Ngày 1-7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có thông báo kết luận thanh tra liên quan tới các dự án BT (xây dựng – chuyển giao) sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Trong đó, tập trung thanh tra 3 dự án do Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) làm nhà đầu tư; dự án đường số 4 (đoạn từ đường số 6 đến đường số 23) do Công ty cổ phần đầu tư VCN làm nhà đầu tư; dự án đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, TP Nha Trang do Công ty Hacom Holdsing làm nhà đầu tư; dự án hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư và Công nghệ môi trường INCOTEC – Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Ngọc Minh UDIC làm nhà đầu tư.
3 dự án vi phạm nhiều nội dung
TTCP cho biết, đối với 3 dự án do Công ty Phúc Sơn làm nhà đầu tư, thực hiện không đầy đủ các cam kết của UBND tỉnh để được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26, Luật Đấu thầu năm 2013.
Theo đó, không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2017, mặc dù đã gia hạn đến tháng 6-2021, nhưng thực tế đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lấp (tương đương 558 tỷ đồng xây và 394,407 tỷ đồng chi phi đền bù giải phóng mặt bằng).
Không thực hiện đúng tiêu chí công trình cấp bách để được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
TTCP cho rằng, trong dự án trên phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng không phù hợp với Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 1175 của Thủ tướng Chính phủ, làm tăng tổng mức đầu tư lên 484 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện dự án lên thêm 30 tháng…
Trong các dự án trên, chậm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, chậm bàn giao, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, không đảm bảo tiêu chí cấp bách, điều kiện để được để được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, TTCP cũng cho rằng, việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi ký kết hợp đồng BT còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biện pháp thi công, đền bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào dự án đầu tư chưa đúng quy định (hạng mục đường dây cấp điện) làm tăng tổng mức đầu tư 3 dự án BT lên gần 500 tỷ đồng.
“Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán còn nhiều hạn chế, tồn tại, chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu, còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thi công ảnh hưởng đến tiến độ dự án; một số nội dung phê duyệt chưa phù hợp với thiết kế cơ sở…”, kết luận nêu.
Trách nhiệm để xảy ra những vi phạm nêu trên của 3 dự án BT thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa, Giám đốc các Sở KH-ĐT, Xây dựng, TN-MT, Tài chính; Ban quản lý dự án các công trình Giao thông và Thủy lợi Khánh Hòa (nay là Ban Nông nghiệp)… và các nhà thầu tư vấn thiết kế, thi công, giám sát, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa trong thời kỳ của dự án.
Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu
Đối với các dự án: dự án đường số 4; dự án đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, TP Nha Trang; dự án hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, TTCP cho biết, trong quá trình tiền hành thanh tra phát hiện quá trình lựa chọn dự án BT, công bố dự án; lập thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng BT triển khai thực hiện 3 dự án còn một số tồn tại, sai sót.
Thể hiện ở việc phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, ký hợp đồng khi chưa có quỹ đất thanh toán; chưa xác định được giá trị quỹ đất thanh toán theo nguyên tắc ngang giá.
Đến nay, 3 dự án BT đã triển khai thực hiện cơ bản hoàn thành (2 dự án đã đưa dự án vào sử dụng, 1 dự án hoàn thành 80%) nhưng chưa có quỹ đất thanh toán.
Trong việc này, UBND tỉnh Khánh Hòa chậm chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Từ những kết luận trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch và các Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 2014 – 2019) nghiêm túc kiểm điểm và đề xuất hình thức xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đồng thời giao Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Giám đốc các sở: TN-MT, Xây dựng, KH-ĐT, UBND TP Nha Trang, Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Ban quản lý dự án có liên quan nghiêm túc kiểm điểm và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các tập thể và cá nhân để xảy ra các sai phạm trên.
Đồng thời, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, nhất là đối với các công trình dự án thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao.
Đối với 3 hợp đồng BT do Công ty Phúc Sơn làm nhà đầu tư, TTCP đề nghị cần ban hành quyết định bổ sung giao đất, cho thuê đất để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thanh, quyết toán các dự án EXT theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư theo hình thức BT; xử lý diện tích đất còn lại theo đúng quy định. Giảm tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng và nghiêm túc kiểm đơn vị có liên quan trong việc thẩm định 3 dự án này.
Đỗ Trung – Báo SGGP
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Ảnh: Một góc sân bay Nha Trang (cũ). Ảnh: VĂN NGỌC
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.sggp.org.vn/6-du-an-bt-co-sai-pham-tai-tinh-khanh-hoa-742885.html