Số lượng rác thải từ các điểm phong tỏa ở TP HCM nhiều nhưng việc xử lý mỗi nơi áp dụng một kiểu: Có nơi giao lực lượng công ích quận – huyện thu gom, có nơi giao dịch vụ rác dân lập
Tự bỏ tiền mua bộ đồ bảo hộ y tế, ông Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm – người thu gom rác dân lập tại chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 10, TP HCM, vẫn hồi hộp mỗi khi đi qua rào chắn vào chung cư này lấy rác.
Vừa thu gom rác vừa lo
Để an toàn cho bản thân và 2 đồng nghiệp đi cùng, ông Khanh luôn nhắc nhở tuân thủ quy tắc 5K. Mỗi người tự trang bị đồ bảo hộ và sát khuẩn thường xuyên sau mỗi lần lấy rác.
“Không chỉ mình tôi, nhiều anh em thuộc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm vẫn thu gom rác tại các khu vực phong tỏa và phải tự trang bị đồ bảo hộ. Chúng tôi chưa được tiêm vắc-xin, thu gom rác dân lập lại theo kiểu thủ công nên rất lo” – ông Khanh nói.
Khu vực phong tỏa chợ phường 2, quận 10 hay hẻm 282 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 nhiều ngày nay cũng được lực lượng thu gom rác thuộc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm đến lấy rác ở điểm tập kết. Tại đây, rác được bỏ vào các thùng lớn. Sau đó, lực lượng dân quân phun thuốc khử khuẩn để người thu gom đến lấy. Trước khi đưa vào bô rác, thùng rác được phun khử khuẩn một lần nữa.
Tại hẻm 50/2 Nguyễn Quý Yên, phường An Lạc, quận Bình Tân – khu vực đang phong tỏa, mỗi ngày xe thu gom rác dân lập của HTX Bình Tân vẫn vào từng nhà lấy rác. Ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc HTX Bình Tân – phụ trách thu gom rác tại 10 phường của quận Bình Tân, cho biết lúc đầu, UBND phường An Lạc không cho vào lấy rác trực tiếp. Sau này, người thu gom phải vào từng nhà lấy rác do địa hình phường An Lạc có nhiều hẻm nhỏ, xe cơ giới lớn không vào được, mà rác để lâu thì dồn ứ, mất vệ sinh.
Hóc Môn là địa phương có 228 điểm phong tỏa nằm rải rác ở nhiều xã, thị trấn. Việc thu gom rác tại các khu vực này được UBND huyện Hóc Môn giao cho Công ty Dịch vụ công ích huyện thực hiện.
Tại nhiều điểm phong tỏa thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, rác được người dân chở đến điểm tập kết. Sau đó, dân quân tiến hành phun khử khuẩn để xe ép rác của Công ty Dịch vụ công ích huyện đến thu gom, mang thẳng đến Khu Liên hiệp Xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi).
Tại quận 6, ông Cao Triều Yên, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận, cho biết công ty hỗ trợ thu gom rác tại các điểm phong tỏa nếu địa phương yêu cầu. Hầu hết các điểm này trước đây do dịch vụ rác dân lập thu gom. Tại Bình Thạnh, Công ty Dịch vụ công ích quận cũng tiến hành thu gom rác tại các điểm phong tỏa do các phường đề xuất.
Nên xử lý như rác y tế
Hiện nay, toàn bộ rác thải y tế tại các khu cách ly tập trung đều do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM (Citenco) thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt đối với chất thải nguy hại. Riêng những điểm phát sinh ngoài khu cách ly, như các điểm phong tỏa theo quyết định của địa phương, địa phương sẽ phân công công ty dịch vụ công ích hoặc các HTX môi trường thu gom rác.
Đại diện Citenco cho biết nhà máy xử lý loại rác thải này đang hoạt động hết công suất với gần 40 tấn/ngày. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, rác thải loại này nhiều khả năng sẽ vượt công suất xử lý của công ty.
Theo TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, nên xem loại rác tại các khu vực phong tỏa là rác thải y tế và cần xử lý theo quy định. Các quận – huyện nên sử dụng lực lượng tại chỗ như công ty dịch vụ công ích, Đoàn Thanh niên địa phương, lực lượng tình nguyện viên tại khu phong tỏa, khu cách ly, dân phòng… đóng gói rác vào bao vật phẩm y tế, phun khử khuẩn, tập kết tại một điểm để Citenco vận chuyển về công trường Đông Thạnh xử lý tiêu hủy. Trường hợp lò đốt quá tải, nên lưu bảo quản theo quy định, như lót tấm đáy HPDE 3-7 mm phủ kín toàn bộ bao vật phẩm y tế, phun xịt hóa chất khử mùi và chờ xử lý tiếp.
Ngoài ra, công suất xử lý rác hiện tại toàn TP HCM khoảng hơn 40 tấn/ngày. Trường hợp cần thiết, TP nên tạo cơ chế để lắp đặt thêm công suất lò thiêu rác trong thời gian sớm nhất cho công ty nhà nước là Citenco.
Một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng rác thải y tế mang mầm bệnh đã được Citenco xử lý theo quy trình nghiêm ngặt. Với tình hình hiện nay, khả năng quá tải rác y tế tại các khu cách ly tập trung (F1) là rất lớn. TP nên tính đến chuyện xử lý rác thải tại các khu cách ly tập trung với quy trình mới là chôn lấp an toàn – rác được phun khử khuẩn nhiều lần, đựng trong túi ni-lông, hố chôn lấp rải vôi khử khuẩn…
Riêng đối với rác tại các điểm phong tỏa do địa phương quản lý, TP HCM cũng cần hướng dẫn người dân phân thành 2 loại: Rác có nguy cơ lây nhiễm (khẩu trang, khăn lau mặt…) cột chặt trong túi ni-lông, khử khuẩn và rác sinh hoạt bình thường (rau, củ, quả, vỏ trứng…). Mỗi loại rác cột túi riêng mang ra điểm tập kết, cho vào những thùng rác có dán nhãn phân biệt do địa phương bố trí. Với rác có nguy cơ lây nhiễm thì xử lý chôn lấp an toàn, còn lại xử lý như rác sinh hoạt.
Kiến nghị sớm được tiêm vắc-xin HTX Môi trường Liên Minh, HTX Bình Tân, Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm, HTX Môi trường Thống Nhất… cùng kiến nghị được tiêm vắc-xin cho lực lượng thu gom rác dân lập. Ông Phạm Văn Khanh dẫn chứng lực lượng thu gom rác dân lập của Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm có hơn 100 thành viên, thu gom rác tại nhiều địa bàn như các quận 3, 5, 4, 10… Đây là lực lượng đi từng hẻm, đến từng nhà thu gom rác. Thậm chí, họ phải lấy rác tại các khu cách ly, khu phong tỏa. Bà Nguyễn Kim Hoa, Giám đốc HTX Môi trường Liên Minh – phụ trách thu gom rác tại 11 phường của TP Thủ Đức, cho biết HTX vừa có đơn gửi lãnh đạo TP Thủ Đức kiến nghị ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ 89 thành viên và 210 lao động của HTX này. |
Thu Hồng – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Người thu gom rác dân lập tiến hành lấy rác tại khu vực phong tỏa ở chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP HCM Ảnh: PHẠM KHANH
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/thoi-su/bat-cap-thu-gom-rac-o-diem-phong-toa-20210711194518458.htm