6 tháng đầu năm, thị trường BĐS vẫn trầm lắng, đầy khó khăn

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, thiếu trầm trọng nguồn cung; doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án, cắt giảm lao động…

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp.

Ví dụ tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Bộ trưởng Bộ Xây dựng) đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, TP.HCM về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án BĐS trên địa bàn.

Tính đến nay, tổ công tác đã nhận được 108 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án BĐS; đồng thời đã nghiên cứu, rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử lý 108 văn bản.

Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay việc hướng dẫn đối tượng, điều kiện của khách hàng và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho biết việc thực hiện công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo định kỳ; thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường BĐS, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường BĐS tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường BĐS vẫn chưa sôi động trở lại.

Thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án BĐS, cắt giảm lao động… ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.

Cụ thể, nguồn cung BĐS tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc: Nhà ở thương mại hoàn thành 25 dự án với khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 6 tháng cuối 2022; nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng 4 dự án với quy mô 934 căn hộ; dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành 8 dự án với 3.385 căn, bằng 133,33% so với quý 4/2022 gồm: 2.458 căn hộ du lịch, 680 căn biệt thự du lịch và 247 căn văn phòng kết hợp lưu trú.

Về giá giao dịch, tiếp tục có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022, trong đó thời điểm giá giảm nhiều là quý 1/2023. Giá chung cư tại các địa phương giảm từ 2 – 6% so với kỳ trước, nhà ở riêng lẻ giảm từ 6 – 10% so với kỳ trước, đất nền tại các dự án giảm khoảng từ 8 – 11%.

Về tổng lượng giao dịch, có khoảng 187.000 giao dịch thành công, đạt 36,13% so với 6 tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng 40,69% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Về tín dụng BĐS, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản tháng 2.2023 là 859.394 tỉ đồng.

Doanh nghiệp BĐS vẫn khó tiếp cận tín dụng

Doanh nghiệp BĐS vẫn khó tiếp cận tín dụng

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, BĐS là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỉ đồng, tăng 76,0% so với cùng kỳ.

Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS, trong 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 228,4 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam là 4,32 tỉ USD.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn, trong đó, nhà ở xã hội 6 dự án quy mô 7.730 căn; nhà ở công nhân 3 dự án quy mô 11.038 căn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân được trên 6.200 tỉ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Về việc tổ chức triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030)”, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ được giao và báo cáo số liệu đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn; chủ trì tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai đề án.

Theo số của các địa phương, tính đến ngày 18.6.2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Hoài Lam/MTG

Theo Một Thế Giới

Ảnh: 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS vẫn trầm lắng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://1thegioi.vn/6-thang-dau-nam-thi-truong-bds-van-tram-lang-day-kho-khan-201917.html