An Giang cấp bách triển khai phòng, chống sạt lở bờ sông

Hiện nay, trên toàn tỉnh An Giang có hơn 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn đặc biệt nguy hiểm.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 12 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài gần 800m, ảnh hưởng đến 8 căn nhà phải di dời khẩn cấp.

Đáng lo ngại là tình hình sạt lở ngày càng gia tăng về quy mô và tần suất xuất hiện. Trong đó, hiện tượng sạt lở ở các kênh, mương nội đồng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Tỉnh An Giang đang tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Sạt lở diễn biến phức tạp

Huyện Chợ Mới là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở. Mặc dù mới bước vào đầu mùa mưa bão nhưng trên địa bàn huyện đã liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng, không chỉ đe dọa đến tính mạng, mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và đời sống sinh hoạt của người dân.

Mới đây nhất, vào ngày 8/6, dọc bờ sông Ông Chưởng, đoạn Km16+250, gần cầu Xà Mách, Tỉnh lộ 946 (huyện Chợ Mới) xảy ra vụ sạt lở bờ sông với chiều dài gần 60m và ăn sâu vào nền đường 2m, làm 11 hộ dân phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2021, cũng trên tuyến bờ sông Ông Chưởng thuộc 2 xã Mỹ An và Kiến Thành (huyện Chợ Mới), liên tiếp xảy ra 4 đoạn sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến giao thông, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Trong số đó, khu vực thuộc xã Kiến Thành, có một đoạn sạt lở dài hơn 60m; khu vực xã Mỹ An có 3 đoạn sạt lở, dài gần 100m, ăn sâu vào mặt đường nhựa hơn 1m, nền nhựa bị sụt lún xuống 0,3m và vết nứt rộng 0,2m.

Không riêng huyện Chợ Mới, sạt lở còn diễn biến phức tạp tại các địa phương như An Phú, Châu Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu và thành phố Long Xuyên…

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện An Phú, năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra sạt lở 21 đoạn, với tổng chiều dài gần 450m, tổng diện tích mất đất do sạt lở khoảng 2.364m2. Sạt lở đã gây ảnh hưởng 15 căn nhà, buộc người dân phải di dời khẩn cấp.

Các địa phương xảy ra sạt lở là Nhơn Hội, Khánh Bình, Quốc Thái, Vĩnh Lộc, thị trấn An Phú… tổng thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, cho biết năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 61 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch (tăng 13 điểm so năm 2019), với chiều dài hơn 3.330m, ảnh hưởng đến 119 căn nhà, phải di dời khẩn cấp. Đáng lo ngại là tình hình sạt lở ngày càng gia tăng về quy mô và tần suất xuất hiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn An Giang xảy ra 12 điểm sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 797m (An Phú 248m, Chợ Mới 549m), ảnh hưởng đến 8 căn nhà của dân (An Phú 6 căn, Chợ Mới 2 căn), ước thiệt hại về đất khoảng 500 triệu đồng.

Riêng trong tháng 6, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch lớn nhỏ dọc bờ sông Ông Chưởng, huyện Chợ Mới; bờ sông Châu Đốc, huyện An Phú; bờ sông Sóc Triết, huyện Tri Tôn; bờ sông Cái Sắn, thành phố Long Xuyên…

Tỉnh An Giang đã phải công bố tình huống khẩn cấp sạt lở nghiêm trọng tại các địa phương này, để tiến hành xử lý cấp bách khu vực sạt lở.

Trước tình hình sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã yêu cầu các ngành và địa phương chủ động hơn trong công tác kiểm tra, phòng ngừa sạt lở, nhất là tại những khu vực trọng yếu, có nguy cơ cao và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm dòng dẫn thoát lũ để tổ chức cảnh báo và di dời nhà dân đến nơi ở an toàn.

Cần giải pháp căn cơ

Ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, năm 2021, dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm 5-15%, có khả năng xuất hiện mưa lớn kéo dài, nhưng lượng nước trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu hụt.

Thực tế tại An Giang, năm nay khô hạn đến sớm và kéo dài, mưa lớn tập trung vào giai đoạn cuối năm, mực nước trên sông thấp, nước trong đất bị mất cân bằng nên vào đầu mùa mưa nếu có mưa lớn cục bộ sẽ làm mặt đất thấm nước nhanh, kết cấu đất mềm, yếu, trong khi mực nước sông còn thấp, dẫn đến sạt lở ở những nơi mái bờ dốc thẳng đứng.

Ngoài ra, dòng chảy bắt đầu mạnh khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tạo thành hàm ếch rỗng chân ăn sâu vào bờ phía bên dưới, khi đó khối đất sẽ mất mái ta luy và khả năng xảy ra sạt lở, đổ ụp xuống sông rất cao…

Nhằm hạn chế phần nào sạt lở đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã khuyến nghị các địa phương, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở cần chủ động áp dụng các giải pháp ngăn ngừa như giảm tải trọng đường bộ; cấm hoặc giảm tải phương tiện giao thông, tháo dỡ nhà hoặc kho bãi có tải trọng lớn ven bờ; thả rọ đá, bao cát, bó nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy, sóng.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang khẳng định đối với những đoạn sạt lở nghiêm trọng cần phải khắc phục khẩn cấp, nhanh chóng làm rào chắn và cắm biển báo nhằm đảm bảo an toàn cho người dân; đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền hỗ trợ khắc phục sạt lở, nhất là khu vực bờ sông, bờ kênh cấp 1 và kênh cấp 2 liên huyện…

Tuy nhiên, việc khắc phục sạt lở hiện nay chỉ mang tính cấp thiết trước mắt nên tốn kinh phí mà không có ý nghĩa lâu dài.

Hiện nay, trên toàn tỉnh An Giang có hơn 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến rất nguy hiểm, trong đó có 6 đoạn đặc biệt nguy hiểm.

Tại những khu vực có nguy cơ sạt lở này, có gần 20.000 hộ sinh sống cần phải di dời đến nơi an toàn. Riêng trên địa bàn huyện Chợ Mới hiện có 18 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở, với chiều dài hơn 47km từ mức độ nguy hiểm đến đặc biệt nguy hiểm; 2.000 hộ dân sinh sống trong khu vực cảnh báo cần phải di dời.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư, việc xử lý sạt lở tại các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao của tỉnh thời gian qua đã được Trung ương hỗ trợ.

Lộ trình từ nay đến năm 2025 sẽ cơ bản xử lý xong hiện tượng sạt lở tại các đoạn thuộc những sông lớn trong tỉnh, từ nguồn vốn Trung ương và vốn ODA.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn là việc di dời những hộ dân sinh sống 2 bên bờ của các tuyến sông. Tỉnh cũng đã có phương án để nhanh chóng di dời các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, với 7 cụm tuyến dân cư.

Những hộ nằm trong vùng có ít nguy cơ hơn sẽ có biện pháp bố trí vào các khu dân cư phòng, chống thiên tai tại các địa phương theo thời điểm thích hợp. Ngoài ra, cần có kế hoạch nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy các sông lớn để phòng ngừa sạt lở một cách hiệu quả.

Ông Trần Anh Thư cho rằng, không chỉ riêng An Giang mà tất cả các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nếu cứ chờ sạt lở xảy ra rồi lại bố trí kinh phí để xử lý thì nguồn lực sẽ không đáp ứng nổi. Do đó, cần tập trung xử lý những khu vực cảnh báo cực kỳ nguy hiểm, đông dân cư, trung tâm thương mại và khu quốc phòng-an ninh; còn những khu vực khác phải kết hợp hài hòa giữa nạo vét khơi thông và chỉnh trị dòng chảy để hạn chế sạt lở.

“Về lâu dài, nên thay đổi tập quán sống ven sông ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng. Cùng với đó, cần quy hoạch không gian, bố trí dân cư ở nơi xa sông, các công trình quan trọng không nên bố trí ven sông, đó mới chính là giải pháp căn cơ, lâu dài” – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang chia sẻ.

Trong chuyến kiểm tra thực tế các khu vực sạt lở trên địa bàn huyện Chợ Mới và làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn mới đây, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đã yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương cần chủ động quan trắc, kiểm tra tất cả các khu vực có nguy cơ sạt lở để kịp thời phát hiện, cảnh báo nhằm giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra; đồng thời chủ động dự báo tình hình, đề xuất hướng khắc phục, sớm gia cố kịp thời những vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhằm giảm chi phí, không ảnh hưởng đến giao thông, sản xuất và cuộc sống của người dân.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang, tại huyện Chợ Mới nói riêng, tỉnh An Giang nói chung, nhân dân có thói quen sinh sống dọc các bờ sông và kênh rạch, do đó cần kiểm tra trên toàn tuyến, để có phương án tạo quỹ đất di dời các hộ dân khu vực sạt lở lên tuyến dân cư mới, an toàn; tiến tới hạn chế phát sinh nhà ở và các công trình phụ trợ khác dọc các tuyến sông, kênh, rạch, vừa bảo đảm cảnh quan, vệ sinh môi trường, vừa phòng, chống sạt lở một cách triệt để.

Công Mạo (TTXVN/Vietnam+)

Theo VietnamPlus

Ảnh: Hiện trường vụ sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.vietnamplus.vn/an-giang-cap-bach-trien-khai-phong-chong-sat-lo-bo-song/724294.vnp