Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) vừa công bố nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học dự báo 90% Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm vào năm 2100 nếu không có các hành động khẩn cấp trên toàn lưu vực sông.
Nghiên cứu của nhóm GS Matt Kondolf, Đại học California, Berkeley (Mỹ) và cộng sự là ông Marc Goichot, Quản lý chương trình Nước ngọt, WWF Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Jeff Opperman, Trưởng nhóm Nghiên cứu khoa học Chương trình Nước ngọt Toàn cầu, WWF.
GS Matt Kondolf cho biết, phần lớn diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long – khoảng 40.000 km2 chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 2m. Vị trí này rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, trong đó có tác động của nước biển dâng. Cùng với các hoạt động như khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát không bền vững để xây dựng và mở rộng các thành phố trên khắp châu Á cũng như sự phát triển chóng mặt của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đang đe dọa tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo nhóm nghiên cứu, ngay tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc xây dựng đê cao để kiểm soát lũ và thúc đẩy thâm canh trong nông nghiệp đã ngăn không cho phù sa màu mỡ về bồi tụ trên các cánh đồng lúa. Các nhà khoa học đều nhất trí rằng quy mô và mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa trên đối với Đồng bằng sông Cửu Long đã trở nên hiển nhiên, nhưng việc này có thể được ngăn chặn nếu như chúng ta có thể bảo đảm trong nước sông vẫn có phù sa.
Các nhà khoa học xác định 6 biện pháp khả thi, đã từng được triển khai trên thế giới và có thể gia tăng đáng kể tuổi thọ của vùng đồng bằng, đó là:
– Hạn chế việc xây dựng các đập thủy điện có tác động lớn, thay thế bằng các trang trại điện gió và mặt trời khi có thể.
– Thiết kế hoặc cải tạo lại các đập thủy điện để hỗ trợ cho trầm tích chảy qua.
– Giảm dần và tiến đến dừng khai thác cát lòng sông và quy định nghiêm ngặt đối với tất cả các hoạt động khai thác trầm tích. Giảm nhu cầu sử dụng cát sông khai thác từ sông Mê Kông bằng các vật liệu xây dựng bền vững và vật liệu tái chế.
– Đánh giá lại tính bền vững của nền nông nghiệp thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long.
– Duy trì tính kết nối của các vùng ngập lũ ở đồng bằng thông qua điều chỉnh các công trình hạ tầng nước và thủy lợi.
– Đầu tư vào các giải pháp “thuận thiên” để bảo vệ bờ biển trên quy mô lớn dọc theo vùng duyên hải của đồng bằng.
Hải Thanh (T/h)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh hoạ: ITN