên, lượng y, bác sĩ cần thiết cho khâu điều trị cũng tăng theo cấp số nhân.

Với những F0 nặng, theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, thành phố có 6.500 giường tại các bệnh viện điều trị Covid-19. Trong đó, 1.000 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng, nguy kịch được bố trí ở 4 bệnh viện lớn, gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115.

Ngành xây dựng cũng đã chuẩn bị nguồn căn hộ dự phòng tại các chung cư và khu tái định cư. Dự kiến nguồn này có 40.000 giường điều trị, sẵn sàng điều động và hỗ trợ ngành y tế khi cần thiết.

Huy động nhân lực từ nhiều nguồn

Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ gần 10.000 cán bộ nhân viên y tế chi viện cho TP.HCM để giúp thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí thay đổi nhân lực (với các biện pháp luân chuyển, “đảo quân”) để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại thành phố.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, dựa trên kế hoạch, nhu cầu nhân lực chi tiết từ TP.HCM Bộ Y tế sẽ có kế hoạch điều phối, hỗ trợ nhân sự phù hợp với yêu cầu từ thành phố với kế hoạch hỗ trợ nhân sự giai đoạn 1, Bộ Y tế cũng đã làm việc với các đơn vị trung ương trên địa bàn để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực y tế.

Ngoài ra, ngành y tế TP.HCM cũng đã lập kế hoạch bổ sung nguồn lực cho khối điều trị.

TP.HCM hiện có khoảng 6.000 nhân viên y tế bổ sung nhân sự cho khối điều trị. Ảnh: Khôi Nguyễn, Khánh Phương.

TP.HCM cần khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị theo 2 đợt. Lực lượng nhân sự hỗ trợ dự kiến được bố trí tham gia công tác chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện dã chiến, điều trị covid-19.

Họ cũng tham gia điều trị cho F0 có triệu chứng, ca bệnh nặng, nguy kịch tại các cơ sở y tế chuyên sâu. Bên cạnh đó, nhân lực gián tiếp tham gia điều trị Covid-19 như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine cũng được bổ sung liên tục để chia lửa cho các lực lượng y tế tuyến đầu.

Nhiều cơ sở y tế tại TP.HCM đã cử đoàn chuyên gia, thầy thuốc tới các bệnh viện điều trị F0. Bệnh viện Chợ Rẫy cử 6 đội chi viện gồm 181 nhân viên y tế (81 bác sĩ, 100 điều dưỡng).

Những thầy thuốc này sẽ tới hỗ trợ công tác chữa trị F0 tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 (Đại học Quốc Gia TP.HCM), Bệnh viện Điều trị Covid-19 Bình Chánh và sắp tới là Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại Thuận Kiều Plaza (quận 5).

Trong sáng 12/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM quyết định tạm thời chuyển đổi công năng khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 trở thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường. Khu vực này mới được Bộ Xây dựng thẩm định cho phép sử dụng trong tuần qua.

Trước đó, TP.HCM đã chuẩn bị kịch bản ứng phó khi có 10.000-15.000 ca mắc trên địa bàn. Thành phố đưa vào hoạt động 4 bệnh viện dã chiến với tổng công suất tiếp nhận, điều trị lên đến 12.000 giường.

Hiện nay, theo đề nghị của lãnh đạo TP.HCM, Bộ Y tế đã huy động 3.360 cán bộ y tế của các bệnh viện trung ương trên địa bàn và 3.500 cán bộ y tế, sinh viên các trường y tế trên cả nước. Trong tuần này, nguồn lực trên sẽ có mặt tại TP.HCM để thực hiện nhiệm vụ.

Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 13.556 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Đây là địa phương có số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 cao nhất cả nước.

Thành phố quyết tâm tận dụng hiệu quả nhất “thời gian vàng” 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh, truy vết và tách F0 ra khỏi cộng đồng, mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng của nhân dân.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đề nghị người dân việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

Khôi Nguyễn – Khánh Phương – Tạp chí Zing.vn

Theo Zing.vn

Ảnh: Số ca mắc tăng cao khiến lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch nhiều lên, tạo thành áp lực lớn cho đội ngũ điều trị của TP.HCM. Ảnh: Khôi Nguyễn, Khánh Phương.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://zingnews.vn/tphcm-khat-nhan-luc-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-post1237739.html