Đua nhau xâm hại lòng sông Sêrêpốk

Nhận được tin phản ánh của người dân về tình trạng dòng sông Sêrêpốk đang bị xâm hại nghiêm trọng trong thời gian gần đây, nhóm phóng viên chúng tôi đã tiếp cận, tìm hiểu.

Xuất phát từ chân cầu 14 nối liền giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, men dọc theo hai bên bờ sông chỉ trong vòng chưa đầy 3km, chúng tôi đã ghi nhận dòng sông này đang phải oằn mình gánh chịu sự xâm hại nghiêm trọng của con người.

Có mặt tại địa bàn buôn Kuốp, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, là khu vực mỏ đá Phú Xuân (thuộc Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân, trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột), chúng tôi ghi nhận nơi đây đang diễn ra tình trạng khai thác đá gây vùi lấp dòng chảy của dòng sông khá nghiêm trọng.

Theo quan sát, phía bên trong mỏ đá nhiều công nhân, máy móc đang miệt mài khai thác đá tại các vị trí xâm hại dòng sông. Bên cạnh là những công nhân vẫn thay nhau khoan, đục lỗ trên những tảng đá to sát bờ sông để nhồi thuốc nổ vào trong. Khi tảng đá bị phá, hàng trăm viên đá cục, hàng ngàn vụn đá đổ ập xuống sông…

Theo tìm hiểu, ngày 21/12/2010, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp phép khai thác đá tại khu vực IIC mỏ đá D2 (giáp ranh TP Buôn Ma Thuột và huyện Krông Ana) trên diện tích khoảng 8,6ha, thời gian 22 năm. Tổng trữ lượng Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân được khai thác là gần 1,1 triệu m³, công suất hơn 49.000m³/năm.

Quyết định cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc khai thác đá theo đúng quy định, ký quỹ phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ… theo quy định.

Tuy nhiên, mỏ đá Phú Xuân trong quá trình khai thác đá xây dựng đã nổ mìn làm sạt lở bờ sông, một lượng lớn đá đổ xuống lấp sông Sêrêpốk. Kết quả kiểm tra mới đây của UBND xã Đray Sáp cho thấy, Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân nổ mìn khai thác đá vùi lấp dòng sông khoảng 1.200m².

UBND xã lập biên bản xử lý từ ngày 17/6/2021 gửi UBND huyện Krông Ana vì vượt thẩm quyền. Tuy nhiên, vào chiều 6/7, huyện tiến hành kiểm tra, ghi nhận doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên vi phạm.

Trao đổi với phóng viên về việc tại sao Công ty TNHH xây dựng Phú Xuân ngang nhiên vi phạm, khai thác đá vùi lấp dòng sông, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana cho biết, Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân khai thác đá trong phạm vi giấy phép nhưng vùi lấp dòng sông nên đã nhắc nhở, yêu cầu khắc phục. Về việc tại sao cấp phép mỏ đá quá sát dòng sông, vị lãnh đạo này cho rằng do cấp trên, không thể trả lời.

Tuy nhiên, trong báo cáo tham mưu của mình, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana đề nghị, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh một phần diện tích cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân để đảm bảo hành lang an toàn bờ sông Sêrêpốk. Được biết, chủ doanh nghiệp vi phạm khai thác đá này cũng từng vi phạm ở một dự án khác.

Không chỉ phía sông ở Đắk Lắk bị xâm hại, bờ bên kia sông Sêrêpốk thuộc địa phận xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cũng bị đục khoét nghiêm trọng.

Trên một cù lao giữa dòng sông Sêrêpốk (thuộc tổ dân phố 7, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) mới đây mọc lên một khu biệt thự sân vườn khang trang, kiên cố.

Theo hồ sơ, tháng 10/2019, UBND huyện Cư Jút đã có quyết định cho ông Nguyễn Ngọc Tuấn và bà Phạm Thị Sim (trú tại thị trấn Ea T’ling) thuê khu đất diện tích hơn 33.241m² để sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm.

Thời hạn sử dụng là 50 năm, hình thức thuê đất là trả tiền thuê hằng năm. Tuy nhiên, đến ngày 6/2/2020, ông Tuấn và bà Sim đã có đơn xin chấm dứt hợp đồng thuê đất nên ngày 5/10/2020, UBND huyện Cư Jút đã ra quyết định thu hồi toàn bộ thửa đất trên.

Thế nhưng, khoảng tháng 3/2021, người dân phát hiện công trình nêu trên nên phản ánh đến báo chí, chính quyền địa phương. Qua kiểm tra, người chủ biệt thự này là của ông Lê Tiến Dũng (trú tổ dân phố 9, thị trấn Ea T’ling).

Mới đây, UBND thị trấn Ea T’ling đã kiến nghị UBND huyện Cư Jút chỉ đạo cơ quan Công an vào cuộc điều tra dấu hiệu mua bán đất công, xây nhà trái phép. Qua xác minh ban đầu, ông Dũng cho biết mua lại diện tích đất này với giá 2,7 tỷ đồng, trong khi bà Sim nói chỉ bán “tài sản trên đất”…

Văn Thành – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Nạn khai thác đá đã khiến một phần của dòng chảy sông Sêrêpốk bị vùi lấp.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/dua-nhau-xam-hai-long-song-serepok-649662/