9 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng cháy nổ trên địa bàn TP Hà Nội được HĐND TP thông qua, nhấn mạnh đến việc ngăn ngừa, xử lý cháy nổ xảy ra đối với loại hình có nguy cơ cao như chung cư, cụm công nghiệp làng nghề, trung tâm thương mại…
HĐND TP Hà Nội đã thông qua 9 nhóm biện pháp chủ yếu trước mắt, cũng như thời gian tiếp theo để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ trên địa bàn TP.
Nghị quyết đánh giá kỹ về kết quả, đặc biệt là những hạn chế trong công tác PCCC trên địa bàn, đồng thời cũng đề ra 9 nhóm biện pháp.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục, xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra đối với các loại hình có nguy cơ cao như nhà ở nhiều căn hộ, cụm công nghiệp làng nghề, trung tâm thương mại… Đồng thời chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng cứu hộ, thoát nạn.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay.
Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần thiết, hằng ngày.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ với nội dung, hình thức, phương pháp đa dạng, thiết thực, hiệu quả.
Đặc biệt, trong giai đoạn này tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo an toàn PCCC đến các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh sản xuất và các cơ sở trên địa bàn về biện pháp thoát nạn, phòng ngừa cháy nổ; cảnh báo những nguy cơ gây cháy, nổ; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ để chủ động phát hiện và loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn (đặc biệt việc quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt…).
Nhiều chung cư mini ở Hà Nội được xây dựng trong ngõ nhỏ khiến xe cứu hỏa khó tiếp cận.
Thứ ba, tăng cường xây dựng phong trào và nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ; kiện toàn củng cố về nhân lực, nguồn lực, cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho các lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, lực lượng phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy nổ, sự cố tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Thứ tư, triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn, nhất là ở các nơi có nguy cơ cháy, nổ cao, như: Các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hoạt động vui chơi, giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người, khu, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống; rừng…
Người đứng đầu chính quyền các cấp của thành phố, cơ quan, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ, nhất là các đối tượng nguy cơ cháy, nổ cao. Xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC có hiệu lực…
Thứ sáu, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ, nhất là tại các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu nhà ở, khu công nghiệp, khu thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…
Thứ bảy, tiếp tục nghiên cứu, có chế độ chính sách thiết thực để động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Thứ tám, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện đại, phù hợp với tình hình, sự phát triển của đất nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Thứ chín, khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp (trong đó có hợp tác công tư, xã hội hóa) để mua sắm trang thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho hoạt động PCCC trên địa bàn thành phố.
Quang Phong – Báo VietnamNet
Theo VietnamNet
Ảnh: Nhiều chung cư mini trên địa bàn Hà Nội làm rào sắt kín cả ban công. Ảnh: Minh Hoàng
Xem bài viết gốc tại đây: