Đất đai ngổn ngang sai phạm

Đất đai là lĩnh vực hội tụ nhiều cái nhất: phức tạp nhất, nhiều khiếu nại, tố cáo nhất và tham nhũng lớn nhất. Mặc dù có giảm nhưng từ năm 2013 đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm trên 60% trong tổng số các đơn thư…

Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án Tòa án Nhân dân Tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và niềm tin của xã hội đối với Đảng và Nhà nước.

VÌ SAO VI PHẠM XẢY RA PHỔ BIẾN?

Trên đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai” vừa diễn ra tại Hà Nội. Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất như: không đúng mục đích, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, không theo quy hoạch đã được phê duyệt… Thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người sử dụng đất có đất bị thu hồi, nhà đầu tư; chậm chễ trong trả tiền đền bù…

“Chỉ nói về công tác quy hoạch thì trên thực tế, Luật Đất đai 2013 và các luật chuyên ngành chưa thực sự đảm bảo tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch ngành quốc gia có sử dụng đất. Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai 2013 và các quy định về quy hoạch có sử dụng đất của các ngành quốc gia theo các luật chuyên ngành chưa thật sự đảm bảo được định hướng của Nghị quyết 19/TƯ”.Ông Lê Hoàng ChâuChủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA)

Quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gồm: vi phạm trong việc xác định giá trị đất đai trước khi cổ phần hóa; chuyển mục đích sử dụng đất sau khi cổ phần hóa; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng trình tự thủ tục, không đúng thẩm quyền; Quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không tương thích với các quy hoạch khác; thường xuyên bị điều chỉnh… Gần đây thực tế này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong các kết luận thanh tra về sử dụng đất tại nhiều địa phương, bao gồm: Tp.HCM, Huế, Bến Tre…

Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng một phần không nhỏ là do những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai cũng như sự chồng chéo, chưa thống nhất trong một số quy định giữa Luật Đất đai 2013 với các hướng dẫn thi hành luật và với một số luật khác (Bộ Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…). Từ đó, dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Thêm vào đó là năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về đất đai còn chưa cao, nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai còn sơ sài, thiếu thống nhất…

HOÀN THIỆN LUẬT THEO HƯỚNG RÕ RÀNG, DỄ THỰC THI

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết: Để đảm bảo tính khả thi của Luật Quy hoạch 2017, Quốc hội đã ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan về quy hoạch năm 2018, bao gồm cả Luật Đất đai 2013, trong đó đã điều chỉnh một phần, nhưng vẫn chưa thực sự đảm bảo được tính đồng bộ, liên kết giữa các văn bản luật.

Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu, đặc biệt, phải bảo đảm quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường…

Quy hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 chưa thể hiện đầy đủ các không gian quy hoạch, mới tập trung chủ yếu vào việc quy hoạch sử dụng đất đối với không gian bề mặt của đất đai, chưa quy định quy hoạch sử dụng đất đối với không gian bên trên mặt đất; chưa quy định quy hoạch sử dụng đất đối với không gian ngầm (Điều 178 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được thuê đất để xây dựng công trình ngầm); chưa quy định quy hoạch sử dụng đất theo tuyến, ví như quy hoạch sử dụng đất các tuyến đường giao thông qua nhiều đơn vị hành chính, nhất là đường giao thông liên tỉnh.

Bên cạnh đó, khoản 5 điều 40 Luật Đất đai 2013 quy định đối với quận đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đã giới hạn phạm vi quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm cho hệ thống quy hoạch sử dụng đất không còn là một chỉnh thể. Quy định này chưa thật chuẩn xác, mà lẽ ra với quan điểm tích hợp, liên kết các loại quy hoạch, tất cả các thông tin quy hoạch trên được tích hợp trong một bản đồ quy hoạch thống nhất. Như vậy, sẽ tiết kiệm được nguồn lực và không trùng lắp trong hoạt động lập quy hoạch của ngành đất đai và ngành xây dựng, ông Châu nhận định.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư cán sự đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cũng nhìn nhận, về thực thi, thực hiện Luật Đất đai, có nơi, có lúc chưa nghiêm, có tiêu cực, tham nhũng, sai phạm, lãng phí nguồn lực. Hệ thống pháp luật không đồng bộ, không thống nhất, chưa rõ ràng, có khoảng trống, mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau.

Do vậy, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao kiến nghị: phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, chủ đạo là Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan theo hướng đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi; đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp, với các đạo luật, khắc phục xung đột, chồng chéo; bổ sung những khoảng trống chưa được điều chỉnh.

Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu, đặc biệt, phải bảo đảm quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường; Tổ chức thực hiện các luật hiện hành, đặc biệt là thực thi Luật Đất đai phải bảo đảm đầy đủ, nghiêm chỉnh hơn, tránh dự án giao rồi thành dự án treo, làm lãng phí nguồn lực; tăng cường thanh tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm, tội phạm.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tổ chức lại các cơ quan thực thi pháp luật về đất đai một cách chuyên nghiệp hơn, đồng bộ hơn, trong đó có tòa án về đất đai, cơ quan thanh tra về đất đai. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai về đăng ký, kiểm soát tài sản, cơ sở dữ liệu quốc gia…

“Ý thức chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ, chưa nghiêm”, “vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm”. Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị

Phan Dương/VnEconomy

Theo VnEconomy

Ảnh: Ảnh minh họa

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vneconomy.vn/dat-dai-ngon-ngang-sai-pham.htm